| Hotline: 0983.970.780

Khoai loang - Cơ hội chính ngạch sang Trung Quốc

Bớt lo giá cả bấp bênh

Chủ Nhật 30/10/2022 , 10:03 (GMT+7)

Nếu Trung Quốc cho thí điểm xuất khẩu chính ngạch khoai lang, đây là lối đi mới cho ngành hàng này. Người dân sẵn sàng thay đổi tư duy sản xuất để xuất khẩu.

Người dân, doanh nghiệp sau khi nghe thông tin khoai lang được kiểm tra mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đều hết sức vui mừng. Trước giờ giá khoai lang phụ thuộc vào thị trường, không có đầu ra ổn định. Nay được đi chính ngạch, người dân cho biết sẽ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn của phía nhập khẩu.

Lối đi mới cho nông dân

Là người có kinh nghiệm trồng khoai lang hơn 10 năm nay tại Tây Nguyên, ông Lê Hồng Sáu (ngụ huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk) vui mừng khi biết mặt hàng này có cơ hội được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Sáu, gia đình đang thuê đất trồng hơn 200ha khoai lang Nhật ruột vàng với sản lượng trung bình 25-30 tấn/ha. Tuy nhiên, trước giờ người dân như ông Sáu trồng khoai lang theo lối truyền thống nên đầu ra không ổn định.

"Nếu Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch thì đó là niềm vui lớn cho người dân. Lâu nay người dân trồng khoai lang chủ yếu tự phát, đầu ra phụ thuộc vào thương lái. Khoai lang trồng trên đất ruộng nhiều khi mưa xuống người dân đồng loạt thu hoạch dẫn đến số lượng quá nhiều khiến thương lái ép giá. Như đợt thu hoạch vừa qua, khoai lang chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, người dân càng thu hoạch càng lỗ vì tiền thuê nhân công lớn", ông Sáu chia sẻ.

z3827391239876_ef7c971760e67e721f2f68259814130b

Nông dân vui mừng trước thông tin khoai lang sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Cũng theo ông Sáu, để đủ điều kiện xuất khẩu thì người dân sẵn sàng liên kết với doanh nghiệp nhằm xây dựng mã vùng trồng.

"Nếu doanh nghiệp có quy trình sản xuất cụ thể thì người dân sẽ làm theo nhằm đủ điều kiện xuất khẩu. Người dân chỉ cần đầu ra ổn định thì sẵn sàng thay đổi tư duy sản xuất", ông Sáu nói.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại - Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Hòa HOLDING cho biết, đối với việc Trung Quốc kiểm tra mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để thí điểm xuất khẩu khoai lang chính ngạch, đây là tín hiệu vui của ngành nông nghiệp.

Theo ông Trung, khoai lang là cây ngắn ngày, điều mà nước nhập khẩu quan tâm nhất là truy xuất nguồn gốc, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, Tập đoàn sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, người nông dân làm sao xây dựng được mã vùng trồng.

“Hiện tập đoàn kết hợp với người dân xây dựng vùng nguyên liệu khoai lang xuất khẩu hơn 700ha tại Đồng Tháp. Còn tại Đăk Lăk, theo thống kê của cơ quan chức năng thì có hơn 7.500ha khoai lang. Thời gian tới tập đoàn sẽ liên kết với dân hơn 3.000ha để xây dựng mã vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

Ngoài xây dựng mã vùng trồng, tập đoàn cũng xây dựng cơ sở, nhà máy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dây chuyền tự động đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu để được cấp mã đóng gói tại Đăk Lăk”, ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, những năm trở lại đây, khoai lang không xuất khẩu được chính ngạch nên giá cả bấp bênh, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

z3827185599356_a6e74e0382b179e441d57fd6154a22cc

Người dân tại Tây Nguyên sẵn sàng liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ảnh: Quang Yên.

"Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội rất tốt khi khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ thúc đẩy kinh tế của người dân hiệu quả. Bà con nông dân, doanh nghiệp và cả nhà nước đều thấy phấn khởi. Đồng thời đây cũng là thách thức cho ngành khoai lang trong thời gian tới, làm sao đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu. Để làm được việc này, tất cả mọi người phải cùng nhau vào cuộc nhằm nêu cao ý thức, hướng đến sản xuất một cách chuyên nghiệp”, vị giám đốc này nói.

Vị giám đốc cho biết thêm, trước giờ người dân trồng khoai lang theo lối truyền thống nên sử dụng phân, thuốc hóa học nhiều. Để thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tập đoàn phối hợp với Sở NN-PTNT tại những địa phương có diện tích liên kết xây dựng quy trình canh tác để làm sao không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Tập đoàn Vạn Hòa cũng xây dựng chính sách liên kết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân.

“Tập đoàn xác định đây là một trong những cây trọng điểm để xuất khẩu nên sẽ xây dựng quy trình chuẩn ngay từ đầu để làm sao việc canh tác không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi cũng tạo ra những mô hình điểm để bà con tham quan, học tập và nhân rộng.

Tập đoàn sẽ tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn về quy định của nước nhập khẩu cũng như xây dựng những chính sách liên quan đến hỗ trợ tài chính cho người dân khi tham gia sản xuất. Việc này nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất theo đơn đặt hàng, doanh nghiệp cũng có vùng nguyên liệu ổn định để truy xuất nguồn gốc một cách bài bản”, ông Trung nhấn mạnh.

Kêu gọi doanh nghiệp liên kết với dân

Là địa phương nổi tiếng về trồng khoai lang tại tỉnh Đăk Nông, ông Kiều Quí Diện, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức (Đăk Nông) cho biết, mỗi năm diện tích giao động từ 400-500ha.

Theo ông Diện, trước giờ người dân sản xuất theo lối truyền thống nên đầu ra không ổn định. Hiện địa phương cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để liên kết với dân xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp từ nơi khác đến.

z3827198079495_0b89997e9e751add5578ce0a9fc36ea9

Đăk Nông khuyến kích người dân liên kết với các doanh nghiệp để trồng khoai lang phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.

“Trước thông tin khoai lang được kiểm tra để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhằm giúp cho ngành khoai lang địa phương, vừa qua tôi đã sang Lâm Đồng ký biên bản ghi nhớ với một doanh nghiệp về bao tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, địa phương gặp khó khăn trong khái niệm vùng nguyên liệu. Vì đặc điểm của khoai lang là đảo vụ chứ không thể trồng cố định như những loại cây khác. Quy định về vùng nguyên liệu sẽ khó cho địa phương. Đây là cái vướng của địa phương trong việc phát triển khoai lang”, ông Diện cho hay.

Theo vị phó phòng, để cho khoai lang ổn định, UBND huyện Tuy Đức đang thực hiện mô hình sản xuất 10ha khoai lang Nhật theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc này nhằm vực dậy ngành khoai lang Tuy Đức vốn nổi tiếng nhưng bị ảnh hưởng lâu nay.

"Nếu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây là lối ra cho bà con trồng khoai lang. Tuy nhiên, đây mới là thông tin ban đầu chứ địa phương chưa nắm được những yêu cầu từ phía Trung Quốc đưa ra. Trung Quốc đồng ý nhập khẩu nhưng nhập như thế nào, giá cả ra sao cần phải trao đổi thêm. Nếu có quy chuẩn cụ thể thì địa phương sẽ triển khai xuống cho các hộ dân để làm theo”, ông Diện nói.

Theo ông Diện, trước giờ Trung Quốc chưa cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang, địa phương vẫn sản xuất mang tính ổn định. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch sẽ tăng nguồn tiêu thụ lớn, lên từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật có thông báo về việc xây dựng mã vùng trồng nằm chuẩn bị cho khoai lang được xuất khẩu chính ngạch.

z3827185596431_4dfac1c4bec32f6cd203bdd9105716b4

Khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp đầu ra ngành hàng này ổn định, người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Vui, sau khi nhận được thông báo, Chi cục đã cho cán bộ rà soát, những địa phương trồng khoai lang. Đến nay, trên địa tỉnh chưa có doanh nghiệp nào xây dựng hồ sơ để xin được cấp mã vùng trồng đối với khoai lang. Tuy nhiên, khi có thông tin chuẩn bị xuất khẩu, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp đủ điều kiện để liên kết với dân xây dựng mã vùng trồng.

"Trung Quốc cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch là tín hiệu vui cho ngành hàng này. Trước đến nay khoai lang là loại cây cắn đất nên người dân trồng luân canh nên cũng chưa ổn định. Khoai lang là cây tiềm năng nên trước việc Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch, Chi cục đã có văn bản gửi phòng nông nghiệp các huyện khuyến kích người dân tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng mã vùng trồng”, ông Vui nói.

Theo một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, những năm trước địa phương đã đề xuất được xuất khẩu chính ngạch khoai lang Nhật sang thị trường Trung Quốc. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu, Chi cục đã tiến hành thống kê diện tích, tiếp nhận những hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị để cấp mã vùng trồng. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiến hành tập huấn cho bà con, doanh nghiệp về quy định của nước nhập khẩu.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.