| Hotline: 0983.970.780

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng

Thứ Tư 14/11/2018 , 10:15 (GMT+7)

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8915/VPCP-NN ngày 17/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo các vấn đề liên quan đến Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Báo cáo do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng ký.

Kiểm soát nguồn nước

Theo báo cáo, khi xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I sẽ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 346.241ha. Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho đất lúa vùng U Minh Thượng và Tây sông Hậu, đất tôm - lúa cũng như chuyên tôm ở huyện An Minh và An Biên, tỉnh Kiên Giang.

10-52-41_1311182
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng (đứng) tại cuộc hội thảo ở tỉnh Kiên Giang ngày 7/9 có đông nhà khoa học và quản lý tham dự

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tăng cường giữa ngọt trong mùa mưa cho diện tích tôm - lúa vùng An Minh, An Biên với những năm mưa ít. Bên cạnh, phòng chống thiên tai: tăng cường tiêu thoát và giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của dự án; giảm khối lượng đắp đập tạm hàng năm của tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Trữ nước vào mùa mưa để phục vụ tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất và phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô, giảm quy mô và diện tích khai thác nước ngầm. Tạo nguồn cấp nước bổ sung để duy trì hệ sinh thái của rừng, phòng và chống cháy rừng trong mùa khô.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua và cải tạo đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất. Kết hợp tuyến để biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, nước dâng do bão, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do sụt lún đất). Vận hành cống để cắt triều cường trong trường hợp mưa lũ lớn và mở cửa để đầy nhanh tiêu thoát khi triều cường xuống.

Tài liệu phân tích, đặc điểm vùng này mặn ngọt không ổn định. Vùng có nguồn nước mặn - lợ thường xuyên (chủ yếu ven biển, ven sông Cái Lớn) sản xuất chính là nuôi tôm. Tuy nhiên, cần độ mặn trong ngưỡng an toàn và thuận lợi cho sinh trưởng của tôm, thường yêu cầu dưới 25%o. Trong khi đó, độ mặn vùng này vào mùa khô có những thời điểm lên đến 35-40%o, không phù hợp với nuôi tôm. Nhiều nơi phải hút nước ngầm bổ sung nguồn ngọt, làm cho lún sụt gia tăng mạnh. Việc xây dựng công Cái Lớn - Cái Bé sẽ điều tiết nguồn nước trong vùng phục vụ sản xuất (kiểm soát mặn, hỗ trợ tạo nguồn nước ngọt đầu mùa khô và những năm ít mưa trong mùa mưa).
 

Giải trình ý kiến phản đối

Báo cáo cho biết, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học trong và ngoài ngành thủy lợi. Chủ đầu tư cũng ký hợp động với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện phản biện xã hội về việc đầu tư xây dựng dự án. “Đa số các ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương và Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM đồng thuận với việc xây dựng dự án và đề nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai thực hiện, tuy nhiên cũng còn một số ý kiến băn khoăn về tác động của dự án và đề nghị chưa triển khai thực hiện”, báo cáo viết.

Về ý kiến: “Dự án chưa thực hiện theo Nghị quyết I20/NQ-CP của Chính phủ”, thậm chí “đi ngược lại” và “Dự án có nhiệm vụ ngọt hóa, phục vụ sản xuất lúa ở vùng Bán đảo Cà Mau”. Báo cáo của Bộ NN-PTNT giải trình: Giải pháp thủy lợi chỉ nhằm kiểm soát nguồn nước để hỗ trợ cho các mô hình sản xuất, với vùng kinh tế nước ngọt thì ngăn xâm nhập mặn lúc triều cường, hỗ trợ chuyển nước ngọt ở những năm mực nước sông Hậu thấp; với vùng sản xuất dựa vào nước mặn - lợ, giải pháp thủy lợi đảm bảo độ mặn không thay đổi quá mức, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; còn với vùng có sản xuất nông nghiệp dựa vào nguồn nước ngọt - lợ luân phiên, giải pháp thủy lợi đảm bảo ôn định nguồn nước cho mô hình canh tác này. “Dự án không có mục tiêu ngọt hóa ở vùng thường xuyên có nước mặn, lợ”, báo cáo khẳng định.

10-52-41_1311181
Chuyên gia trong và ngoài nước khảo sát khu vực dự án Cái Lớn - Cái Bé

Về ý kiến “Dự án Ba Lai là dẫn chứng không thành công khi làm ngọt hóa”. Báo cáo giải trình, dự án Ba Lai chưa hoàn thành nên thời gian qua vẫn có thiệt hại lớn. Tuy nhiên, hiện dự án đã được Chính phủ Nhật Bản cho vay vốn để hoàn thành vào năm 2023. Khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát mặn và tiêu nước cho 204.270ha đất tự nhiên thuộc 9 huyện/thành phố của tỉnh Bến Tre. Chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 110.442ha theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 207.275 hộ dân.

Về ý kiến: “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I làm xong có khép kín không?”. Báo cáo giải trình, dự án nằm trong tổng thể toàn vùng, trong đó tuyến đê ven Biển Tây và các cống trên tuyến đê đã cơ bản hoàn thành (hiện còn 16 cống vùng An Minh, An Biên đang được tỉnh Kiên Giang chuẩn bị đầu tư), các cống trên tuyến đê ven Biển Tây sử dụng vốn vay của WB và nguồn vốn khác đã được thực hiện. Khi cống Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng sẽ khép kín toàn vùng đê Biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang, đảm bảo việc kiểm soát nguồn nước, hỗ trợ ổn định sản xuất trước tác động cực đoan từ Biển Tây. Còn tác động từ Biển Đông vào vùng dự án cơ bản đã được kiểm soát bởi các cống của hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Về ý kiến: “Nguy cơ tác động môi trường của dự án”. Báo cáo giải trình, kết quả tính toán của GS.TS Tăng Đức Thắng và GS.TS Nguyễn Tất Đắc cho thấy, khi xây dựng công trình trên sông Cái Lớn, Cái Bé, có tác động đến môi trường vùng dự án, nhưng tác động này không lớn, có thể khắc phục bằng quy trình vận hành hệ thống. Thời gian trung bình để kiểm soát mặn của cống là 24 ngày/năm (chia làm nhiều đợt, bình quân 6 ngày/tháng cho 4 tháng mùa kiệt); đối với năm nhiều nước, thời gian vận hành có thể ít hơn và ngược lại. Trong tương lại, khi nước biển dâng, đất sụt lún thì thời gian đóng cửa cống sẽ nhiều hơn là xu thế chung của tất cả các công trình. “Như vậy, có thể thấy các tác động môi trường của dự án đều có thể chủ động kiểm soát được”, báo cáo viết.
 

Kết luận

Báo cáo của Bộ NN-PTNT “trân trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đây là những góp ý chân tình và đầy trách nhiệm, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan Bộ nghiêm túc lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tốt nhất những tồn tại, hạn chế”. Báo cáo cũng nhấn mạnh đây là công trình có quy mô lớn, xây dựng ở vùng đất có điều kiện tự nhiên phức tạp, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, phát triển của vùng và thượng nguồn nên “đang tập trung chỉ đạo đồng bộ, để làm rõ, tạo đồng thuận và sớm triển khai xây dựng vào năm 2019”.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I, xây cống trên hai con sông đổ ra biển Tây lớn nhất ĐBSCL tại tỉnh Kiên Giang, vốn đầu tư 3.310 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với số vốn tương tự, xây dựng một số công trình khác, để cả dự án có khả năng giúp chủ động sản xuất nông nghiệp trên vùng đất tự nhiên rộng 909.248ha ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.