| Hotline: 0983.970.780

Bò thịt cao lớn, nhìn tưởng đàn trâu

Thứ Năm 29/02/2024 , 06:45 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Thăm trại chăn nuôi bò, nhìn từ xa, ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi lầm tưởng đây là 'đàn trâu'.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là mô hình ông Nguyễn Văn Tung ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đang áp dụng triển khai nuôi bò thịt thâm canh dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và đã cho hiệu quả cao.

Những chú bò cao lớn... như trâu của ông Tung khi xuất bán. Ảnh: Việt Toàn.

Những chú bò cao lớn... như trâu của ông Tung khi xuất bán. Ảnh: Việt Toàn.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh của gia đình ông Nguyễn Văn Tung đúng thời điểm gia đình ông đang cho xuất chuồng 10 con bò thịt ra thị trường chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thăm trại chăn nuôi bò, nhìn từ xa, ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi lầm tưởng đây là "đàn trâu", lại gần mới biết và được ông Tung giới thiệu đây là giống bò chuyên thịt BBB, thân hình đen bóng, có con nặng đến 8 tạ, chỉ nhìn đàn bò thôi là ai nấy đều thích thú. Chuồng trại chăn nuôi được bố trí một cách bàn bản, khoa học.

Ông Tung cho biết, đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, hỗ trợ cho gia đình ông. Trong khi tình hình chăn nuôi các gia súc, gia cầm khác gặp khó khăn về dịch bệnh và tiêu thụ thì chăn nuôi bò thịt thâm canh vẫn là hướng đi đầy triển vọng cho các hộ dân.

Giống bò được ông Tung đưa vào nuôi là giống bò chuyên thịt lai BBB với độ tuổi từ 8 - 12 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 180 - 200kg/con, với quy mô 10con. Bò giống bò đưa vào thực hiện tại mô hình được bình tuyển dựa trên các tiêu chuẩn của bò hướng thịt. Đây là kết quả của chương trình cải tạo đàn bò dùng tinh bò BBB phối giống cho đàn bò cái nền lai Zebu, F1 chọn lọc tạo ra giống bò thịt có năng suất cao và khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi ở Quảng Trị.

Trong khi nhiều sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn trong tiêu thụ thì nuôi bò thịt thâm canh vẫn cho hiệu quả khá. Ảnh: Việt Toàn.

Trong khi nhiều sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn trong tiêu thụ thì nuôi bò thịt thâm canh vẫn cho hiệu quả khá. Ảnh: Việt Toàn.

Trong quá trình chăn nuôi, ông được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn tận tình cụ thể, có ghi nhật ký chăn nuôi bài bản. Ông Tung chia sẻ kinh nghiệm: Trong quá trình nuôi, để đàn bò nhanh lớn, khẩu phần ăn hằng ngày phải phù hợp với lứa tuổi, giai đoạn sinh trưởng phát triển của bò. Thức ăn cho bò phải đầy đủ, bao gồm thức ăn thô xanh như cỏ voi, cỏ tự nhiên, thân chuối, ngô sinh khối, rơm; thức ăn ủ chua (đảm bảo 10 - 15% trọng lượng bò); thức ăn tinh là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, cám gạo, bã sắn khô (đảm bảo 1 - 1,5% trọng lượng bò). Ngoài ra, gia đình ông thêm rỉ mật mía, muối và bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng cho bò bằng tảng đá liếm.

Ông Tung phấn khởi: "Nhà nông thì phải trồng trọt, chăn nuôi. Năm nào nhà tôi cũng phát triển chăn nuôi, tới gần Tết là xuất bán. Có năm cũng chỉ ngang vốn nhưng năm nay nuôi theo phương thức mới của bên Khuyến nông hướng dẫn nên đàn bò phàm ăn, lớn nhanh, khỏe mạnh, hình thể to lớn vượt trội hơn so với các giống khác, đặc biệt cơ bắp phát triển, nổi rõ nhất là phần cơ mông, ngoại hình đẹp".

Khi xuất chuồng, tổng trọng lượng 10 con bò của ông Tung đạt gần 6,2 tấn hơi, giá bán là 80.000đ/kg, tổng thu trên 490 triệu đồng. Ông đã ghi toàn bộ chi phí chăn nuôi, bao gồm 200 triệu đồng tiền giống, 140 - 150 triệu đồng thức ăn và công chăm sóc, sau khi trừ toàn bộ chi phí gia đình còn lãi 130 triệu đồng. Nhờ có khoản thu nhập này, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Tung đón một cái Tết sung túc. Ngoài khoản chi cho dịp Tết, gia đình ông lấy nguồn thu từ chăn nuôi bò năm 2023 để đầu tư, cải tạo, mở rộng khu chuồng trại nuôi, tái đàn và tăng thêm số lượng đàn bò thịt nuôi thâm canh.

Những chú bò cao lớn, nặng hơn 800kg chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: Việt Toàn.

Những chú bò cao lớn, nặng hơn 800kg chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: Việt Toàn.

Mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, ngô ủ chua tạo nguồn thức ăn dồi dào, giàu dinh dưỡng, từ đó giúp hạ giá thành, gia tăng hiệu quả kinh tế. Việc chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng sẽ tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch sẽ. Với chăn nuôi nhốt chuồng, nguồn phân bò sẽ được thu dọn, vệ sinh một cách dễ dàng, đây là nguồn phân hữu cơ lớn, được tái sử dụng cho việc trồng cỏ, trồng ngô sinh khối phục vụ lại hoạt động chăn nuôi bò. 

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ kết quả của chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được thực hiện trong những năm vừa qua, năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh. Việc triển khai thành công mô hình đã mở ra hướng đi mới về chăn nuôi bò tập trung theo quy mô gia trại an toàn sinh học, sử dụng nguyên liệu, phụ phẩm sẵn có tại địa phương để chế biến thành thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường theo hướng bền vững.

Thông qua mô hình, sẽ thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh sang đầu tư thâm canh, có quản lý. Từ đây, làm tiền đề phát triển chăn nuôi bò thịt, góp phần tăng giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Gia đình ông Tung xuất bán đàn bò thịt. Ảnh: Việt Toàn.

Gia đình ông Tung xuất bán đàn bò thịt. Ảnh: Việt Toàn.

Ông Cẩn cho biết thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, thực hiện các mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo an toàn sinh học, xây dựng các mô hình trình diễn giúp nông dân đến học tập, nhân rộng. Thông qua chương trình này, giúp người chăn nuôi hiểu được lợi ích của việc cải tạo con giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh theo hướng tuần hoàn.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cũng sẽ tổ chức xây dựng, hình thành và phát triển các chuỗi khép kín, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế. Qua đó đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt của tỉnh, trong đó phấn đấu tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh đến năm 2025 (theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17) đạt trên 75%.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.