| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau 'lên dây cót' ứng phó cháy rừng

Thứ Hai 06/03/2023 , 08:04 (GMT+7)

Mùa khô 2022 - 2023 dự báo không căng thẳng như mọi năm, nhưng nguy cơ cháy rừng tại Cà Mau vẫn rất cao.

Empty

Tỉnh Cà Mau chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2022 - 2023. Ảnh: Trọng Linh.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) có diện tích hơn 8.500ha, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là một trong những khu rừng được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Bước vào mùa khô 2022 - 2023, Vườn Quốc gia U Minh Hạ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng, thực hiện tốt quy chế phối hợp, chủ động phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Nơi đây còn thành lập tổ tuần tra thường xuyên và tổ lưu động để tăng cường tuần tra, quản lý chặt người dân ra vào rừng trái phép nhằm loại trừ đến mức thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô.

Hiện nay, xe cơ giới có thể lưu thông một chiều thuận lợi trong suốt hệ thống đường nội bộ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ngoài ra, chủ rừng vận hành thuần thục 2 camera giám sát lửa chuyên dụng, quan sát bao quát khoảng 1/3 diện tích toàn khu, truyền tín hiệu về Trung tâm kiểm soát Phòng cháy, Chữa cháy rừng thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động. Đây được xem hệ thống "mắt thần" hỗ trợ đắc lực cho chủ rừng phát hiện kịp thời các điểm phát lửa ở những nơi xa, tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa khô.

Empty

Lực lượng kiểm lâm đã tổ chức nhiều đợt diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết, trong mùa khô 2022 - 2023, ngoài chủ động đắp trước các đập giữ nước, đơn vị đã bố trí xong 17 chòi canh lửa cố định, 26 máy liên lạc, 21 vỏ máy phương tiện đường thủy các loại cùng với 13 máy bơm với gần 7.500m vòi chữa cháy. Hiện nay, đã dọn kênh thông thoáng gần 128km và đường băng cản lửa 16km. Tổng lực lượng ứng trực thường xuyên là 80, khi cần có thể huy động đến 1.000 người…

"Các thành viên trong đội được phân công, chia ca trực tại chòi quan sát và đi tuần tra hằng ngày đề phòng trường hợp người dân vào rừng lấy mật ong, bắt cá, săn bắt động vật trái phép… Lực lượng ứng trực luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm thế luôn sẵn sàng nhằm chủ động thông tin, nắm bắt tình hình, bảo đảm giữ rừng an toàn trong mùa khô", ông Hoằng thông tin.

Ngoài Vườn Quốc gia U Minh Hạ, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có diện tích hơn 41.000ha. Ðây là nơi có diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất khu vực ĐBSCL, tập trung chủ yếu ở huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Empty

Cà Mau sẵn sàng huy động số lượng lớn nhân lực khi có cháy rừng. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều năm liên tục, Cà Mau là điểm sáng ở khu vực và cả nước khi rất ít để xảy ra cháy rừng vào những tháng khô hạn. Có được kết quả trên, một phần rất lớn nhờ tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Ông Ngô Văn Tuấn, 66 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho biết: "Mấy chục năm nay sống trong rừng, rừng giúp chúng tôi phát triển kinh tế, chúng tôi coi rừng là tài sản chung. Do đó, người dân trong xóm đã ký phối hợp 5 năm với chính quyền và chủ rừng trong việc bảo vệ rừng mùa khô. Chúng tôi tự nguyện cam kết không đốt đồng, không chặt phá cây rừng, không lấy mật ong và săn bắt động vật hoang dã trái phép, tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng".

Ðược giao quản lý, bảo vệ gần 50% lâm phần rừng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong mùa khô 2022 - 2023, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đưa vào vận hành 18 tổ máy bơm các loại, 27 chòi quan sát lửa cùng với 38 vỏ lãi, hàng chục nghìn mét vòi chữa cháy cùng nhiều thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Empty

Lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có diện tích hơn 41.000ha. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết: Tại cửa rừng, các tuyến đường lưu thông thủy, bộ xuyên rừng và các khu vực trọng điểm dễ cháy, đơn vị cắm biển tuyên truyền, cảnh báo cháy theo từng thời điểm để cảnh báo và nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời, xây dựng phương án một số tình huống giả định chữa cháy rừng cấp cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ" và tình huống cháy phức tạp nhất cần phải xin Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô 2022 - 2023 kéo dài từ tháng 12/2022 - 5/2023, nhiệt độ trung bình tại khu vực Nam Bộ thấp hơn trung bình năm trước khoảng 0,5 độ C. Riêng khu vực rừng tràm U Minh Hạ dự báo mùa khô năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: "Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, các đơn vị chủ rừng luôn trong tâm thế sẵn sàng với hơn 530 nhân lực luân phiên ứng trực tại 69 chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể huy động lực lượng lên đến hơn 5.000 người nhằm khống chế và dập tắt ngay đám cháy khi mới khởi phát cháy…".

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất