Chỉ 1,9% diện tích trong tổng số diện tích rừng các địa phương đề nghị chuyển đổi được Bộ NN-PTNT đồng ý trình Chính phủ phê duyệt |
Cụ thể, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/8/2017, Bộ NN-PTNT có Văn bản số 6570/BNN-TCLN đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ rà soát toàn bộ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 cũng như Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017.
Sau khi nhận được văn bản của Bộ NN-PTNT, đến ngày 31/12/2018, đã có 53 tỉnh, thành TP gửi báo cáo, trong đó 37 tỉnh có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên với 2.954 dự án, đề nghị chuyển mục đích 136.769ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên là 31.932ha, rừng trồng 68.799ha, đất chưa có rừng 13.700ha, đất chưa xác định 22.338ha.
Sau khi tiến hành lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, đến ngày 31/12/2018, Bộ NN-PTNT đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính xem xét và chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 86 dự án tại 22 tỉnh, TP (chiếm 3% số dự án đề xuất) với tổng diện tích 1.489ha (chiếm 1,9% tổng diện tích đề nghị của địa phương), bao gồm, rừng tự nhiên 963ha, rừng trồng 364ha và đất chưa có rừng 164ha.
Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH- ĐT sớm trình, phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025” và ưu tiên chỉ đạo, bố trí cân đối nguồn lực thực hiện đề án này |
Nhìn chung, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng được các cơ quan chức năng, ban ngành giám sát chặt chẽ, Bộ NN-PTNT được đánh giá đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, báo cáo tình hình, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương cũng được Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tại văn bản 1631/BC-BNN-TCLN gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo nhanh tình hình 3 năm triển khai thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành lâm nghiệp vẫn là kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư TƯ Đảng và theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cần thiết.
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc tiến hành tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại một số địa phương trong thời gian qua. Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra thời gian vừa qua.
Ưu tiên triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên cũng như quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Song song với đó, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chia sẻ, Bộ NN-PTNT sẽ quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động công ích theo quy định của nhà nước.
Kiên quyết chống chặt phá rừng trái pháp luật, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng, kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an hỗ trợ các tỉnh điều tra, xử lý vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hiện nay ở địa bàn phức tạp, nhạy cảm.