Chiến sự giữa Nga và Ucraina bùng phát, kho nhiên liệu xăng dầu và phân bón của thế giới từ Nga cũng bị tắc nghẽn khiến giá vật tư nông nghiệp leo thang, nhảy múa. Phân Ure tháng 6/2020 tại TP.HCM mức 6.200đ/kg, đến tháng 8/2021 nhảy lên 12.500đ/kg, tháng 5/2022 đã lên tới 17.800đ/kg. Chỉ trong 2 năm, giá phân Ure đã tăng thêm 11.600đ/kg, tăng 187%.
Đây là loại phân do Việt Nam tự sản xuất được, còn các loại phân phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu như DAP, Kali thì mức nhảy vọt còn chóng mặt hơn. Cùng với phân bón, giá xăng dầu cũng tăng mạnh làm cho giá phân bón tăng không kìm lại được. Giá vật tư và phân bón tăng không có hồi dừng lại, trong lúc giá cả nông sản trên thị trường hoặc dậm chân tại chỗ, hoặc tăng lên không tương ứng với đà tăng của giá vật tư nông nghiệp. Điều này khiến nông dân phải cân nhắc về quyết định đầu tư trên mảnh đất của họ.
Tuy vậy, diện tích đất nông nghiệp hàng năm đều được phủ kín. Ví dụ, diện tích lúa gạo và các cây trồng khác đều tăng. Điển hình như cây cà phê, diện tích trồng cà phê trên phạm vi cả nước chưa thấy có hiện tượng bị phá bỏ mà phần lớn đang được tái canh hay thay đổi hệ thống canh tác từ độc canh chuyển sang xen canh. Nhiều diện tích cà phê được xen canh với cây ăn quả, như cây sầu riêng, hoặc tiêu hay một vài loại cây hàng năm khác.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xuất được 3,27 tỷ USD cà phê, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 33,4% và đang phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt doanh số 3,5 tỷ USD. Nếu đạt được dự tính như vậy thì quả là ngành cà phê của Việt Nam đang tiến lên vững chắc.
Tuy nhiên, tính toán kinh tế thì lợi nhuận thực của người sản xuất đã bị chia sẻ cùng với các khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu, nên tổng mức thu nhập của người sản xuất cũng chỉ chiếm khoảng 50 - 60% tổng giá trị của hạt cà phê mang lại. Trong số 50 - 60% này, phần thu nhập thuần phụ thuộc vào chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất. Nếu đầu tư cao thì lợi nhuận lại bị giảm xuống.
Để biết người trồng cà phê hiện nay thu được lợi nhuận bao nhiêu, ta hãy tính từ thực tế. Theo TS Trương Hồng, nguyên quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tại Đắk Lắk năm 2021, số liệu được theo dõi và tính toán trên cà phê vối (Robusta) với nền phân trung bình tính ra nguyên chất là 200kg N+100 kg P205+ 200 kg K20/ha, giá phân bón năm 2021 như đã nêu ở trên.
Ví dụ, Ure từ 6.200đ/kg tăng lên 12.500đ/kg, tăng 6.300đ/kg, gấp hơn 2 lần, nên chi phí phân bón đạt mức 25 triệu đồng/ha. Các chi phí khác bao gồm làm cỏ, tưới nước, thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cành, tạo tán, bảo vệ sản phẩm, thu hoạch, phơi sấy, chế biến chiếm 35,5 triệu đồng/ha. Với mức đầu tư này, người sản xuất thu được 3 tấn cà phê nhân/ha, với giá cà phê năm 2021 là 38.000đ/kg, đem lại tổng thu là 114 triệu đồng/ha.
Nếu tất cả các khâu canh tác đều phải thuê mướn 100% thì người trồng còn thu lại tiền lời được 53,5 triệu đồng/ha. Trong thực tế, với cà phê kinh doanh, trừ trường hợp quá neo đơn thì phải thuê mướn gần như toàn bộ. Còn nếu trong hộ có 2 - 3 lao động thì nhiều khâu trong chuỗi sản xuất là do người trồng đảm nhiệm, cái gọi là "lấy công làm lãi", thì thực tế tiền lời còn cao hơn nhiều.
Có biện pháp nào tăng thêm năng suất mà lợi nhuận vẫn hơn mô hình này nữa không? Câu trả lời là có.
Lấy kết quả của thí nghiệm do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Đắk Lắk thực hiện do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thiết kế và cung cấp bộ phân bón Đầu Trâu triển khai ở 5 huyện, thị có điều kiện sinh thái khác nhau là TP Buôn Ma Thuột, huyện CưKuin, huyện Krông Păk, Cư Mgar, Krông Năng và huyện EaHleo. Tại mỗi điểm, bón phân Đầu Trâu để so sánh với nền phân đối chứng do nông dân tự chọn.
Lấy nền phân Đầu Trâu bón 3 đợt trong 1 vụ là đầu mùa mưa bón 600kg phân Đầu Trâu Tăng trưởng/ha, giữa mùa mưa bón 750kg Đầu trâu NPK 16-16-13+TE và cuối mùa mưa bón 700kg Đầu Trâu chắc hạt/ha. Tổng cộng cả năm bón 2.050kg 3 loại phân Đầu Trâu/ha, tương đương với chất dinh dưỡng là 346 kgN+240 kg P205+ 266 kg K20/ha. Bình quân nền phân của nông dân bón các loại phân Ure, SA, Kali và kết hợp một số loại phân NPK của các công ty khác, có tổng hàm lượng các chất N-P-K là 390N+270P205 và 120 K20/ha.
Kết quả thí nghiệm, tính bình quân của 5 địa điểm cho thấy: Ở công thức bón phân Đầu Trâu thu được 4.490kg cà phê, còn lô đối chứng của nông dân đạt 3.980kg/ha. Nền phân Đầu Trâu cho năng suất cao hơn nền phân đối chứng của nông dân là 510kg/ha. Nguyên nhân năng suất trong vườn cà phê của nông dân thấp hơn nền phân bón Đầu Trâu là do bón phân thiếu cân đối, bón nhiều đạm hơn 44kg N (tương đương 96kg Ure) nhưng lại ít phân Kali hơn, chỉ có 120kg so với 266kg ở nền phân Đầu Trâu, trong lúc cây cà phê yêu cầu Kali nhiều hơn để tạo hạt, dẫn đến năng suất cà phê thấp hơn.
Như vậy, bù đi bù lại, giả sử rằng tất cả vật tư và công lao động tương đương nhau, nhưng nền phân Đầu Trâu có năng suất cao hơn 510kg cà phê nhân. Riêng yếu tố này, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng mang lại lợi nhuận cao hơn nền phân đối chứng của nông dân. Vậy trong khi giá vật tư, phân bón tăng cao, nếu sử dụng phân Đầu Trâu bón cho cà phê vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân là điều chắc chắn.