| Hotline: 0983.970.780

Bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng để chống sạt lở ở ĐBSCL

Thứ Sáu 27/09/2019 , 22:02 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ phải quyết tâm hỗ trợ cho bằng được nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL.

Chiều 27/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở, sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 và giải quyết các vấn đề liên quan tuyến cao tốc tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, đấu thầu khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số dự án giao thông sắp triển khai.

Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ thị sát vùng sạt lở tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Qua hơn 2 giờ làm việc, Thủ tướng tán thành các báo cáo, ý kiến của Bộ NN-PTNT, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Nói về vấn đề khí hậu, Thủ tướng cho rằng ĐBSCL là nơi biến đổi khí hậu sâu sắc nhất. Vì vậy, cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ chính quyền địa phương trong chống chọi với thiên nhiên để phát triển đất nước, để ĐBSCL luôn là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước. Không chỉ phát triển được đời sống nhân dân mà còn đóng góp xây dựng đất nước.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước sẽ làm hết sức mình để cùng ĐBSCL phát triển bền vững. 

Sạt lở tuyến sông Cổ Chiên đoạn qua huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Chính vì vậy, 10 năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đặc biệt đến phát triển ĐBSCL. Nhất là xử lý các vấn đề sạt lở biển, sông ở ĐBSCL. Tuy vậy, tình hình sạt lở trên diện rộng cũng gây thiệt hại rất lớn cho nên ĐBSCL có nhiều tỉnh gặp khó khăn dẫn đến nhân dân, cấp ủy, chính quyền lo lắng. Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo tỉnh thành phố ĐBSCL một số nội dung.

Trước hết là tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức hơn trong việc giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra. Khắc phục các tập tục, phong tục tác động đến biến đổi khí hậu. Nhất là, xây dựng nhà cửa dọc sát sông, sát biển. Vì vậy cần phải quy hoạch tổ chức lại, chủ động hơn để đảm bảo tính mạng tài sản của nhân dân. Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng cần phải đánh giá lại tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch lại ĐBSCL.

Quy hoạch lại tổng thể sẽ định hướng phát triển tốt ĐBSCL.

Quy hoạch này rất quan trọng trong định hướng phát triển ĐBSCL. Từ đó, áp dụng khoa học công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở ở ĐBSCL, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong các vấn đề giảm sóng, gây bồi, giá thành công trình hạ... Cần lưu ý, những giải pháp tốt như phía trong thả đá để giảm từ 45 tỷ xuống còn 30 tỷ đồng/km đối với biển phía Đông và 30 tỷ xuống còn 20 tỷ/km ở biển Tây.

Đồng thời, huy động các nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp chống sạt lở bờ biển. Thủ tướng cho rằng việc này, trước đây cũng còn thực hiện chắp vá, bị động từ Trung ương xuống địa phương. Vì vậy, cần chủ động tổng kết những mô hình hay, cách làm tốt nhân rộng ra cả nước.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, nhất là Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tổng kết các mô hình này. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu một số đề tài đối với bờ biển vùng ĐBSCL.

Sạt lở tại bờ biển xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)

Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo không được để tình trạng hỏng làm trước, hỏng sau rồi không phát triển bền vững. Thủ tướng lưu ý các ngành các cấp địa phương phải chủ động di dời người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn, giảm thiểu khai thác cát... Đặc biệt là quy hoạch lại dân cư chủ động, tăng cường các biện pháp dự báo.

Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng đề nghị Chính phủ nên giải quyết và kiến nghị Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển bờ sông trên dưới 3.000 tỷ đồng trong hai năm (2019, 2020) để hỗ trợ ĐBSCL. Một là xuất dự phòng Trung ương năm nay cho ĐBSCL, giao Bộ Tài chính chủ động thực hiện. Thứ hai là bố trí 1.000 tỷ đồng bằng vốn đầu tư trung hạn và một số nguồn ODA khác. Trước tính mạng và tài sản của nhân dân Thủ tướng cho rằng phải quyết tâm hỗ trợ cho bằng được để đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL.

Sạt lở ven rừng phòng hộ tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.

Việc này, Thủ tướng giao cho các Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan có liên quan sớm tham mưu cho Thủ tướng. Trong đó, nền tảng quan trọng là Bộ NN-PTNT có khảo sát số liệu chứng minh và có đi hiện trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất tháng  10 năm nay. Chia thành hai giai đoạn: năm nay và một phần năm 2020 để phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL.

Đây là một quyết sách thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ĐBSCL. Các địa phương phải sử dụng một cách hiệu quả nhất chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đối với việc chống sạt lở này để cùng vượt qua thiên tai khắc nghiệt này.

Đối với vấn đề giao thông vận tải, Thủ tướng cho rằng trên tinh thần mặt bằng đã giải quyết xong, kinh phí Nhà nước, ngân hàng đã hỗ trợ thì dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương cần thúc đẩy thi công thường xuyên, liên tục để đến 31/12/2020 thông tuyến và 30/4/2021 khánh thành và đưa vào sử dụng toàn tuyến này. Cần phải đảm bảo thời gian, tiến độ, trách nhiệm đối với tuyến đường này.

Thủ tướng cho rằng các công trình phải đảm bảo chất lượng không để làn trước hỏng sau. Trong ảnh: Thi công cống ngăn mặn trữ ngọt Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Đồng thời tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được khởi công trong thời gian tới. Thủ tướng giao Bộ GTVT phải quyết tâm thực hiện để hoàn thành dự án sớm nhất. Các công trình khác Thủ tướng đề nghị triển khai phải có quy hoạch, điểm cầu, cụ thể. Nhất là cầu Đại Ngãi, các tuyến quốc lộ. Nhất là các tuyến Quốc lộ có sạt lở như Châu Đốc, Long Xuyên. Khi đã có vốn  rồi thì phải triển khai như đúng cam kết để đưa ĐBSCL đi lên bằng giao thông.

Đối với vấn đề vụ đông xuân tới, Thủ tướng đồng ý với quan điểm của Bộ NN-PTNT cần phải chủ động trong vấn đề đối phó với hạn mặn. Khả năng hạn mặn thấp hơn 2016, nhưng chúng ta không được chủ quan. Trước hết là tính toán diện tích, lúa chuyển đổi sang các loại cây khác phù hợp. Rồi nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch cụ thể về khoa học công nghệ để ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là giống. Chính vì vậy để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi, đảm bảo nước uống cho người dân, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT có hội nghị chuyên đề để giải quyết vấn đề này trong mùa hạn năm nay.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.