| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp khắc phục sự cố môi trường nuôi tôm hùm ở Phú Yên

Thứ Sáu 07/06/2024 , 09:25 (GMT+7)

Những năm qua, tại 'thủ phủ' nuôi tôm hùm ở Phú Yên cứ tái diễn tình trạng thủy sản chết, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Vây đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Người nuôi ở thị xã Sông Cầu khóc ròng khi tôm hùm chết hàng loạt. Ảnh: KS.

Người nuôi ở thị xã Sông Cầu khóc ròng khi tôm hùm chết hàng loạt. Ảnh: KS.

Lại xảy ra tình trạng tôm hùm, cá biển chết

Với lợi thế bờ biển dài hơn 89km và nhiều đầm, vịnh, những năm qua, thị xã Sông Cầu đã phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, nuôi trồng thủy sản với đối tượng chính là tôm hùm, cá biển đem lại nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu cho người dân.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ với trên 10.000 lao động. Tính đến cuối năm 2023, toàn thị xã có 62.549 lồng, sản lượng đạt 2.074 tấn (trong đó, tôm hùm xanh chiếm 90%, tôm hùm bông 10%). Doanh thu từ nuôi tôm hùm đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, do lợi nhuận từ nghề nuôi tôm hùm cao nên những năm qua, người dân trên địa bàn thị xã Sông Cầu tự phát đầu tư lắp đặt lồng bè nuôi ngày càng nhiều. Điều này khiến vượt quy hoạch, định hướng phát triển bền vững về nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi thủy sản lồng bè trên biển nói riêng.

Người nuôi cho tôm hùm ăn trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu. Ảnh: KS.

Người nuôi cho tôm hùm ăn trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu. Ảnh: KS.

Mật độ nuôi dày đặc vượt quá sức tải môi trường dẫn đến các vấn đề về môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khi thời tiết diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Điển hình như vào tháng 5-6/2017, tôm hùm nuôi bị chết do thiếu oxy gây thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Tiếp đến, từ ngày 18-20/5/2024, trên 129 tấn tôm hùm, cá nuôi tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh bị chết đột ngột, gây thiệt hại trên 38 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng vào cuộc, xác định nguyên nhân là do hàm lượng oxy hòa tan tại vùng nuôi giảm thấp dưới ngưỡng cho phép sau nhiều ngày thời tiết nắng nóng và có mưa dông lớn vào ban đêm.

Những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do mật độ lồng nuôi vượt gấp nhiều lần so với quy định. Ngoài ra, còn có lượng lớn bè hàu và lồng bè bỏ không được giữ lại dưới nước làm cản trở sự lưu thông của nước khi thủy triều lên xuống, nhất là các kỳ nước đứng. Thứ nữa là lượng thức ăn dư thừa và chất thải phát sinh nhiều làm nước bị phú dưỡng, rong tảo đáy phát triển mạnh; khi rong tảo lụi tàn tiêu thụ nhiều oxy tầng đáy càng gây thiếu hụt oxy về đêm.

Nhiều vướng mắc sắp xếp lồng bè

Từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành kết luận chỉ đạo, sau đó UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ thị chỉ đạo các địa phương triển khai sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng đầm, vịnh. Tuy nhiên, đến nay, việc sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản lồng bè tại thị xã Sông Cầu nói chung và các địa phương nói riêng vẫn chưa thể triển khai được.

Lồng bè nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu dày đặc. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu dày đặc. Ảnh: KS.

Theo ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, việc quản lý, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã gặp nhiều khó khăn vì quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được ban hành, đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2045 vẫn đang được Sở NN-PTNT lập. Do đó, việc quản lý, giao khu vực biển, khu vực mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng, bè gặp vướng mắc, chưa triển khai.

Còn theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên, ngoài nguyên nhân thiếu các quy hoạch thì việc quản lý Nhà nước của chính quyền huyện, xã còn nhiều bất cập, xử lý vi phạm chưa nghiêm nên lồng bè phát sinh tự do. Thêm vào đó, nhân lực, phương tiện cần thiết cho việc quản lý lồng bè trên biển có thể nói là không có gì. Mặt khác, do chưa có sinh kế thay thế nào tốt hơn nuôi trồng thủy sản lồng bè nên cộng đồng ngư dân ven biển vẫn tập trung vào nuôi tôm hùm, cá biển.

Giải pháp?

Trước thực trạng vùng nuôi tại thị xã Sông Cầu hiện nay dày đặc lồng bè, ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đề nghị địa phương trước mắt tổ chức kê khai, kiểm đếm chính xác lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, hoàn thành cuối tháng 6/2024. Đồng thời, phân loại hộ nuôi trồng thủy sản, từ đó có phương án sắp xếp lại vùng nuôi phù hợp cũng như có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nuôi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, quản lý chặt, không để phát sinh mới lồng bè nuôi trồng thủy sản; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Lãnh đạo tỉnh và thị xã Sông Cầu kiểm tra tình hình tôm hùm, cá biển bị chết vừa qua. Ảnh: KS.

Lãnh đạo tỉnh và thị xã Sông Cầu kiểm tra tình hình tôm hùm, cá biển bị chết vừa qua. Ảnh: KS.

Liên quan vấn đề này, ông Phan Trần Vạn Huy cho biết, sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động chủ trương nghiêm cấm việc đóng mới, gia tăng lồng, bè; cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản.

Cùng với đó, thị xã tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn năm 2024; Thường xuyên cập nhật, chuyển thông tin quan trắc môi trường đến người nuôi chủ động ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại;

Tăng cường công tác tuyên truyền người nuôi thực hiện thu gom rác thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè để bảo vệ môi trường vùng nuôi. Ngoài ra, thị xã cử cán bộ, công chức phụ trách thủy sản, cán bộ thú y cơ sở bám sát vùng nuôi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật; các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra để ổn định sản xuất.

Về giải pháp lâu dài, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, UBND thị xã tập trung quản lý nuôi trồng thủy sản lồng, bè theo chủ trương, định hướng của Ban Thường vụ Thị ủy, HĐND thị xã. Cụ thể là Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 15/5/2024 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Sông Cầu; Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, ngày 2/8/2018 về việc thông qua Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, trong thời gian tới, thị xã sẽ giảm số lượng lồng nuôi trong đầm vịnh (1.000ha với 60.000 lồng) và phát triển nuôi biển xa bờ (1.000ha).

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, để phát triển thủy sản bền vững, về lâu dài các địa phương triển khai sắp xếp lại các vùng nuôi theo Đề án tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản, phương án sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản được phê duyệt, cũng như chủ động lập quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và giao khu vực biển, đất nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm ổn dịnh sản xuất.

Đối với các tổ chức, cá nhân sau khi giải tỏa, có nguyên vọng tiếp tục nuôi trồng thủy sản thì lập hồ sơ dự án đề xuất UBND tỉnh giao khu vực biển (có thu tiền sử dụng) tại các vùng biển mở trong 6 hải lý theo điểm b khoản 2 điều 44 Luật Thủy sản 2017...

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.