| Hotline: 0983.970.780

Gỡ bất cập, không thể để phân bón thua ngay trên sân nhà

Thứ Hai 21/09/2020 , 06:35 (GMT+7)

Các doanh nghiệp kiến nghị đưa phân bón vào nhóm mặt hàng chịu thuế với mức thuế suất từ 0-5%.

Nếu đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội được hoàn thuế. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nếu đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội được hoàn thuế. Ảnh: Ngọc Thắng.

Bộc lộ những hạn chế từ Luật thuế 71

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, sau hơn 4 năm triển khai, Luật số 71/2014/QH13 đã bộc lộ một số hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất phân bón của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Thứ nhất, trước khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu khác, năng lượng, chi phí than, điện nước… có thuế suất GTGT là 10%. Mà các chi phí này có tỷ trọng lớn nên nhiều doanh nghiệp được hoàn thuế do thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật thuế số 71/2014/QH13. Theo đó, từ ngày 1/1/2015 các mặt hàng: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

Do đó, thuế GTGT đầu vào các nguyên vật liệu sản xuất được các doanh nghiệp đưa vào chi phí sản xuất, do không được khấu trừ ở đầu ra. Chính vì thế, giá thành sản xuất tăng lên.

Cũng theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, giá thành phân bón trong nước đã tăng lên 6-8%, dẫn đến đến giá bán cũng tăng lên ở biên độ tương ứng. Nếu so với thời điểm giá bán được tính thuế GTGT 5%, người dân thật sự không được hưởng lợi.

Khi giá thành sản phẩm tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước so với các loại phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các phân bón được sản xuất từ các nguyên vật liệu nguyên khai (apatit, than, secpentin...) như phân lân, đạm, phân DAP.

Doanh nghiệp và nông dân đều thiệt thòi

Tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, đại diện doanh nghiệp này cho biết, mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế buộc phải đưa vào giá bán. 

Còn tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tăng giá bán, khiến khách hàng - người nông dân chịu thiệt.

Tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 3.646 tỷ đồng (năm 2015: 825 tỷ, năm 2016: 588,8 tỷ, năm 2017: 755,5 tỷ, năm 2018: 767,7 tỷ, năm 2019: 708,8 tỷ).

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không phải chịu thuế GTGT đối với các chi phí đầu vào do chính sách khuyến khích xuất khẩu tại các nước xuất khẩu, thuế suất GTGT hàng xuất khẩu là 0% và không chịu thuế GTGT ra theo Luật số 71/2014/QG13. Đây là một lợi thế vô cùng lớn nếu phân bón được các doanh nghiệp nhập khẩu tại các quốc gia có chi phí sản xuất thấp.

Điều này, khuyến khích phân bón nhập khẩu có mặt tại thị trường nhiều hơn. Phân bón nhập khẩu tăng mạnh sẽ làm cho phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động...

Lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo sự phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón đều chịu thuế GTGT 10%. Ảnh: Ngọc Thắng.

Hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón đều chịu thuế GTGT 10%. Ảnh: Ngọc Thắng.

Vấn đề thứ hai, khi hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón đều chịu thuế GTGT 10%. Nếu như trước đây, số thuế này được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất thì khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 số thuế này phải được tính vào tổng đầu tư, làm gia tăng giá trị tài sản cố định, chi phí khấu hao lớn, thời gian khấu hao kéo dài.

Điều này làm cho giá thành sản xuất tăng cao (do khấu hao lớn), hiệu quả sử dụng tài sản cố định giảm… dẫn đến việc hiệu quả đầu tư giảm, sẽ không khuyến khích đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, còn có một số bất lợi khác như: Nông dân phải sử dụng phân bón nhập khẩu với chất lượng khó kiểm soát. Mỗi năm doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thất thu tới 4.000 tỷ đồng. Do nhập khẩu phân bón như vậy, không tự chủ được sản lượng phân bón trong nước, thu hẹp các DN sản xuất và nguy cơ ngành phân bón tụt hậu so với các nước trong khu vực thua ngay trên sân nhà.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Trước những bất cập này, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa có văn bản gửi Hiệp hội Phân bón đề nghị đơn vị này có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn do ngành sản xuất phân bón trong nước, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT từ 0%-5%.

Cũng theo ông Bùi Thế Chuyên, việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế, với thuế suất GTGT 0% khi đó, thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước bằng không, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón, có cơ hội giảm giá bán phân bón cho nông dân.

Nếu đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội được hoàn thuế do tỷ trọng lớn các nguyên vật liệu sản xuất có thuế GTGT đầu vào 10%. Trường hợp này không làm tăng, có cơ hội giảm chi phí sản xuất.

Cả hai trường hợp trên phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí bất hợp lý, bình đẳng môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính ngay trong tháng 8 năm 2020 trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB-VPCP ngày 18/6/2020, trong đó nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.

Đây là một tín hiệu vui, niềm mong mỏi của bà con nông dân và DN chờ đợi sẽ sớm có được những thay đổi cơ bản trong Luật thuế 71 giúp nông dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón vượt qua được những khó khăn, góp phần vào ổn định an ninh lương thực quốc gia.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

VRG có 3 khu công nghiệp trong Top 10 công ty bất động sản công nghiệp

3 khu công nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa được bình chọn trong Top 10 công ty bất động sản uy tín năm 2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.