"Anh hùng khí hậu"
Trong tự nhiên, voi là loài chủ chốt có ảnh hưởng quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học của khu vực. Quá trình ăn và tiêu hóa của chúng giúp phân tán hạt giống, tạo điều kiện ươm mầm cho nhiều loài thực vật. Khoảng 1/3 loài thực vật tại các khu rừng châu Phi dựa vào voi để phân tán hạt giống.
Bên cạnh đó, chất thải của voi có nhiều chất dinh dưỡng, thu hút các loài côn trùng như bướm và ruồi. Những côn trùng này sau đó lại trở thành nguồn thức ăn cho các loài bò sát và chim khác.

Sự suy giảm quần thể voi sẽ góp phần vào sự ấm lên của khí hậu trái đất, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường tới đời sống của con người. Ảnh: Martin Harvey/WWF.
Mặc dù nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm buôn bán, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm từ ngà voi nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn tồn tại và việc mua bán được thực hiện trong những chuyến du lịch tới Việt Nam, Campuchia, Thái Lan...
Voi có thể dễ dàng tìm kiếm những nguồn nước ngầm và nguồn khoáng sản ẩn sâu trong đất và giúp những loài khác cùng tiếp cận những nguồn dinh dưỡng thiết yếu này.
Đồng thời, voi cũng đóng vai trò như những "kỹ sư" của hệ sinh thái. Khi voi dẹp cây để tạo đường di chuyển, những lối mòn này sẽ lại giúp những sinh vật khác dễ dàng săn bắt, chạy trốn và tìm kiếm nguồn nước.
Voi góp phần duy trì môi trường thảo nguyên tại châu Phi khi chúng lật đổ những cây cao và tạo điều kiện sinh sôi nảy nở cho những mầm non mới.
Trong rừng, việc di chuyển của voi làm giảm lượng thực vật tầm thấp, để lại nhiều ánh sáng, nước và dinh dưỡng hơn cho những cây lớn có khả năng hấp thụ carbon tốt hơn.
Sự suy giảm quần thể voi sẽ góp phần vào sự ấm lên của khí hậu trái đất, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường tới đời sống của con người. Theo WWF, được mệnh danh là những “anh hùng khí hậu”, mỗi con voi góp phần tăng khả năng hấp thụ carbon của rừng với hiệu quả tương đương loại bỏ lượng khí thải của 2.047 chiếc ô tô trong một năm.
Nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn trái phép
Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) cho biết, nhân loại đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt diễn ra trên hành tinh - là hậu quả của những hoạt động tàn phá thiên nhiên của chính mình. Hiện tượng ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, suy thoái đa dạng sinh học và sự biến mất của các loài động, thực vật hoang dã đã trở thành vấn nạn toàn cầu, gây mất cân bằng sinh thái một cách nghiêm trọng.
Theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2024 của WWF, trong vòng 50 năm qua (1970 - 2020), quần thể động vật có xương sống đã suy giảm trung bình khoảng 73% trên toàn cầu. Quần thể nước ngọt bị suy giảm nặng nề nhất, gần 85%; tiếp theo là quần thể trên cạn, khoảng 69% và theo sau là quần thể trên biển, khoảng 56%.

Nguồn: WWF - Việt Nam.
Cũng theo WWF, 3/4 môi trường trên cạn và khoảng 2/3 môi trường đại dương đã bị thay đổi đáng kể. Suy thoái đa dạng sinh học đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của con người và đẩy chúng ta vào những rủi ro khôn lường.
Động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang ngày một suy giảm, trong đó voi ở tình trạng đáng báo động nhất và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Quần thể voi châu Phi ước tính đã giảm từ 1,3 triệu cá thể năm 1979 xuống còn 415.000 cá thể năm 2016. Trong khi đó, voi châu Á ước tính chỉ còn khoảng 50.000 cá thể sinh sống ngoài tự nhiên. “Nạn săn bắn voi trái phép là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm trầm trọng quần thể voi hoang dã ngoài tự nhiên”, Giám đốc Bảo tồn của WWF - Việt Nam nhấn mạnh.
Theo WWF, từ 2008 - 2018, mỗi năm ít nhất có tới 20.000 cá thể voi châu Phi đã bị giết để lấy ngà. Từ năm 2008 - 2016, Hệ thống thông tin thương mại về voi (ETIS) ghi nhận, tổng khối lượng ngà voi bị bắt giữ trên toàn thế giới là khoảng 463.000kg. Với tốc độ này, loài voi có thể tuyệt chủng hoàn toàn chỉ trong tương lai không xa.
“Sự vắng bóng của voi đồng nghĩa với nhiều cánh rừng không còn yên ả, nhiều loài động vật đồng hành cũng không còn chỗ trú ngụ. Việc vắng bóng voi và nhiều loài thú quý hiếm khác trong những cánh rừng là những khoảng trống mênh mang không gì bù đắp nổi của thiên nhiên. Các hoạt động khác của rừng cũng suy giảm và chu trình tái tạo, phát triển của rừng bị chậm lại, thậm chí lụi tàn”, ông Ledecq lo lắng.
Ông Vương Ngọc Chiến, Quản lý Dự án "Giảm cầu ngà voi" (WWF - Việt Nam) cho biết: "Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một trong bốn loại hình buôn bán trái pháp luật, thu lợi bất chính lớn nhất trên thế giới, ước tính khoảng 21 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, ngà voi là một trong những mặt hàng chính trong chuỗi cung ứng bất hợp pháp này".
Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc là điểm đến của 90% tổng khối lượng ngà voi châu Phi bị bắt giữ trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là điểm trung chuyển nổi cộm nhất trong chuỗi cung ứng, chiếm 34% tổng khối lượng ngà voi nhập cảng bị phát hiện và có vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi lớn nhất thế giới vào năm 2019.
Những lô hàng ngà voi chế tác tại Việt Nam sau đó sẽ tiếp tục được chuyển tới những quốc gia tiêu thụ chính như Trung Quốc và Hoa Kỳ, một số sản phẩm sẽ bị buôn bán trong nước qua nhiều hình thức tới người tiêu thụ nội địa và du khách nước ngoài, bao gồm hình thức buôn bán qua mạng.

Cơ quan chức năng kiểm đếm số lượng ngà voi được nhập lậu về cảng Hải Phòng thời điểm tháng 2/2023. Ảnh: Cục Hải quan Hải Phòng.
Ông Ledecq thông tin, tại các thống kê cho thấy, số vụ vận chuyển trái phép ngà voi vào Việt Nam vẫn không hề giảm.
Chẳng hạn như tháng 3/2019, Hải quan Đà Nẵng bắt giữ vụ vận chuyển trái phép số lượng lớn ngà voi từ Congo về cảng Tiên Sa, tương đương với số lượng ngà của khoảng 1.000 cá thể voi. Đây được coi là vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi lớn nhất trên thế giới.
Hay đầu năm 2023 và 2024, các cơ quan đã phát hiện 4 vụ liên tiếp với tổng khối lượng ngà voi bị tịch thu hơn 8 tấn.
Theo ghi nhận của ETIS, chỉ trong vòng 10 năm (2009 - 2019), số ngà voi vận chuyển trái phép vào Việt Nam bị phát hiện và bắt giữ là hơn 70 tấn và Việt Nam được ghi nhận có số lượng ngà voi bị bắt giữ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Luật pháp Việt Nam quy định voi là loài được bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tác, quảng cáo các sản phẩm từ voi, đặc biệt là ngà voi đều vi phạm pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định các hành vi vi phạm có thể bị xử tù đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỷ đồng.