Sáng 24/2, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thỏa thuận hợp tác và kế hoạch phối hợp năm 2022 giữa hai đơn vị. Hội nghị được tổ chức và kết nối với 900 điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Theo ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, từ nay đến năm 2025, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung phối hợp thực hiện 5 nhiệm vụ chính: tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; triển khai chuỗi cung ứng các hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao của các hội viên, nông dân; xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất giá trị bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng; Bưu điện Việt Nam cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi cho Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã với chính sách ưu đãi.
Năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn. Đây không chỉ là các hộ sản xuất kinh doanh điển hình tại hơn 10.600 xã, phường trên cả nước mà còn là các hội viên Hội nông dân, chi (tổ) hội nghề nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp….
Hơn 7,5 triệu hộ sẽ được Bưu điện Việt Nam miễn phí toàn bộ các loại chi phí lên sàn. Đồng thời được nhân viên Bưu điện hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định sự hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, bởi mục tiêu chung của cả hai bên đều hướng tới là hỗ trợ người dân chuyển đổi số, phát triển kinh tế.
Sau Hội nghị này, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung rà soát, cập nhật các thông tin của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT cũng như giúp bà con nông dân, HTX nông nghiệp chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản.
“Hiện nay, Bưu điện Việt Nam đã có kế hoạch kết nối với các sàn TMĐT của Bưu chính các nước như Nhật, Singapore và 1 số nước trong khu vực. Sản phẩm của chúng ta khi đưa lên sàn Postmart.vn sẽ được link vào các sàn TMĐT của các quốc gia trong khu vực, tiến tới mở rộng ra các nước phát triển. Bưu điện Việt Nam cũng sẽ bổ sung thêm các tiện ích trên sàn TMĐT Postmart.vn để đảm bảo việc giao lưu, tiêu thụ hàng hóa của người dân được thuận tiện hơn.
Ví dụ như đối với việc tiêu thụ các sản phẩm nhỏ lẻ, các hộ nông nghiệp, các thôn, các xã có thể thành lập các nhóm và chia sẻ sản phẩm ngay tại thôn, xã của mình trên sàn. Như vậy, Sàn sẽ giải quyết được mong muốn trao đổi sản phẩm giữa các hộ nông dân trong cùng một địa bàn. Postmart là sàn TMĐT thuần Việt và có sứ mệnh phục vụ người dân phát triển nông nghiệp nên chắc chắn sẽ có nhiều tiện ích cho hộ sản xuất nông nghiệp, kể cả những người nông dân chưa từng bán hàng online”, ông Chu Quang Hào cho biết.
Sắp tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư hệ thống kho lạnh tại các vùng miền. Khi có hệ thống này, hoa quả, sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản,.. sẽ được đảm bảo về mặt chất lượng và sẽ thực hiện đúng nguyên tắc bán trái địa bàn, trái mùa, trái vụ song vẫn đảm vảo được giá trị sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư, phát triển công nghệ chế biến nông sản để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, nhiệm vụ chuyển đổi số nông nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ chính của hai đơn vị.
Để việc triển khai sớm đạt được những mục tiêu đề ra, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam sẽ thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác triển khai thỏa thuận hợp tác từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố đảm bảo chỉ đạo thông suốt, sát với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch khung Hội Nông dân và Bưu điện các tỉnh thành phố cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, sản phẩm, cùng các giải pháp thích hợp… để triển khai cụ thể tại địa phương.