| Hotline: 0983.970.780

Cá chim trị thận hư, liệt dương

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:44 (GMT+7)

Đông y cho rằng, cá chim có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, đi vào các kinh tỳ & thận. Có công hiệu kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt.

Giống như các loài, cá chim cũng có nhiều tên gọi khác như Thoa phiến ngư, Xương ngư, Bình ngư… Tên khoa học Stomateoides argenteus Euphrasen, họ cá chim trắng (Stomateoidae). Cá chim sống ở các vùng biển nước ta. Ngoài ra còn có loại cá chim nước ngọt có nguồn gốc Nam Mỹ được nuôi phổ biến tại nhiều nơi.

Cá chim thịt ngon và bổ, được nhân dân ta coi là đặc sản hàng đầu trong các loài cá biển (chim, thu, nụ, đé). Biển nước ta có nhiều loại cá chim như cá chim trắng, cá chim đen, cá chim gai, cá chim Ấn Độ là loại cá hai vây Momeidea... nhưng gặp phổ biến và có giá trị hơn cả là loại cá chim trắng và đen.

Như đã nói, ngoài các loại cá chim biển, hiện nay ở nước ta còn có loại cá chim nước ngọt. Cá chim nước ngọt có tên khoa học là Colossoma brachypomum, có nguồn gốc tại vùng Amazon, Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1998. Cá này cho thịt ăn ngon, lại lớn nhanh gấp 3 – 4 lần các loài cá khác, hiện đang được nuôi ở nhiều địa phương. Cá chim trắng nước ngọt có màu xám bạc hoặc màu ánh bạc hơi xanh, hàm trên và hàm dưới của cá đều có răng khá sắc có tác dụng cắn xé thức ăn (cá nhỏ, tôm, tép...). 

Thịt cá chim, dù là cá chim trắng, chim đen hay chim trắng nước ngọt đều là loại thực phẩm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega - 3, nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Cá chim thường được bán trên thị trường dưới các dạng đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh tươi, cắt khúc đông lạnh tươi.

Đông y cho rằng, cá chim có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, đi vào các kinh tỳ & thận. Có công hiệu kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt. Được dùng trong các trường hợp kém ăn, cơ thể suy nhược, hồi hộp, đánh trống ngực (tâm quí), đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, quên lẫn, đau nhức, mỏi mệt, tê bại vùng cổ, thắt lưng và tay chân. Liều dùng trung bình từ 200 – 250g/ ngày dưới dạng món ăn như nấu, xào, hầm, om, nướng hay chiên rán.

Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn trị bệnh từ cá chim để cùng tham khảo hay ứng dụng mỗi khi cần.

* Trị phong thấp, thoái hóa xương khớp, đau nhức chân tay, lưng đau gối mỏi, yếu: Dùng món canh cá chim hạt dẻ gồm cá chim 250g, hạt dẻ 15 – 20 hạt. Làm sạch cá, hạt dẻ đập dập bỏ vỏ, cho gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, cần ăn liền 5 – 7 ngày.

* Trị thận hư, liệt dương, di tinh: Dùng canh ngài tằm cá chim gồm cá chim 250g, ngài tằm 20 con, làm cá sạch cho cùng ngài tằm, nêm gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm ăn 7 ngày.

* Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vi hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng: Dùng canh “xương ngư nhị bạch” gồm cá chim 250g, Bạch truật 15g, Bạch thược 15g. Sắc thuốc lấy nước bỏ bã cho cá chim đã sạch, cắt khúc nấu nêm gia vị vừa đủ, ăn trong ngày cùng bữa cơm.

* Trị tiêu hóa kém, chán ăn, gầy yếu: Dùng canh cá chim đậu trắng gồm cá chim 250g, đậu trắng hạt to 30g. Làm sạch cá cắt khúc cho đậu và gừng tươi đập dập, nấu thành canh, them hành sống và gia vị vừa đủ, ăn trong ngày.

* Chữa trị các chứng đau đầu hoa mắt chóng mặt do huyết hư, tim hồi hộp, mất ngủ, suy nhược cơ thể: Dùng món cá chim hầm sâm quy thục hoài sơn gồm cá chim 250g, đảng sâm, đương quy, thục địa mỗi vị đều 15g, sơn dược 20g. Các vị thuốc sắc lấy nước bỏ bã, cho cá chim cắt khúc vào nước thuốc hầm chín ăn trong ngày.

Lưu ý không dùng cho người bị cao mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, và không ăn nhiều.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.