Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiểm tra, khảo sát vị trí sạt lở đê biển trên địa bàn huyện Hòn Đất. |
Cùng đi với đoàn có đại diện Bộ KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, Tài chính và lãnh đạo địa phương.
Đoàn đã đi khảo sát tuyến đê biển bị sạt lở tại huyện Hòn Đất, khu vực Mũi Rãnh, huyện An Biên và vị trí xây dựng cống điều tiết nước, ngăn mặn Cái Lớn, Cái Bé thuộc xã An Bình, huyện Châu Thành. Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 106/200 km bờ biển đang bị sạt lở, có nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Trong đó, có 3 vị trí, với tổng chiều dài 15,7 km đã được UBND ban hành quyết định tình huống khẩn cấp.
Trong buổi sáng, đoàn đi khảo sát điểm sạt lở tại khu vực Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, Hòn Đất. Đây là điểm sạt lở đã được Bộ KH-ĐT đề xuất bố trí kinh phí 100 tỷ đồng theo Công văn số 6292/BKHĐT-KTĐPLT ngày 3/9/2019, để khắc phục, làm kè chống sạt lở. Hiện nay, tại huyện Hòn Đất có 25 km đê biển bị sạt lở, cần phải làm kè bảo vệ, với tổng số vốn kiến nghị đầu tư là 625 tỷ đồng. Bộ NN-PTNT tổng hợp là sạt lở nguy hiểm, nhưng chưa kiến nghị nguồn vốn đầu tư.
Sạt lở đê biển tại Kiên Giang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều vị trí tỉnh đã phải ban hành quyết định tình huống khẩn cấp . |
Các vị trí đã có quyết định tình huống khẩn cấp, đủ điều kiện thực hiện là: khu vực Mũi Rãnh (huyện An Biên), Xẻo Nhàu và vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa (huyện An Minh). Trong đó, khu vực Mũi Rãnh bị xói lở bờ biển với chiều dài 5 km. Khu vực Xẻo Nhàu đang bị xói lở bờ biển với chiều dài 7 km. Khu vực vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa, cần xử lý cấp bách đê biển với chiều dài 7 km. Tổng nguồn vốn để xử lý khẩn cấp 3 điểm sạt lở bờ biển, đê biển nói trên là 333 tỷ đồng, từ nguồn vốn 10.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 cua Chính phủ và vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Tại các khu vực khẩn cấp, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở; cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở bờ biển và đê biển đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân và sản xuất nông nghiệp; khẩn trương khảo sát, tham mưu đề xuất phương án, giải pháp xử lý tình trạng sạt lở. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở bờ biển và vận động người dân di dời đến nơi an toàn.
Bộ trưởng khảo sát vị trí xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé tại huyện Châu Thành. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn có các vị trí sạt lở chưa có quyết định tình huống khẩn cấp, nhưng cũng rất nghiệm trọng, với tổng chiều dài 62,6 km. Đó là khu vực Thứ Nhất - Xảo Quao (An Biên), với chiều dài 15 km, cần làm kè chống sạt lở với vốn đầu tư 375 tỷ đồng. Khu vực Chủ Vàng - Mười Thân (An Minh), chiều dài 4 km, vốn đầu tư kiến nghị là 100 tỷ đồng. Các khu vực chùa Vạn Hòa vòng qua Mũi Dừa (chiều dài 3 km), Bãi Nam (0,2 km), Xoa Ảo - Mũi Ông Cọp (0,4 km), Hòn Trẹm (0,8 km), Bãi Cát Xì (0,2 km), đều thuộc huyện Kiên Lương, tổng vốn đầu tư đề xuất là 184 tỷ đồng.Hiện các khu vực sạt lở này đã được Bộ NN-PTNT khảo sát, tổng hợp là sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhưng chưa kiến nghị vốn đầu tư.
Đoàn đến khảo sát vị trí xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé, thuộc hệ thống thủy lợi điều tiết mặn, ngọt cho cả vùng Bán đảo Cà Mau. |
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các bãi bồi ven biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không ổn định và thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi lở bờ biển diễn ra theo mùa, theo điều kiện thời tiết, cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển Tây. Mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình hình sạt lở vẫn nhiều hơn là bồi tụ.
Sau khi đi kiểm tra các vị trí sạt lở đê biển, đoàn đã đến khảo sát vị trí xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Đây là hệ thống thủy lợi điều tiết mặn, ngọt cho cả vùng Bán đảo Cà Mau. Theo kế hoạch, giai đoạn I sẽ xây cống trên hai con sông Cái Lớn, Cái Bé, gần vị trí cửa sông đổ ra biển Tây, vốn đầu tư 3.310 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với số vốn tương đương, xây dựng một số công trình khác, nhằm hoàn thiện cả dự án, với khả năng giúp chủ động sản xuất nông nghiệp trên vùng đất tự nhiên rộng 909.248 ha ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.