Sáng nay, 10/12 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác tiếp tục đi kiểm tra IUU, truy suất nguồn gốc, phòng chống dịch bệnh động vật và tái đàn heo tại tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, chiều 9/12 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình triển khai chống khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU), chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đã giảm nhiều so với các năm trước. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, có 5 tàu/45 thuyền viên (trong đó, Thái Lan 4 tàu/37 thuyền viên và Malaysia 1 tàu/8 thuyền viên) vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 950 vụ vi phạm, với số tiền thu phạt hơn 14,8 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vào năm 2019, với số tiền xử phạt trên là 1 tỷ đồng (tàu cá đã bị nước ngoài tịch thu).
Theo ông Châu Công Bằng, khó khăn nhất của tỉnh trong chống khai thác IUU hiện nay là: Khi tàu cá bị nước ngoài bắt, không có điều kiện xác minh do ngư dân vô ý hay cố ý xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản. Cũng có một số trường hợp đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam thì bị tàu nước ngoài áp giải vào vùng biển của họ rồi lập biên bản bắt giữ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, yêu cầu tỉnh Cà Mau cần tiếp tục quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật, đồng thời kiểm tra chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định khai thác IUU, đặc biệt là những trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng thủy sản hơn nữa, tập trung vào vùng nuôi, nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản.
Về chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cũng yêu cầu địa phương chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hợp tác phát triển cùng các hộ chăn nuôi thành vùng tập trung. Tái đàn hợp lý, đặc biệt phát triển vùng nuôi có nhiều tiềm năng.
Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với 1.385/1.500 tàu cá, đạt 92,15%. Còn lại 115 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 74 tàu nằm bờ tạm ngưng hoạt động do không hiệu quả, 41 tàu đang hoạt động lâu ngày trên biển chưa vào bờ.