| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thứ Ba 07/06/2022 , 13:42 (GMT+7)

Theo lịch làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 7/6 và sáng 8/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề của ngành.

Chiều 7/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chiều 7/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Theo chương trình, 14h hôm nay (7/6), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, người trả lời sẽ là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bao gồm công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản;

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp;

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Ngoài Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tất cảTổng thuật

15 giờ 35

Chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị, chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - đặt câu hỏi Bộ trưởng đã có giải pháp gì để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp, tối ưu quy trình sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Nếu thay đổi cây trồng, vật nuôi thì chỉ cần một mùa vụ là đã đạt được kết quả, nhưng để thay đổi tư duy thì cần một quá trình để nâng cao nhận thức dần dần. Thời gian qua, các đề án nội ngành của Bộ NN-PTNT từ lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều bám theo mục tiêu này, chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị, chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, lấy thị trường để quyết định điều chỉnh, chuyển từ sản xuất cái mình có thể làm sang sản xuất cái có thể đáp ứng được thị trường một cách tối ưu nhất, đem lại hiệu quả, giá trị cao nhất.

15 giờ 30

Hợp tác xã phải nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và quản trị thị trường

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - nêu số liệu: “Sau khi thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay có tới 40% hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Các hợp tác xã rất khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn”. Ông đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hiện nay, để thực sự là cầu nối giữa bà con nông dân với doanh nghiệp”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng để hợp tác xã dễ tiếp cận đất đai và vốn. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, các hợp tác xã phải thật sự nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và quản trị thị trường. Bộ NN-PTNT có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để nâng cao năng lực quản trị của hợp tác xã để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.

15 giờ 20

Không chỉ nhìn vào giá bán cuối cùng mà cho rằng thị trường trong nước không hiệu quả

xk vai 2

Vải thiều tươi Việt Nam bày bán tại siêu thị AEON Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật.

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng - nêu vấn đề về chênh lệch giá cả giữa nông sản bán trong nước và trên các siêu thị nước ngoài và đặt câu hỏi làm thế nào để nông sản trong nước cũng có thể bán giá cao, cải thiện thu nhập cho người nông dân?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Đây có thể nói là một cái bẫy thông tin, có thể vải thiều Việt Nam khi bán ở Nhật là vài trăm ngàn/kg hay xoài qua Mỹ giá cũng cao nhưng khi thương lái mua của nông dân lại thấp. Thực tế, để đưa được nông sản Việt Nam đến được các kệ hàng của các nước phát triển thì chi phí vận chuyển, thị trường chiếm tỷ trọng rất cao. Vậy thị trường 100 triệu dân của chúng ta đang ở đâu, muốn giải được câu hỏi này chúng ta cần tổ chức lại thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản từ trong nước trước.

Do đó, chúng ta cần cân đối cả thị trường trong nước và nước ngoài chứ không chỉ nhìn vào giá bán cuối cùng mà cho rằng thị trường trong nước không hiệu quả.

15 giờ 10

Đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào cho các nhà máy chế biến

ttxvn_che_bien_dua_xuat_khau

Chế biến dứa xuất khẩu. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Vân Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - hỏi Bộ trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhưng đa phần là xuất khẩu thô, phụ thuộc vào một vài thị trường, vậy Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để tăng tỷ lệ nông sản chế biến, tỷ lệ chính ngạch và mở rộng các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Công bằng mà nói, trong các mặt hàng nông sản, có nhiều ngành hàng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến chiếm tỷ trọng lớn như thủy sản, gỗ, cao su… Tuy nhiên, cái khó và rủi ro nhất hiện nay có thể nhận thấy là đối với các mặt hàng trái cây.

Hiện nay, đã có các doanh nghiệp tham gia vào chế biến các mặt hàng trái cây tại Sơn La, Gia Lai… điểm chung đó là các doanh nghiệp đánh giá cao tính liên kết của nông dân ở những vùng nguyên liệu này. Khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của sản phẩm và tính liên tục chứ không thể hoạt động vài tháng, còn lại đóng cửa. Ngoài ra, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư còn phải giải quyết vấn đề nông dân không bán hàng cho nhà máy, đây là vấn đề liên quan đến liên kết sản xuất. Hiện nay, vấn đề này mới có thể chỉ giải quyết bằng niềm tin, giữa nông dân với doanh nghiệp và ngược lại.

15 giờ 05

Xác định 3 thị trường lớn cho nông sản Việt

image001-1630279269985

Xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng/Báo Nhân dân.

Giải trình vấn đề bất ổn thị trường và xúc tiến thị trường xuất khẩu nông sản mà đại biểu Nguyễn Văn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các tham tán thương mại ở nước ngoài, Bộ NN-PTNT cùng các Bộ đã xác định 3 thị trường lớn và có đề án riêng cho từng thị trường gồm Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.

Mỗi loại thị trường có một chuẩn mực thị trường, tiềm năng thị trường và có những quy định rào cản khác nhau.

“Như tôi hay nói, làm sao để thoát khỏi tình trạng chúng ta đi 'buôn chuyến' mà chúng ta có một chương trình xúc tiến bài bản, để chúng ta tiếp cận một thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia. Rồi từ thị trường đó chúng ta chuẩn hóa vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu từng loại thị trường khác. Chúng ta lấy thị trường để quy hoạch lại sản xuất thông qua các câu lạc bộ, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

15 giờ 00

Phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - cho rằng, nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao. Một số ngư dân miền Trung phải cho tàu cá nằm bờ. Bà đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp phối hợp với Bộ Công thương để tham mưu cho Chính phủ có giải pháp hỗ trợ giá, bình ổn giá, hỗ trợ ngư dân bám biển và có hiệu quả kinh tế.

Tàu cá nằm bờ ở cảng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi

Tàu cá nằm bờ ở cảng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Anh/Báo Thanh niên.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã làm hết sức mình cùng với các hiệp hội ngành hàng để làm sao giảm thiểu rủi ro nhất trong điều kiện có thể. Về câu hỏi vì sao giá xăng dầu tăng cao, thì trách nhiệm này thuộc về Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhận thấy, trong bức tranh của ngành Thủy sản không chỉ có khó khăn ở giá xăng dầu mà còn liên quan đến hệ lụy của Nghị định 67 trong thời gian qua. Ngành Thủy sản có 800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm công tác hậu cần nghề cá. Nhưng, 800.000 ngư dân đó gần như không tham gia một tổ chức nào, vậy là một lần nữa rơi vào tình trạng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng một Chiến lược phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Vì trữ lượng ngư trường của chúng ta không giống như ngày xưa nữa.

Một cái khó nữa mà Thủ tướng Chính phủ hay nhắc Bộ NN-PTNT, là cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền chúng ta đầu tư trong thời gian qua chưa đủ để hình thành một ngành thủy sản hiện đại, khi tổn thất sau khai thác lên tới 30%.

14 giờ 55

Đưa người nông dân vào chuỗi sản xuất để giải quyết các điểm nghẽn của ngành nông nghiệp

14. trần thị hoa ry - bạc liêu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu - đặt câu hỏi đâu là điểm nghẽn của ngành nông nghiệp và cách giải quyết là gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Để giải quyết được vấn đề giá vật tư tăng cao hay ùn ứ ở cửa khẩu, vốn được xem là các điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của các địa phương. Nếu chính quyền địa phương năng động hơn thì sẽ giải quyết được nhanh hơn.

Bộ trưởng lấy ví dụ việc tiếp thị cà rốt Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên. Khi các địa phương chủ động vào cuộc, ngay cả lãnh đạo cũng tham gia tiếp thị sẽ góp phần tạo nên hình ảnh thương hiệu cho nông sản địa phương. Điều này sẽ giúp thu hút được các doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ các nông sản cho những địa phương này.

Với ngành nông nghiệp, để giải quyết được những vấn đề này, quan trọng là phải đưa được người nông dân vào chuỗi sản xuất để giảm rủi ro vì vốn dĩ sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều ro: thiên tai, dịch bệnh, thị trường…

"Thời gian qua, câu chuyện từ những địa phương nói trên đã kích hoạt được nhiều địa phương còn lại và tôi mong rằng, các địa phương sẽ có được sự liên kết tốt hơn, cùng nhau giải quyết những điểm nghẽn này", Bộ trưởng nói.

14 giờ 50

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói 'không thoái thác trách nhiệm'

Nhập chú thích ảnh

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - chia sẻ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng đưa ra thông điệp: “Chúng ta cùng xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khoẻ của 100 triệu dân”.

Tuy nhiên đến ngày hôm nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của người nông dân.

Bà Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp? Đến bao giờ người dân mới có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?

Bộ trưởng Hoan nói, ông không thoái thác trách nhiệm, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ NN-PTNT.

Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Bộ trưởng tha thiết mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

14 giờ 45

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Nhập chú thích ảnh

Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - về vấn đề ùn ứ ở cửa khẩu do dịch Covid-19 xảy ra đột biến trong thời gian ngắn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nguyên nhân từ chính sách kiểm soát dịch bệnh của 2 bên khác nhau.

