Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp |
Đây là đánh giá chung mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng như đại diện các bộ ngành đưa ra tại cuộc họp lần đầu tiên của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra hôm qua (25/1).
Gần 9.800 tỉ đồng cho ngành lâm nghiệp
Theo Bộ NN-PTNT, qua năm đầu thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 886), ngành Lâm nghiệp đã có điều kiện thu hút nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển, qua đó bước đầu đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về công tác bảo vệ - phát triển rừng (BV-PTR).
Cụ thể, tổng vốn đã huy động được để thực hiện kế hoạch năm 2017 theo Chương trình 886 đạt 9.794,8 tỷ đồng, đạt 86,2% kế hoạch huy động vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước (NS Trung ương) 1.184,247 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng vốn, đạt 39% so với kế hoạch; vốn ngoài ngân sách ước đạt 8.310,6 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch (trong đó vốn từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng là 1.784,4 tỷ đồng)...
Từ năm 2017, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã chấm dứt việc khai thác chính gỗ rừng tự nhiên đối với mọi trường hợp. Về cơ bản, chỉ đạo này đã được các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Điều này đã có tác động tích cực giúp tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên...
Theo đó, công tác trồng rừng SX theo hướng hàng hóa đã và đang duy trì sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong năm qua, với diện tích trồng rừng tập trung đạt 235.028ha (bằng 101% so với cùng kỳ năm 2016); trồng cây phân tán 60.987 triệu cây (đạt 122% kế hoạch năm); chăm sóc rừng trồng 528.895ha (đạt 123% kế hoạch năm); khoanh nuôi tái sinh 334.899ha (bằng 106,6% kế hoạch năm, trong đó khoanh nuôi mới 107.815ha)... Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đến cuối năm 2017 ước đạt 41,45%, tăng 0,26% so năm 2016, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Cùng với sự phát triển ổn định nguồn nguyên liệu, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung cả năm 2017 đạt 18 triệu m3, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Lần đầu tiên, XK gỗ, sản phẩm đồ gỗ và lâm sản cán mốc 8 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.
32 địa phương đề xuất chuyển đổi trên 130.000ha đất rừng
Triển khai Chương trình 886, năm 2017, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đến năm 2020 của từng tỉnh.
Nguồn lực đầu tư từ Chương trình 886 sẽ tạo đà cho ngành lâm nghiệp vươn xa |
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, đến nay đã có 46/60 tỉnh, thành phố có báo cáo, trong đó có 32 địa phương đề xuất dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, tổng số 2.817 dự án, diện tích 131.395ha. Đây là con số rất lớn. Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập các đoàn công tác triển khai rà soát, đánh giá kỹ đối với các dự án xin chuyển đổi đối với từng tỉnh thành.
Việc rà soát, siết chặt quản lí trong các dự án có “đụng chạm” tới đất rừng, nhất là rừng tự nhiên cũng đang có nhiều quan điểm. Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phải thu hồi đất rừng đối với rừng đặc dụng, rừng thiêng, vườn quốc gia, với hàng chục dự án đang phải đụng tới rừng tự nhiên, khu bảo tồn. Tuy nhiên, bất kỳ dự án nào đụng tới rừng đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nhân cho rằng đây là vấn đề đang gây khó khăn vướng mắc cho các tỉnh khi triển khai các dự án...
Trong khi đó, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thì cho rằng: Quan điểm của Bộ NN-PTNT là phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị của TƯ và Chính phủ trong việc quản lí rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Vì vậy, chỉ những dự án an ninh quốc phòng, hoặc dự án có ý nghĩa KT-XH rất cao mới xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Tuy nhiên với khối lượng dự án xin được chuyển đổi rất khổng lồ lên tới gần 3.000, bản thân Bộ NN-PTNT sẽ không thể đảm đương hết trong việc rà soát, kiểm tra thẩm định. Vì vậy đối với các dự án xin chuyển đổi rừng trồng là rừng SX, chủ trương của Bộ NN-PTNT là sẽ để các địa phương tự chủ trong việc đưa ra quyết định chuyển đổi...
Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá: Hiện nay, công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nhiều diện tích đất trống hoặc đất không có rừng đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên trong hồ sơ quy hoạch vẫn đang là đất rừng. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn và cản trở cho việc triển khai các dự án ở các địa phương. Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTT cần phải tiếp tục triển khai việc rà soát lại quy hoạch sát hơn nữa với tình hình thực tế.
Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình 886 được bố trí còn thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam. Việc bố trí hiện trường trồng rừng ven biển gặp nhiều khó khăn, tiến độ trồng rừng ven biển còn chậm. Bên cạnh đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới Cty lâm nghiệp còn chậm, chất lượng đề án, phương án tổng thể chưa cao, chưa sát thực, chưa có định hướng SX kinh doanh phù hợp. Việc đo đạc, cắm mốc đất đai, thu hồi đất chậm, nhiều nơi còn vướng mắc hoặc thiếu kinh phí thực hiện. Tình hình tài chính DN hầu như chưa được cải thiện; thiếu kinh phí cho quản lý bảo vệ rừng tự nhiên. Đồng thời, kết quả cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững chậm, diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới chiếm 1,5% tổng diện tích rừng hiện có. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |