| Hotline: 0983.970.780

Bữa cơm tất niên không thể quên của tuyến đầu chống dịch Covid-19

Thứ Hai 31/01/2022 , 14:19 (GMT+7)

TP.HCM Với y bác sĩ đang 'trực chiến chống Covid-19' tại các bệnh viện dã chiến, thì bữa cơm tất niên ngày cuối năm bên đồng nghiệp giúp họ ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Y bác sĩ trực chiến xuyên tết tại Bệnh viện Dã chiến Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Y bác sĩ trực chiến xuyên tết tại Bệnh viện Dã chiến Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tạm gác cái Tết của mình để bệnh nhân có cơ hội trở về nhà

Nhằm chia sẻ, động viên giúp các “chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch” vơi bớt nỗi nhớ nhà dịp Tết đến Xuân về, nhiều bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM tổ chức bữa cơm tất niên, cũng như nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức gói bánh chưng, xin chữ ông đồ, lì xì…

Chúng tôi vinh dự được cùng tham gia buổi tất niên tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM (cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, TP Thủ Đức) vào ngày 28/1 (tức 26 tháng Chạp) cùng hơn 700 nhân viên y tế, tình nguyện viên.

TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – kiêm Giám đốc phụ trách Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM cho biết, trải qua những ngày tháng đầy căng thẳng của dịch bệnh, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả nhân viên y tế, tình nguyện viên, đến thời điểm hiện nay có thể nói cuộc sống đã trở lại bình thường.

“Phải nói là chiến thắng đại dịch đến thời điểm này là thành quả chung của tất cả mọi người. Trong giai đoạn cao điểm tháng 7,8,9 chúng tôi chưa thể hình dung được mình chiến thắng đại dịch một cách tương đối an toàn, chưa dám mơ một cái Tết an toàn như đến thời điểm này. Bữa cơm tất niên này là điều khích lệ anh em tham gia phòng chống dịch trong suốt thời gian qua, cũng như trước, trong và sau Tết Nguyên đán để bảo vệ bình yên cho người dân”, bác sĩ Thức chia sẻ.

Ông nói thêm, trong bối cảnh biến chủng mới Omicron xâm nhập, hiện Thành phố vẫn trong mức an toàn. Người đứng đầu Bệnh viện hồi sức Covid-19 cũng chỉ đạo các khoa, phòng, đơn vị xây dựng đầy đủ kịch bản, mua sắm đủ cơ số thuốc, oxy và nhân lực để sẵn sàng cho tình huống dịch có thể phức tạp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Lúc này, tất cả mới được ngồi cùng nhau, trò chuyện với nhau, trao cho nhau những bao lì xì sau thời gian dài chiến đấu căng thẳng với đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lúc này, tất cả mới được ngồi cùng nhau, trò chuyện với nhau, trao cho nhau những bao lì xì sau thời gian dài chiến đấu căng thẳng với đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là bệnh viện tuyến đầu, việc chuẩn bị ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 có thể xảy ra trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẵn sàng mở rộng thêm khu điều trị nếu F0 tăng, dự phòng các loại thuốc hiếm, nguồn oxy dự phòng khoảng 20 tấn.

"Chúng tôi không sợ khó khăn, nhưng rất mong muốn Bệnh viện hồi sức Covid-19 sẽ sớm chấm dứt vai trò, hoàn thành sứ mệnh. Bởi điều này chứng tỏ chúng ta chính thức kiểm soát và chiến thắng được đại dịch", TS Nguyễn Tri Thức bày tỏ.

Xúc động khi được hỏi về cảm giác của mình khi Tết đến Xuân về, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 chia sẻ, dù chúng ta đang tận hưởng niềm vui nhưng đó cũng là cảm xúc không trọn vẹn bởi đã có quá nhiều mất mát, có quá nhiều người đã hy sinh vì đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhiều y bác sĩ đã bám trụ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 hơn 6 tháng qua, nhưng Tết này vẫn tiếp tục ở lại, để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc người bệnh chu đáo nhất, đáp ứng kịch bản dịch, đặc biệt là biến chủng mới Omicron.

“Trong năm, có khoảng thời gian quá nhiều đau thương thì giờ phút cuối năm, chúng ta đã có chút ấm áp mùa xuân. Mọi người trở lại cuộc sống bình yên là điều nhân viên y tế hạnh phúc nhất.

Hơn 3 tháng Thành phố bùng phát dịch, chúng tôi không hình dung được tại sao mình có thể vượt qua được những thời khắc đó, không dám mơ ước có được không khí ngày Tết cuối năm hôm nay. Chúng tôi vui mừng vì đóng góp nhỏ bé đã mang đến sự bình yên này”, bác sĩ Linh xúc động chia sẻ.

'Chúng tôi tạm gác cái Tết của mình để bệnh nhân có cơ hội trở về nhà, đoàn tụ bên gia đình'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Chúng tôi tạm gác cái Tết của mình để bệnh nhân có cơ hội trở về nhà, đoàn tụ bên gia đình". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bác sĩ Linh cũng cho biết, hiện số ca bệnh nặng, nguy kịch nhập viện tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (bệnh viện tầng 3) hiện chỉ còn khoảng 50 người, số ca nặng khoảng 20 người. Dự kiến sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện để kịp về nhà đón Tết.

Bác sĩ trẻ Võ Tấn Lực, hiện đang tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa hồi sức 2B, Bệnh viện hồi sức Covid-19 xúc động khi được cùng đồng nghiệp tham gia bữa cơm thân mật sau những ngày tháng dịch bệnh khốc liệt.

