Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.
Theo đó, bổ sung Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh), Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), Khu kinh tế ven biển Thái Bình (Thái Bình) và Khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 4 khu kinh tế đã được thành lập và đang hoạt động, gồm: Khu kinh tế ven biển Vân Đồn và 3 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Bồ - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh).
Kết quả thu hút đầu tư vào 4 khu kinh tế này trong thời gian qua có nhiều khởi sắc và đạt kết quả đáng kể, tuy nhiên chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn xuyên quốc gia để hình thành dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tính lan toả cao cho các khu kinh tế còn hạn chế.
Vị trí quy hoạch Khu kinh tế ven biển Quảng Yên giáp ranh Khu kinh tế ven biển Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), cùng khu vực Đồng bằng sông Hồng và các khu kinh tế ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình (đã thành lập) và Khu kinh tế ven biển Ninh Cơ, tỉnh Nam Định.
Việc thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên một mặt sẽ tạo thêm không gian để phát triển nhóm khu vực kinh tế ven biển tại khu vực này. Mặt khác cũng sẽ gặp phải một số thách thức, như huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế và kết nối với khu kinh tế, thu hút đầu tư,…
Theo dự thảo tờ trình của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên có diện tích 13.303ha, bao gồm 2 khu vực: Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên với tổng diện tích trên 6.403ha; Khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc thị xã Quảng Yên với tổng diện tích gần 6.900ha.
Tại đây sẽ tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao, sinh học, phần mềm, nghiên cứu tái tạo năng lượng, trung tâm nghiên cứu dược phẩm, kinh tế biển, cảng biển quy mô lớn; trung tâm đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí…
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-15%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và 8,5-9% giai đoạn 2031-2035. Tạo việc làm cho khoảng 53.000-55.000 lao động vào năm 2030 và 60.000-63.000 lao động vào năm 2035.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng nhu cầu vốn để đầu tư phát triển khu kinh tế ven biển Quảng Yên là rất lớn, trong khi đó các nguồn lực từ ngân sách trung ương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tính dụng ưu đãi,… bị phụ thuộc vào nhiều điều kiện.
Để đảm bảo cân đối nguồn lực phát triển, tỉnh Quảng Ninh cần xác định nguồn vốn của khu vực tư nhân đóng vai trò quyết định sự phát triển thành công của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Do đó, địa phương này cần xây dựng giải pháp cụ thể, khả thi để huy động các nguồn vốn tư nhân trong nước và nước ngoài; sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án đầu tư thiết yết, phân kỳ đầu tư cho từng giai đoạn phát triển; tránh đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực làm giảm hiệu quả đầu tư.
Trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu chức năng đã được quyết định chủ trương đầu tư (dự án hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Khu công nghiệp Bạch Đằng,…).