| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau: Đột phá lúa - tôm

Thứ Tư 07/07/2010 , 12:04 (GMT+7)

Khi mô hình chuyên canh tôm bộc lộ nhiều bất cập (tôm chết hàng loạt trên diện rộng), Cà Mau đã nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm và đã đạt được những kết quả khả quan.

Khi mô hình chuyên canh tôm bộc lộ nhiều bất cập (tôm chết hàng loạt trên diện rộng), Cà Mau đã nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình luân canh một vụ tôm – một vụ lúa (mô hình lúa – tôm) và đã đạt được những kết quả khả quan. Sau hơn 3 năm chuyển đổi (2007 – 2010), mô hình này đã khẳng định được tính bền vững, ổn định và được đông đảo bà con nông dân đồng tình ủng hộ.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với hơn 264.000 ha nhưng chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh, năng suất thấp. Sau nhiều vụ nuôi liên tiếp, con tôm vốn được xem là con làm giàu bắt đầu dở chứng, dịch bệnh và chết hàng loạt khiến nhiều nông dân không còn vốn sản xuất. Trước tình hình này, năm 2007, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định chuyển dịch từ chuyên tôm sang mô hình lúa – tôm, đồng thời mở rộng sang những vùng làm lúa kém hiệu quả. Từ vài ngàn ha ban đầu, đến năm 2009, diện tích luân canh tôm - lúa toàn tỉnh đã tăng lên trên 51.000 ha, năng suất tôm đạt từ 400 – 460 kg/ha, cao hơn hẳn so với ruộng chuyên tôm theo cùng hình thức nuôi. Không những thế, năng suất lúa cũng tăng theo từng năm do tận dụng được nguồn hữu cơ tồn đọng từ quá trình nuôi tôm.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch sản xuất luân canh lúa - tôm (giai đoạn 2007 – 2009) vừa được tỉnh Cà Mau tổ chức, hầu hết các nhà khoa học cũng như nông dân tham gia mô hình đều khẳng định sản xuất luân canh lúa - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn hẳn so với mô hình chuyên canh (tôm hoặc lúa). Cây lúa sau khi thu hoạch, phần gốc rạ còn lại chính là môi trường thuận lợi để các sinh vật phù du (nguồn thức ăn của tôm) và com tôm sinh sống. Ngược lại, con tôm lại tạo ra môi trường dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.

Là người tham gia mô hình này ngay từ ban đầu, ông Huỳnh Thanh Hoàng (xã Tân Phú, Thới Bình, Cà Mau) cho biết: Gia đình tôi có 4 ha đất sản xuất. Trước đây độc canh cây lúa chỉ đủ ăn. Từ khi chuyển đổi mô hình tôm – lúa gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Cụ thể, năm 2007, tổng thu từ tôm, lúa, cá (1,3 tấn tôm, 10 tấn lúa, cá bống tượng vài chục ký) được 155 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 triệu. Đến năm 2009 thu trên 256 triệu (1,5 tấn tôm, 12,6 tấn lúa, hơn 200 ký bống tượng), lãi gần 200 triệu. Cũng như ông Hoàng, nhiều nông dân khác canh tác theo mô hình này đều đạt được kết quả rất khả quan, năng suất cả tôm lẫn lúa đều tăng theo từng năm. Đặc biệt, một số hộ dân đã mạnh dạn đưa các giống lúa cao sản, ngắn ngày như OM 4900, ST 5 và giống năng suất cao như lúa lai vào canh tác trên nền đất tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều hộ đã đạt năng suất lúa 6-7 tấn/ha.

Các địa phương phát triển mạnh mô hình này là Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, TP Cà Mau. Năm 2007, diện tích sản suất lúa trên nền đất nuôi tôm tại huyện Thới Bình là 15.979 ha, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha. Đến năm 2009, diện tích này đã tăng lên trên 24.000 ha, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha. Sản lượng tôm toàn huyện theo đó cũng tăng lên, từ hơn 10.000 tấn năm 2007, đến năm 2009 đã tăng lên trên 11.000 tấn.

Ông Nguyễn Thông Nhận – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, từ hiệu quả đã đạt được, UBND tỉnh đã quyết định chi 170 tỷ đồng để triển khai nhân rộng mô hình tôm – lúa tại nhều địa phương. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2012 là 80 tỷ, đến năm 2015 là 90 tỷ. Nguồn kinh phí này sẽ được ưu tiên tập trung cho 3 mục tiêu chính là: tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn giống (lúa, tôm) và nâng cao năng lực khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Riêng giai đoạn 2007 - 2009, toàn tỉnh đã mở trên 200 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất luân canh lúa - tôm cho hơn 6.000 lượt người tham gia. Qua đó, giúp người dân nắm vững kỹ thuật và áp dụng thành công trong sản xuất. Theo kế hoạch, năm 2010 ngành nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng diện tích luân canh lúa - tôm lên 43.000 ha. Trong đó, tập trung ở các huyện Thới Bình (23.000 ha), U Minh (8.500 ha), Trần Văn Thời (6.200 ha), Cái Nước (3.600 ha), Phú Tân (1.100 ha) và TP Cà Mau (500 ha).

Qua thực tiễn sản xuất cho thấy mô hình tôm – lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao do giảm được chi phí trong sản xuất vừa có tính ổn định và bền vững. Trong 3 năm qua, sản lượng tôm, lúa theo mô hình này đều tăng lũy kế theo từng năm, góp phần giúp ngành nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất lương thực qua từng năm. Trong những năm tới, để tăng sản lượng tôm nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, ngoài tăng diện tích tôm công nghiệp thì mô hình – tôm lúa, tôm sinh thái (nuôi dưới tán rừng) là mô hình sản xuất được Cà Mau lựa chọn tạo bước đột phá.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Tăng diện tích giống cực ngắn ngày cho vụ hè thu

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương phía Bắc tăng diện tích giống cực ngắn ngày cho vụ hè thu trước bối cảnh nắng nóng gay gắt của năm 2024.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.