Theo bác sĩ Lực, Tết của người Việt là cái tết sum vầy. Nhưng đối với những bệnh nhân trong khu điều trị Covid-19 lúc này, thì người thân của họ chính là các điều dưỡng, bác sĩ, tình nguyện viên. Bệnh nhân chỉ có thể liên lạc với người thân qua điện thoại, vì vậy nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Do đó, những ngày cuối năm nhân viên y tế gấp rút chuẩn bị làm sao điều trị nhanh nhất để bệnh nhân có sức khỏe tốt nhất để trở về sum họp đoàn tụ bên gia đình.

“Bản thân các anh em chưa ai nghĩ đến cái tết cho mình, cho gia đình mình. Chúng tôi mong đợi đây là cái Tết duy nhất và là cái Tết cuối cùng để kết thúc “mặt trận chống Covid-19”. Chúng tôi tạm gác cái Tết của mình để bệnh nhân có cơ hội trở về nhà, đoàn tụ bên gia đình. Sau Tết khi tình hình dịch ổn định, có thể đóng cửa các khoa phòng, bệnh viện điều trị Covid-19 thì chúng tôi sẽ có được sự sum họp trọn vẹn bên gia đình. Đó là điều mong mỏi của chúng tôi ở thời điểm hiện tại”, bác sĩ Lực mong mỏi.

Bác sĩ Lực chia sẻ thêm, hầu như mọi người trong khu điều trị Covid-19 nhìn nhau, nhận ra nhau qua ánh mắt, dáng đi. “Đến khi được Ban lãnh đạo tổ chức buổi tất niên, anh chị em có cơ hội được ngồi với nhau, dùng chén cơm với nhau, chia sẻ, gắn kết với nhau như một gia đình, thể hiện tình cảm đồng đội gắn kết và cảm thấy trân trọng việc mình đang giúp người bệnh cũng như sứ mệnh của mình”, bác sĩ Lực xúc động nói.

Bữa cơm tất niên giản dị mà ấm cúng của các y bác sĩ Bệnh viện Da Liễu phụ trách Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số 12. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bữa cơm tất niên giản dị mà ấm cúng của các y bác sĩ Bệnh viện Da Liễu phụ trách Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số 12. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tất niên cùng đồng nghiệp là hạnh phúc của một gia đình to

Tối 28/1 (ngày 26 tháng Chạp), chúng tôi cũng có mặt tại buổi tiệc tất niên của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức), do Bệnh viện Da liễu TP.HCM phụ trách. Hiện nơi đây đang thu dung, điều trị 111 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh và các ca nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân ở đây chủ yếu là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài trở về quê hương đón Tết cùng gia đình, không may mắc Covid-19.

Tại buổi họp mặt, các y, bác sỹ, lực lượng dân quân, tình nguyện viên tham gia nhiều hoạt động giao lưu như trang trí góc Xuân, gói bánh chưng, viết chữ thư pháp và chuẩn bị bữa cơm tất niên gồm các món ăn truyền thống mang đậm hương vị Tết như bánh tét, bánh chưng, thịt kho, củ kiệu, canh khổ qua…

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng khu Lâm sàng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, Phó Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Da liễu TP.HCM cùng đồng nghiệp tham gia gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng khu Lâm sàng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, Phó Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Da liễu TP.HCM cùng đồng nghiệp tham gia gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vừa gói bánh chưng, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng khu Lâm sàng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, Phó Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa chia sẻ với chúng tôi: “Với nhiều y, bác sỹ chống dịch, đây là năm đầu tiên họ phải đón Tết xa gia đình. Có thể nói, cảm xúc của mình lúc này khó tả, cũng có chút buồn, nhưng mình cảm thấy hạnh phúc khi góp phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc chống dịch chung Thành phố.

“Khi ăn bữa cơm với gia đình, đó là hạnh phúc của gia đình nhỏ, còn khi ăn ở đây, đó là hạnh phúc của một gia đình to. Cảm xúc đó làm cho mình không thể nào quên trong cuộc đời của mình.

Nhân dịp Tết, xin kính chúc mọi người, mọi nhà có cái Tết bình yên, mạnh khỏe, vạn sự như ý – đây là điều mong ước nhất của ngành y tế chúng tôi”, bác sĩ Kim Cúc xúc động chia sẻ.

Ông Đồ tặng chữ thư pháp cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đồ tặng chữ thư pháp cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, phụ trách Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 cho biết, để đón lượng khách nhập cảnh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong dịp Tết, tất cả nhân viên đều phải ở lại bệnh viện, đón Tết tại bệnh viện.

Tại buổi tất niên cuối năm của Bệnh viện Dã chiến số 12 còn có sự tham gia của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng đến biểu diễn và giao lưu, mừng năm mới cùng các y, bác sỹ như ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Ngọc Linh, ca sĩ ST Sơn Thạch, MC Quỳnh Hoa - Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại buổi tất niên cuối năm của Bệnh viện Dã chiến số 12 còn có sự tham gia của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng đến biểu diễn và giao lưu, mừng năm mới cùng các y, bác sỹ như ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Ngọc Linh, ca sĩ ST Sơn Thạch, MC Quỳnh Hoa - Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Những ngày gần Tết, Ban giám đốc bệnh viện cũng tổ chức trang trí góc xuân có hoa, có cây mai, chậu bông, trái cây… để mọi người cảm giác được không khí xuân đang gần bên mình. Hôm nay Ban giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12 tổ chức bữa cơm tất niên thân mật cho tất cả anh em, bữa cơm giản dị thôi nhưng giống bữa cơm gia đình để anh em vơi đi nỗi nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương mà phải ăn tết cùng đồng nghiệp, cùng bệnh nhân.

Để tất cả được tụ họp, trò chuyện quây quần bên nhau, kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới”, bác sĩ Thúy nói.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất