| Hotline: 0983.970.780

Cá biển lại chết hàng loạt

Thứ Ba 25/06/2024 , 07:06 (GMT+7)

PHÚ YÊN Hàng chục tấn cá biển nuôi bằng lồng bè ở khu vực thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh, thuộc đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại bị chết đột ngột.

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra cá biển nuôi bị chết đột ngột. Ảnh: KS.

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra cá biển nuôi bị chết đột ngột. Ảnh: KS.

Vào đêm 21 và rạng sáng 22/6, tại khu vực thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh thuộc đầm Cù Mông, cá biển nuôi lồng bè của người dân bị chết đột ngột với số lượng lớn.

Theo người dân nơi đây, thời điểm xảy ra tình trạng cá chết thì nước trong khu vực nuôi có hiện tượng phân tầng nhiệt độ (tầng đáy nóng, nhiệt độ cao hơn so với tầng mặt).

Sau khi nhận được thông tin cá chết, Sở NN-PTNT Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương nhận thấy nước tại khu vực có cá chết có mùi hôi, màu nước trắng đục. Ngoài ra, các loại cá tự nhiên ngoài các bè nuôi cũng bị chết. Khi phát hiện cá chết, người nuôi tự xử lý, thu hoạch để bán nhằm giảm thiệt hại.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, tính đến 9h30 ngày 23/6 đã có hơn 29 tấn cá biển nuôi các loại gồm mú, bóp, chim, bè của 33 hộ nuôi bị thiệt hại, với trọng lượng từ 300g - 1000g/con (tùy loại). Phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành thu mẫu cá để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Còn Chi cục Thủy sản đã thu mẫu nước khu vực nuôi cá để gửi Viện Khoa học Năng lượng và Môi trường để phân tích và đo các thông số tại hiện trường.

Kết quả cho thấy, nhiệt độ nước: 30,3 độ C, oxy hòa tan (DO): 4,1 mg/l và pH= 7,5; độ mặn 31,8‰. Với kết quả trên, đoàn kiểm tra nhận định nguyên nhân gây chết cá hàng loạt do hàm lượng oxy hòa tan DO rất thấp kéo dài (dự báo thời điểm xảy ra cá chết khoảng 2- 3 mgO2/l), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng trên đó là mật độ lồng nuôi quá dày. Trong đó có nhiều bè nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm (thường gọi là cơm cháy, đồng đen) gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều oxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ tại vùng nuôi.

Bên cạnh đó, mực nước trong khu vực nuôi thấp (chỉ 2 - 3m khi triều cường), biên độ triều thấp, hầu như không có dòng chảy.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian 2 - 3 ngày trước khi cá chết, tại khu vực này thường có gió Tây Nam hoạt động, thời tiết nắng nóng bất thường, có nơi lên đến 39 độ C kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt làm trên mặt mát, dưới đáy nóng. Từ đó thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc... ảnh hưởng trực tiếp cá nuôi và các loài cá tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, tình trạng cá nuôi chết như trên xảy ra hàng năm vào các tháng nắng nóng tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Để hạn chế thủy sản nuôi bị chết, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS. 

Để hạn chế thủy sản nuôi bị chết, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS. 

Để hạn chế tình trạng trên, Sở NN-PNNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các thị xã Sông Cầu, Đông Hòa, UBND huyện Tuy An và UBND các xã, phường có nuôi trồng thủy sản tăng cường quản lý vùng nuôi, có biện pháp phù hợp để tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản, cũng như các giải pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự cố môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè nói riêng.

Về giải pháp cụ thể, Sở NN-PTNT Phú Yên khuyến cáo người nuôi chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4m khi triều kiệt. Mật độ lồng và cá nuôi phù hợp với chất lượng nước và khả năng lưu thông nước của vùng nuôi, cũng như tăng khoảng cách giữa các lồng, bè nuôi để tạo điều kiện nước lưu thông tốt, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi.

Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; quan sát môi trường nước vùng nuôi, kiểm tra tình hình sức khỏe cá nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Tăng sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C và vitamin tổng hợp, chế phẩm sinh học, khoáng chất… vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, thủy sản nuôi;

Trong ngày vào những thời điểm nắng nóng, oi bức, có mưa dông, người nuôi nên giảm bớt lượng thức ăn cho ăn. Đặc biệt không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho ăn để giảm ô nhiễm môi trường; định kỳ rắc vôi xung quanh lồng; treo túi vôi, thuốc tím ở các góc lồng giúp khử khuẩn, làm sạch môi trường vùng nuôi.

Người nuôi sử dụng các vật liệu chống nắng (bạt, lưới lan...) che mát lồng nuôi khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Bố trí máy sục oxy hoặc máy bơm để tạo dòng chảy, bổ sung oxy vào ban đêm hoặc trong trường hợp cần thiết. Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi ngay khi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh.

Ngoài ra lưu ý khi xảy ra tình trạng cá, thủy sản nuôi chết, người nuôi phải thu gom xác cá, thủy sản chết mang vào bờ để xử lý theo quy định, không vứt bừa bãi ra vùng nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, từ ngày 18-20/5 vừa qua trên 129 tấn tôm hùm, cá nuôi tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra bị chết đột ngột, gây thiệt hại trên 38 tỷ đồng. Cơ quan chức năng vào cuộc, xác định nguyên nhân là do hàm lượng oxy hòa tan tại vùng nuôi giảm thấp dưới ngưỡng cho phép sau nhiều ngày thời tiết nắng nóng và có mưa dông lớn vào ban đêm.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.