"Tuy nhiên, thực tế là thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính hơn trong khi lâu nay chúng ta vẫn tư duy đây là thị trường dễ tính. Khi Trung Quốc thay đổi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm thì chúng ta chậm thay đổi", Bộ trưởng thông tin.

"Về giải pháp, chỉ có một cách duy nhất là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức các hiệp hội ngành hàng để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, định vị lại từng loại thị trường", Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định.

Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Ngoại giao đã xây dựng riêng một dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Hiện nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đa phần thông qua trao đổi cư dân biên giới, để đưa được sâu hàng hóa vào nội địa, các thị trường cấp cao hơn thì cần nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại các ngành hàng.

Hàng năm, có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia thế giới với các nông sản. Tính trung bình, mỗi tháng có hàng trăm thay đổi, có thể phải ngay lập tức hoặc có thể có thời gian chuẩn bị nhưng điều cần thiết là làm sao thông tin đó phải đến với người nông dân sớm nhất và thuyết phục được người nông dân phải thay đổi theo những biến động của thị trường.

14 giờ 43

Các giải pháp kiểm soát câu chuyện 'được mùa mất giá'

"Câu chuyện được mùa mất giá, khi cung vượt cầu, được mùa thì giá xuống là quy luật kinh tế và chúng ta có thể kiểm soát được quy luật này thông qua một số giải pháp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời các đại biểu.

Theo lời Tư lệnh ngành Nông nghiệp, trước tiên, nếu đã dư thừa thì chúng ta cần tích trữ, chế biến để giảm lượng cung ra thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần chuẩn hóa nông sản để đáp ứng được các tiêu chuẩn, giúp hàng hóa lưu thông thông suốt, giảm áp lực tồn kho.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT nhận khuyết điểm còn dễ dãi trong điều hành để chuẩn hóa các mặt hàng nông sản, chúng ta chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa đồng nhất được chất lượng nguyên liệu của một nông sản và không đồng nhất nguyên liệu thì không xây dựng được thương hiệu.

"Do đó, để giải quyết được câu chuyện được mùa mất giá, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, chính quy lại ngành hàng, thông tin minh bạch số lượng theo từng mùa vụ, từng nông sản, phân bố theo từng thị trường...", Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

thanh long

Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Riêng với ngành hàng thanh long, chúng ta có gần 70.000 hộ trồng tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang nhưng chỉ chưa đến 20% tham gia các HTX, còn lại bà con sản xuất bên ngoài, thấy người ta làm thì làm theo, quy trình không chuẩn, sự cạnh tranh giữa các hộ sản xuất, các HTX, các nhà vựa tạo ra sự bất ổn, khó tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho mặt hàng này.

Làm rõ hơn về vấn đề thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ hiện nay nông sản Việt Nam đang rất ít có mặt tại các siêu thị lớn của Mỹ, điều này có nghĩa là chúng ta đã chậm một bước về định vị thương hiệu. Lý do là chúng ta chưa tổ chức được ngành hàng tốt để chuẩn hóa được các yêu cầu của thị trường để tạo ra niềm tin về nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, tạo ra sự tín nhiệm của thị trường.

"Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án, đưa bà con vào HTX để thống nhất một quy trình, quy chuẩn canh tác, để các sản phẩm đồng nhất trong nhiều mùa vụ liên tục để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.

14 giờ 40

Cần phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

"Liên quan vấn đề thương hiệu nông sản, chúng ta cần phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu. Nhãn hiệu thì rất dễ xây dựng còn thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, đây mới là cái khó.

Muốn xây dựng thương hiệu, cần xây dựng một hệ sinh thái của một ngành hàng. Ví dụ như với ngành hàng thanh long của Long An hay Bình Thuận, cần có thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của HTX, thương hiệu của người nông dân để xây dựng được thương hiệu chung cho mặt hàng này. Nhiều khi cần đến 5 năm, 10 năm để xây dựng được cảm xúc của người tiêu dùng, giúp họ ấn tượng với một nông sản nào đó.

"Do đó, chúng ta cần ngồi lại để xây dựng thương hiệu cho từng ngành hàng nông sản, bắt đầu từ hệ sinh thái ngành hàng, chứ không phải từ Bộ NN-PTNT", Bộ trưởng khẳng định.

14 giờ 35

Vấn đề cấp thiết của ĐBSCL là phải tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào HTX

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu - về giải pháp đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ ở ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích một câu thơ nói về việc sử dụng phân bón của người dân ĐBSCL: “Đất nghiền phân vô cơ, như người nghiền á phiện”.

Nhập chú thích ảnh

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Ông cho biết, ĐBSCL là nơi sản xuất hàng hóa, diện tích lớn. Do đó, mục tiêu về sản lượng sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL rất cao. Và muốn tăng năng suất phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu thì người nông dân đồng bằng đã một thời dùng rất nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật như đại biểu Nguyễn Huy Thái nói.

“Muốn thay đổi một tập quán thì không phải dễ, và mối quan hệ chằng chịt giữa các đại lý vật tư, phân bón ở khắp các ngõ ngách của ĐBSCL cũng hình thành nên một 'khế ước ngầm' giữa những người bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và những người nông dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bởi vậy, vấn đề cấp thiết của ĐBSCL là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào HTX. Khi đó, bà con sẽ có một pháp nhân rõ ràng và có cơ quan tài phán để phân biệt được về giá cả, chất lượng và được tư vấn để giảm dần lệ thuộc và tỷ lệ sử dụng phân bón phân bón vô cơ với phân bón hữu cơ; giữa thuốc bảo vệ thực vật thông thường và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Trong tài liệu Bộ NN-PNT đã gửi cho các đại biểu Quốc hội có rất nhiều mô hình, trong đó có cả ở ĐBSCL, bà con đã tiết kiệm được 30 – 40% chi phí do giảm vật tư đầu vào và chuyển sang phân bón hữu sinh học.

“Những mô hình ở An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu đã minh chứng cho bà con đồng bằng rằng, có một cách sản xuất khác, chúng ta tiết kiệm chi phí hơn, hướng đến nông nghiệp sinh thái hơn. Vấn đề là làm sao để các địa phương lan tỏa được những mô hình này”, Bộ trưởng nói.

14 giờ 25

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã năng động, linh hoạt

Nhập chú thích ảnh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPG.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu: Chu Thị Hồng Hải (Lạng Sơn); Hoàng Anh Công (Thái Nguyên); Dương Văn Phước (Quảng Nam); Dương Khắc Mai (Đắk Nông); Lê Thị Song An (Long An)…. chất vấn các về vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh công nghệ cao;…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời:

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Yếu tố kinh tế có nghĩa là thị trường, là bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí, do đó, các câu trả lời sẽ xoay quanh vấn đề này.

Trước hết, tôi chia sẻ với bà con nông dân, các doanh nghiệp về khó khăn trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, vấn đề ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc, vật tư đầu vào tăng cao. Tôi cũng cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã năng động, linh hoạt để đóng góp vào kết quả xuất khẩu nông sản trong năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn tưởng chừng như không thể đạt được.

Về vấn đề nguyên liệu, ngoài thông tin cụ thể từ Bộ Công thương, ở góc độ của Bộ NN-PTNT, ngay khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 và ùn ứ tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, chúng tôi cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã vào cuộc để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.

Với nguyên liệu đầu vào, đây là câu hỏi lớn khi Việt Nam là quốc gia làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp tìm giải pháp nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro vào thị trường.

Trước tiên, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã có nhiều cuộc họp cũng như phiên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thuyết phục cùng chung tay đối phó với khó khăn do đứt gãy nguồn cung.

Tôi cũng tha thiết mong muốn 14 triệu nông dân sớm tham gia vào các tổ chức hợp tác xã, điều này sẽ giúp bà con mua chung nguyên liệu, có được chiết khấu tốt, giảm được chi phí đầu vào.

Nhập chú thích ảnh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp". Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh đó, người nông dân Việt Nam cũng đã chủ động tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, phân bón… cho sản xuất. Đây không chỉ là giải pháp tình huống mà là còn chỉ dấu cho phương hướng phát triển lâu dài, hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cách làm này cũng giúp nâng cao được chất lượng nông sản, ví dụ như bà con Tây Nguyên nói cà phê được chăm sóc bằng các sản phẩm sinh học có chất lượng cao hơn, bán với giá tốt hơn mặc dù có thể ban đầu năng suất sẽ giảm đôi chút.

14 giờ 05

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập cụ thể con đường phát triển tam nông

Nhập chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Quốc hội.

“Lại một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại kỳ họp lần này và phiên chất vấn ngày hôm nay, ngay sau Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII vừa thảo luận chuyên đề về tam nông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy là về mặt vĩ mô, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước, với những bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn.

Theo Bộ trưởng, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị, vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp Trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở, điều đó cần sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. Không có vấn đề chính là vấn đề lớn nhất. Nhận diện và phát hiện vấn đề không chỉ từ nội bộ một tổ chức vì vốn dĩ tổ chức ít nhiều còn quán tính khuôn cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn.

“Tôi nghĩ rằng phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại ở câu hỏi và câu trả lời, để chất vấn và giải trình mà là dịp để Bộ NN-PTNT lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế sinh động và vận động không ngừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm