1. Kiwi
Kiwi là một trong những loại trái cây rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Các chất chống oxy hóa mạnh trong kiwi như carotenoids, vitamin C và vitamin E có khả năng hỗ trợ bảo vệ tim mạch khỏi tình trạng viêm nhiễm và tổn thương tế bào.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ lượng kiwi phù hợp có thể giúp ngăn ngừa tập kết tiểu cầu, hỗ trợ kiểm soát huyết áp, giảm lượng cholesterol xấu và chất béo trung tính, giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch… Người dân có thể thêm loại trái cây tốt cho tim mạch này vào thực đơn ăn uống thông qua việc ăn trực tiếp, chế biến salad hoặc làm sinh tố.
2. Quả mọng
Nhiều người chọn các loại quả mọng làm món tráng miệng sau bữa ăn bởi chúng không chỉ ngon miệng mà còn chứa nguồn dưỡng chất phon
3. Đu đủ
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA , 1 cốc đu đủ cắt miếng cung cấp gần 100% DV (mức tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày) vitamin C và 8% DV vitamin A. Thiếu hụt hai vi chất quan trọng này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn huyết áp, xơ vữa động mạch, suy tim và đau tim. Việc bổ sung đủ vitamin C, vitamin A thông qua thực phẩm có lợi như đu đủ giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, đu đủ còn giàu lycopene, một chất chống oxy hóa tác động tích cực lên hệ tim mạch, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao nên đu đủ được xếp vào loại trái cây tốt cho tim mạch mà người dân có thể cân nhắc dùng.
4. Nho đỏ
Nho đỏ là lựa chọn tuyệt vời cho những ai quan tâm đến sức khỏe tim mạch. Nho đỏ chứa lượng lớn hợp chất polyphenol, bao gồm: flavonoid, axit phenolic và resveratrol, đặc biệt là ở rượu vang đỏ. Hợp chất này được cho là có khả năng giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch bằng cách ức chế quá trình oxy hóa cholesterol xấu, tác động tích cực đến trạng thái oxy hóa khử của tế bào, giúp cải thiện chức năng nội mô, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa tập kết tiểu cầu, giảm viêm, hạn chế lão hóa tế bào… (3)
5. Trái cây có múi
Trái cây có múi đặc trưng bởi lớp màng mỏng bao quanh các múi cùng với lớp vỏ dày. Các loại trái cây có múi như cam, bưởi, chanh… thường chứa một lượng lớn flavonoid, với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm tốt, góp phần bảo vệ tim mạch khỏi các tác nhân gây hại.
Ngoài flavonoid, trái cây họ cam quýt còn cung cấp các dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin B, kali, phốt pho, magiê, đồng… những dưỡng chất này rất cần thiết cho hoạt động thường ngày của cơ thể, nâng cao sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.
Tuy nhiên, người dân cần lưu ý việc tiêu thụ quá nhiều bưởi cùng lúc có thể gây tương tác tiêu cực với một số loại thuốc. Trường hợp đang dùng thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng, người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn thêm, đảm bảo an toàn và tránh các phản ứng phụ không mong muốn.
6. Dưa hấu
Dưa hấu là loại quả quen thuộc và rất được ưa chuộng, nhưng đây có phải là trái cây tốt cho tim mạch không? Câu trả lời là có. Dưa hấu chứa hàm lượng nước cao, giúp thúc đẩy quá trình hydrat hóa và duy trì lưu lượng máu tối ưu.
Axit amin citrulline trong dưa hấu cũng giúp lưu thông máu tốt hơn, đồng thời hỗ trợ kiểm soát huyết áp bằng cách thư giãn và mở rộng mạch máu, giảm áp lực lên tim và cải thiện chức năng tim mạch. Tương tự như nhiều loại trái cây khác, dưa hấu cũng chứa lượng lớn lycopene, một chất oxy hóa mạnh, có tác động giảm viêm, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
7. Quả đào
Đào chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và hợp chất thực vật có lợi cho việc chống lão hóa, ngăn ngừa khởi phát nhiều tình trạng bệnh lý, trong đó có các vấn đề về tim mạch. Việc tiêu thụ đào thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao và mức cholesterol không ổn định.
Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, đào có thể kết hợp với axit mật – hợp chất do gan sản xuất từ cholesterol. Sau khi liên kết, các axit mật cùng với cholesterol sẽ được bài tiết qua phân. Cơ chế này giúp giảm cholesterol trong máu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
8. Chuối
Nếu đang tìm kiếm loại trái cây tốt cho tim mạch thì chuối là lựa chọn hấp dẫn mà người dân có thể tham khảo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một quả chuối cỡ vừa có thể gần như đáp ứng được lượng kali khuyến nghị mà cơ thể mỗi ngày. Với hàm lượng kali cao, tiêu thụ lượng chuối phù hợp mỗi ngày giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, trong chuối còn chứa các dưỡng chất quan trọng khác như vitamin C, sắt và magie, giúp làm giảm mức cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch do rối loạn cholesterol như xơ vữa động mạch, hẹp mạch máu, hình thành cục máu đông… (4)
9. Quả bơ
Bơ được biết đến là nguồn cung cấp kali, vitamin C, folate và chất béo không bão hòa dồi dào, có tác dụng điều hòa huyết áp, cải thiện chỉ số cholesterol trong máu, giúp giảm nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch.
Một nghiên cứu được thực hiện trong 30 năm cho thấy, việc tiêu thụ lượng bơ phù hợp trong một tuần giúp giảm khoảng 16% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Do đó, người dân có thể cân nhắc thêm loại trái cây tốt cho tim này vào chế độ ăn uống mỗi ngày.
10. Quả cà chua
Cà chua không chỉ phổ biến trong ẩm thực mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú, bao gồm: beta-carotene, folate, kali, vitamin C, flavonoid và vitamin E dồi dào. Các chất này được cho là có khả năng phòng chống tổn thương cho tế bào tim mạch và giảm nguy cơ khởi phát bệnh tim.
Tuy nhiên phương thức chế biến có thể ảnh hưởng đến hàm lượng chất dinh dưỡng của cà chua. Người dân nên ưu tiên các cách chế biến đơn giản thay vì hầm nấu quá kỹ, cho quá nhiều dầu mỡ hoặc gia vị. Đặc biệt, không nên ăn cà chua trong lúc đói vì trong loại quả này chứa lượng axit lớn, kết hợp với dịch chua trong dạ dày có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.
Việc lựa chọn những loại trái cây tốt cho tim mạch tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người. Tốt nhất, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhằm xác định loại trái cây phù hợp và định lượng nên dùng trong mỗi bữa ăn để nâng cao sức khỏe tim mạch, tránh các rủi ro tiềm ẩn.
Bên cạnh dinh dưỡng, người dân cũng cần quan tâm các yếu tố tác động đến sức khỏe như chế độ vận động, thói quen sinh hoạt và tuân thủ các chỉ định khác của bác sĩ.