| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị sửa Luật thuế 71: Doanh nghiệp phân bón tư nhân nói gì?

Thứ Tư 30/09/2020 , 09:29 (GMT+7)

Phần lớn các nghiệp phân bón tư nhân cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất sửa Luật thuế số 71/2014/QH13 để tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang mặc kẹt bởi Luật thuế số 71. Ảnh: DPM.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang mặc kẹt bởi Luật thuế số 71. Ảnh: DPM.

Khốn khổ giữa không chịu thuế và thuế 0%

Việc sửa đổi Luật thuế số 71 đã được các doanh nghiệp phân bón, Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón kiến nghị ngay từ đầu năm 2015 khi Luật 71 bắt đầu có hiệu lực, bởi ngay khi áp dụng chính sách này đã bộc lộ quá nhiều bất cập.

Không biết do vô tình hay hữu ý, hầu hết các doanh nghiệp phân bón trong nước đều bất ngờ khi Luật thuế 71 chuyển phân bón từ đang chịu thuế GTGT 5% sang diện không chịu thuế, thay vì thuế GTGT 0% như kỳ vọng của doanh nghiệp và nông dân. Bởi giữa thuế GTGT 0% với không chịu thuế chỉ khác nhau về câu chữ nhưng bản chất vấn đề lại khác nhau hoàn toàn.

Nếu thuế GTGT 0%, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ 100% thuế các nguyên liệu đầu vào (quy định trước Luật 71 lấy thuế đầu vào trừ đi 5% thuế GTGT đầu ra, phần dư ra doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào), nhưng nếu phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT, toàn bộ các khoản thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp phân bón như: điện, than, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được khấu trừ.

Do đó, sau khi Luật thuế số 71 có hiệu lực từ năm 2015, lợi nhuận và doanh thu của khối doanh nghiệp phân bón sụt giảm rõ rệt. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2015 - 2019 là khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử với doanh nghiệp phân bón khi doanh thu và lợi nhuận hàng năm đều sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phân bón lẫy lừng một thời khi lãi hàng nghìn, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm giảm chỉ còn vài trăm đến vài chục tỷ đồng, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp đang làm ăn tốt, lãi đều đặn bỗng quay sang lỗ lũy kế triền miên nhiều năm trời.

Việc sớm sửa Luật thuế số 71 được đánh giá sẽ đem lại 3 lợi ích tích cực cho ngành phân bón. Ảnh: DAP 1.

Việc sớm sửa Luật thuế số 71 được đánh giá sẽ đem lại 3 lợi ích tích cực cho ngành phân bón. Ảnh: DAP 1.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%, phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân super lân tăng 6,5 - 6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Nguyên nhân do không được khấu trừ đầu vào nên các doanh nghiệp phân bón đều phải hạch toán toàn bộ khoản chi phí GTGT đầu vào vào giá thành sản phẩm và không ai khác nông dân chính là mắt xích cuối cùng phải gánh chịu chi phí phi lý này.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần DAP Vinachem, việc Chính phủ, Quốc hội sửa Luật thuế 71 đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế GTGT sẽ mang lại ba mục đích rất tích cực cho ngành phân bón. Thứ nhất, Nhà nước không bị thất thu thuế với mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như hiện nay. Thứ hai, tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Thứ ba, việc áp thuế GTGT đồng thời tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế.

Doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều thiết tha sửa đổi

Ròng rã suốt từ năm 2015 đến nay hầu như không kỳ hợp Quốc hội nào các doanh nghiệp phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như Bộ Công Thương không đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật thuế số 71, song một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nên kêu gọi sửa đổi chính sách. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, rất nhiều doanh nghiệp phân bón tư nhân cũng hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi Luật thuế số 71 càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, Tiến Nông hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi Luật thuế 71 theo phương án chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang chịu thuế GTGT mặc dù Tiến Nông không hưởng lợi gì nếu Luật thuế 71 sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, với chính sách thuế như hiện nay, phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón từ các nước Asean đang có điều kiện thuận lợi tràn vào cạnh tranh bất bình đẳng với phân bón trong nước khiến nhà nước thiệt đơn thiệt kép.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Phong cho rằng, việc Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính sớm sửa Luật thuế 71 về phân bón vừa giúp hạn chế hàng nhập khẩu tràn vào cạnh tranh không lành mạnh, vừa hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp phân bón trong nước, qua đó gián tiếp hỗ trợ nông dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay.

Việc sớm sửa đổi Luật thuế số 71 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 mà còn gián tiếp hỗ trợ nông dân được mua phân bón với giá hợp lý hơn. Ảnh: DPM.

Việc sớm sửa đổi Luật thuế số 71 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 mà còn gián tiếp hỗ trợ nông dân được mua phân bón với giá hợp lý hơn. Ảnh: DPM.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Lào Cai Phạm Văn Hiếu cũng kiến nghị sớm sửa đổi Luật thuế 71 để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phân bón trong nước bởi các mặt hàng đầu vào với sản xuất phân lân nung chảy hiện nay như quặng apatit, sa thạch, than, điện, thậm chí vận tải đều đang phải chịu thuế đầu vào lên tới cả 10% nhưng đều không được khấu trừ.

Đại diện Công ty Cổ phân Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng mong Chính phủ, Quốc hội sửa Luật thuế só 71 ngay trong năm 2020 này bởi càng để lâu càng khiến sức cạnh tranh của ngành phân bón trong nước suy giảm, vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho phân bón ngoại tràn vào tạo những hệ lụy lâu dài với ngành phân bón và bà con nông dân.

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?