Kết quả đánh giá độ phì đất nông nghiệp ở miền Đông Nam Bộ cho thấy phần lớn đất trồng đều chua và rất chua, hữu cơ tổng số từ trung bình đến khá giàu, đạm tổng số trong đất ở mức trung bình và nghèo, lân tổng số phần lớn ở mức trung bình và giàu, trong khi kali tổng số lại ở mức nghèo đến rất nghèo. Đặc biệt, lưu huỳnh tổng số ở mức thấp, chiếm tới 81,3% diện tích điều tra. Độ phì đất trồng ở vùng Đông Nam Bộ này được đánh giá chung là từ mức trung bình tới nghèo, chiếm 70% diện tích.
Để tránh sự thiếu hụt chất trung vi lượng cho cây trồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã đưa thêm các chất này vào phân NPK với hàm lượng hợp lý. Đặc biệt, đối với các vùng đất đã khai thác nhiều năm và được đánh giá có độ phì không cao ở Đông Nam Bộ, việc bón phân vào mùa khô được khuyến cáo như sau:
- Cây cao su vào mùa khô cũng là mùa thay lá, nên không bón phân trong mùa khô, các cây trồng lâu năm khác như cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả đều được tưới nước và bón phân trong mùa khô để đảm bảo sinh trưởng và năng suất cây trồng. Ngay cả điều là loại cây công nghiệp chịu hạn và chịu đất cằn rất giỏi, thì gần đây các mô hình có tưới nước và bón phân vào mùa khô cho cây điều giống cao sản cũng đã chỉ ra ưu thế lớn so với không tưới nước và bón phân trong mùa khô.
Cây trồng cần nhiều nhất 3 chất dinh dưỡng là đạm, lân, kali và các chất trung lượng như canxi, ma-giê, lưu huỳnh và các chất vi lượng khác như kẽm, bo, đồng, mangan… Do vậy, bón phân vô cơ đầy đủ, cân đối các chất đa lượng, trung lượng và vi lượng là điều kiện cần thiết để cây trồng có thể sinh trưởng khỏe mạnh và cho năng suất cao.
- Đối với cà phê, khi kết thúc vụ thu hoạch thì thời tiết đã vào mùa khô, cần 2 - 3 tháng để nghỉ ngơi và phân hóa mầm hoa. Yếu tố hạn quyết định sự phân hóa mầm hoa của cây cà phê, thời gian chịu hạn càng dài thì sự phân hóa mầm hoa càng triệt để. Sau đó cà phê sẽ được tưới nước và bón phân để cây nở hoa, đậu quả và tiếp tục duy trì sinh trưởng.
Vào thời kỳ này, cây cà phê cần đạm và lân với tỷ lệ cao hơn kali. Sau khi nở hoa tập trung 2 - 3 đợt nhờ vào việc tưới nước mùa khô, quả cà phê nằm ở dạng đầu đinh trên cành, ngủ nghỉ từ 2 - 3 tháng nên chưa cần nhiều kali vào thời gian này. Công thức phân bón NPK có tỷ lệ 20-5-6+TE hoặc các công thức tương tự đều phù hợp với cà phê trong thời kỳ này.
- Đối với cây tiêu, đợt phân bón cuối cùng trong thời kỳ nuôi trái được bón vào khoảng tháng 11 hoặc tháng 12. Ngoại trừ những năm có mưa muộn có thể dựa vào độ ẩm tự nhiên để bón phân, thường thì đợt bón phân cuối cùng của hồ tiêu trong năm đã vào thời kỳ khô hạn nên cần được tưới nước để bảo đảm độ ẩm cho cây hút dinh dưỡng nuôi trái.
Trong mùa khô, cây tiêu cần được tưới nước giữ ẩm để duy trì sinh trưởng cây và giúp cây nuôi trái thuận lợi. Việc thu hoạch hồ tiêu được tiến hành trong mùa khô, khoảng tháng 1 đến tháng 3. Sau khi thu hoạch, cây tiêu cũng cần một thời gian chịu hạn ngắn từ 30 - 40 ngày để phân hóa mầm hoa.
Tùy điều kiện thời tiết từng năm mà cây tiêu cần được tưới nước hay không cần tưới nước nữa sau khi thu hoạch. Thường thì không cần bón phân cho tiêu sau thu hoạch, tuy vậy đối với những vườn tiêu cho năng suất cao, có hiện tượng suy kiệt sau khi thu hoạch cũng nên bón cho một gốc từ 100 - 150g phân NPK có tỷ lệ đạm, lân cao theo tỷ lệ 2-2-1 để phục hồi vườn cây trước khi cắt nước để cây phân hóa mầm hoa.
- Sầu riêng là loại cây ăn quả có giá trị cao đang được mở rộng diện tích rất nhanh trong các năm qua ở Đông Nam Bộ và một số vùng khác ở nước ta. Việc quản lý nước tưới và dinh dưỡng cho cây trong mùa khô ảnh hưởng lớn đến việc ra hoa, đậu quả, năng suất mùa vụ trong năm. Sầu riêng cần được tưới nước giữ ẩm thường xuyên khi mùa khô đến.
Việc tưới nước, giữ ẩm cho vườn sầu riêng vào các tháng đầu mùa khô (tháng 11,12) giúp cây hút chất dinh dưỡng tốt từ việc bón phân, phục hồi vườn cây sau khi thu hoạch. Tưới nước giữ ẩm vào giai đoạn này còn có tác dụng tránh hiện tượng cây bị sốc nước khi có những cơn mưa to trái mùa trong mùa khô (mưa làm cây hút nhiều nước đột ngột và kích thích phát sinh đọt non, làm rụng hoa, quả non).
Tưới đến khoảng hết tháng 12 dương lịch thì cắt nước để cây phân hóa mầm hoa. Để khô hạn khoảng 1 tháng thì trên các cành quả, hoa bắt đầu nhú mắt cua. Khi hoa đã nhú dài khoảng 2cm thì tưới lại. Việc quản lý dinh dưỡng cho cây trong thời kỳ này cũng phải phù hợp để hoa sầu riêng ra đều, tập trung, hoa to, khỏe và đậu trái tốt. Trước khi cắt nước tạo khô hạn cho cây sầu riêng phân hóa mầm hoa, nên bón các loại NPK có tỷ lệ đạm thấp, lân và kali cao.
Loại phân Đầu Trâu AT2 của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với công thức 7-17-12 TE là loại phân phù hợp để bón cho sầu riêng cũng như nhiều loại cây ăn trái vào thời kỳ phân hóa mầm hoa. Ngoài bón đất, cùng với sự tạo khô hạn, có thể phun MKP (0-53-34) hoặc Đầu Trâu MK (5-45-10 TE) vào vùng mang trái, hoa sầu riêng sẽ ra nhiều và tập trung.
Khi hoa bắt đầu phát triển mạnh, bón phân để nuôi hoa, sử dụng các loại phân có tỷ lệ NPK tương đương nhau như 15-15-15+TE, 16-16-13+TE… Bón phân trong mùa khô cùng với việc tưới nước cần bảo đảm kỹ thuật bón để tránh mất mát phân bón. Ở các vườn cây có hệ thống tưới phun mưa dưới tán hay tưới tiết kiệm thì việc bón phân cùng tưới nước sẽ tiết kiệm được chi phí lao động và hạn chế sự mất mát phân bón. Bón phân qua hệ thống tưới nên chọn các loại phân chuyên dùng cho hệ thống, hòa tan hoàn toàn trong nước.