Ngày Môi trường thế giới (5/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022 được UNEP phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Đây là thời điểm để mỗi quốc gia, mỗi tập thể, mỗi cá nhân cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và vì màu xanh của Trái đất.
Để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2472/BTNMT-TTTT ngày 11/5/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường năm 2022
Từ nhiều năm nay, Bộ NN-PTNT luôn tích cực trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo bằng những hoạt động thiết thực.
Tùy theo tình hình mỗi năm, Bộ đã có những hoạt động hưởng ứng phù hợp như treo băng rôn, viết bài tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, mít tinh, lễ ra quân làm sạch môi trường,....
Năm 2022, để tổ chức các hoạt động ứng Ngày Môi trường thế giới, ngày quốc tế đa dạng sinh học, Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn số 3092/BNN-KHCN ngày 18/5/2022. Theo nội dung công văn này, Bộ hướng dẫn các đơn vị tổ chức các hoạt động sau:
Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường) tại trụ sở cơ quan và các địa điểm phù hợp;
Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản... và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Giới thiệu các mô hình, các giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong ngành nông nghiệp;
Triển khai các văn bản về bảo vệ môi trường như Chỉ thị 9729/BNN-KHCN ngày 17/11/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về triển khai một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chỉ thị số 7804/BNN-KHCN ngày 10/01/2020 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp...;
Phát hiện, biểu dương và khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.