Sáng 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ TN-MT lắng nghe nông dân nói”.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đồng chủ trì hội nghị.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.
Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng với đó, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Đối với các giải pháp, chính sách khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh: Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới giúp giải phóng nguồn lực tài nguyên đất đai.
Cụ thể: thời hạn cho thuê đất; gia hạn thời gian sử dụng đất, mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; phương thức thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, giúp tạo ra sự minh bạch trong tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường; chính sách hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ.
Nội dung tiếp cận đất đai, thuê đất, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tổ chức kinh tế là người sử dụng đất (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh); chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho người sử dụng đất nông nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai.
Cơ chế, chính sách giao khu vực biển, xác định ranh giới, diện tích khu vực biển cho sản xuất ngư nghiệp. Đặc biệt, các quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; các quy định về quỹ đất nông lâm trường chuyển giao về địa phương quản lý, bao gồm việc công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp; thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên (như đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng); giao đất cho thuê đất đối với người chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất…
Đối với nội dung cơ chế, chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cam kết của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0”, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đóng vai trò then chốt trong triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua chuyển đổi sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; việc đo lường, định lượng mức giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon trong Đề án một triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp; việc giao dịch tín chỉ carbon rừng, chứng chỉ FSC; việc hỗ trợ chương trình tập huấn, tăng cường năng lực cho các cấp hội nông dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, trong đó tập trung quản lý thông qua quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản phát thải thấp; tăng cường tiếp cận, phổ biến, áp dụng các mô hình, giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, chất thải chăn nuôi (như: phân loại chất thải rắn tại nguồn, ủ phân hữu cơ, thu hồi năng lượng, nguyên liệu từ chất thải).
Hạn chế và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, nhất là kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; kiểm soát nguồn nước gây ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp xả thải trực tiếp ra các sông; các cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; giải quyết các vấn đề gây bức xúc của người dân nông thôn do ô nhiễm môi trường; tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông…
Các vấn đề cấp bách đặt ra trong dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất; khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt ở, lũ quét tại khu vực Trung du, miền núi phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Các nội dung được nêu tại Diễn đàn cơ bản đã được đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giải đáp, làm rõ. Nhiều vấn đề liên quan, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích, đời sống, sản xuất của người nông dân, cũng như khu vực nông nghiệp, nông thôn.