| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Chủ Nhật 01/12/2024 , 15:58 (GMT+7)

Cà Mau Cà Mau sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn, do phụ thuộc vào mùa vụ. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã có 161 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 132 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, có 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận cấp tỉnh, 42 sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận cấp khu vực và 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận cấp Quốc gia.

Các chủ thể đã đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP..., nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, các sản phẩm OCOP của Cà Mau mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng.

Bà Mai Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết: Tài Thịnh Phát đã xây dựng một lộ trình từ nuôi trồng, cho đến người tiêu dùng, để làm sao mang được cái giá trị của vùng nguyên liệu. Làm sao để người nông dân hiểu là họ đang làm đúng, để họ thấy họ đang làm gì và sẽ đạt được gì. Người tiêu dùng có thể cảm nhận được chất lượng thực sự của sản phẩm. Từ đó có thể gắn kết được các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ hệ sinh thái.

Các sản phẩm OCOP của Cà Mau được Co.op Mart cam kết quảng bá. Ảnh: Trọng Linh.

Các sản phẩm OCOP của Cà Mau được Co.op Mart cam kết quảng bá. Ảnh: Trọng Linh.

HTX Tài Thịnh Phát Farm đến nay đã sản xuất hơn 10 sản phẩm ở 3 nhóm chính như: sản phẩm đông lạnh, sản phẩm sơ chế và sản phẩm chế biến sâu. Các sản phẩm chủ yếu theo thời vụ như: cá kèo vuông, tôm sú, tôm đất, tôm bạc đông lạnh… Trong đó, các sản phẩm đã được chứng nhận 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP 3 sao vào các năm 2022 -2023. Danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2021. Mỗi tháng Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm tiêu thụ từ 10 - 15 tấn nguyên liệu đầu vào, doanh thu hàng tháng lên đến hơn 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương.

"Với mong muốn là xây dựng một vùng nguyên liệu phát triển cho người dân, tạo sinh kế cho người dân, tạo một vùng nuôi trồng tự nhiên, giữ gìn hệ sinh thái ngập mặn của Cà Mau. Định hướng phân ra vùng nào trồng rừng nuôi thủy sản, vị trí nào trồng những loại cây chống biến đổi khí hậu", bà Trang chia sẻ.

Cùng với đó, HTX Cái Bát đã được cấp chứng nhận ISO 9001:2015 (ngày 26/12/2023) cho nhà xưởng sơ chế và chế biến-sản xuất. Đặc biệt là HTX có vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và chứng nhận hữu cơ, được đánh giá vùng nuôi tôm, cua an toàn thực phẩm, các ao nuôi truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu.

Hiện, HTX Cái Bát có 5 sản phẩm: chả cá rô phi (OCOP 3 sao), cua sống (OCOP 3 sao), bánh phồng tôm (nâng OCOP 4 sao), tôm khô (nâng OCOP 4 sao). Riêng tôm sú đông (OCOP 4 sao) được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ĐBSCL năm 2023, sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Ông Nguyễn Hoàng Ân - Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát, cho biết: “Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, các thành viên của HTX luôn kiên định việc lấy vùng nuôi là điều kiện quan trọng nhất để tạo ra nguyên liệu làm nên sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP làm ra được tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Cà Mau, TP.Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... Đặc biệt là có mặt trong siêu thị AEO ở Long Biên, Hà Đông…”.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, Saigon Co.op đã có những hoạt động hỗ trợ tích cực để giúp tỉnh Cà Mau nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng như tôm, cua, cá và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi không chỉ là đơn vị phân phối, mà còn là đối tác chiến lược trong việc phát triển chuỗi cung ứng và hỗ trợ các hợp tác xã trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP.

Nông dân thu hoạch bồn bồn tại huyện Cái Nước. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân thu hoạch bồn bồn tại huyện Cái Nước. Ảnh: Trọng Linh.

"Thời gian tới, Co.opmart tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã của Cà Mau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ để cải thiện năng suất, giảm chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cũng sẽ mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho người sản xuất, giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, cũng như cách thức để quản lý và phát triển sản phẩm bền vững”, Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau cam kết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau còn gặp khó khăn, chưa đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối, bán lẻ do còn phụ thuộc vào mùa vụ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung.

Điều này khiến cho các sản phẩm chưa thể phát huy hết tiềm năng, khó mở rộng thị trường và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các kênh phân phối lớn.

Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Cà Mau luôn tiếp tục kiếm thị trường mới để thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, kết nối với các kênh phân phối hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới. 

Đồng thời, các hoạt động hội nghị kết nối trực tiếp tại Cà Mau còn giúp các doanh nghiệp, đối tác và nhà phân phối hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất, giá trị sản phẩm của Cà Mau. Qua đó, giúp các doanh nghiệp Cà Mau nắm bắt kịp thời các thông tin, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới, từ đó tạo cơ hội cho các bên hợp tác kinh doanh và trở thành các đối tác chiến lược trong tương lai.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025