Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công tác tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp nhằm mang lại kết quả chống khai thác IUU từ tuyên truyền đến biện phát xử lý, xử phạt hành chính.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, hiện nay các chủ tàu đã chú trọng xem việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo đó, nếu tính đến tháng 8/2020 chỉ có khoảng 79% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thì đến giữa tháng 11/2020 đã có khoảng 1.380/1.640 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu dài từ 15m trở lên), đạt trên 84%.
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện tỉnh Cà Mau hiện có 5 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính mất kết nối: chưa đóng phí vệ tinh, lỗi do kỹ thuật và phổ biến hơn cả là lỗi chưa xác định được nguyên nhân. Việc chưa xác định được nguyên nhân mất kết nối đã gây khó khăn cho điều tra, xác minh, vì không thể xác định lỗi mất kết nối do nhà mạng hay ngư dân cố tình che chắn thiết bị, để ra khơi đánh bắt nhằm thu lợi bất chính”.
Theo ông Chính, công tác tổ chức giám sát tàu cá được thực hiện chặt chẽ, đã phân quyền trên 60 tài khoản giám sát đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, số lượng tàu cả mất tín hiệu kết nối vệ tinh do không đóng cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình thường xuyên ở mức cao.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 đã tạo thêm sức ép đối với kinh phí vươn khơi, bám biển của phần lớn ngư dân tỉnh Cà Mau. Do vậy, các chủ tàu cá đang rất cần sự hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, đã chỉ đạo các địa phương cần tổng điều tra phương tiện trên địa bàn, có kết quả báo cáo nhanh về các phương tiện khai thác ven bờ. Trên cơ sở số liệu báo cáo, phương tiện nào đã được cấp phép đến nay hết hạn thì đăng ký lại. Còn phương tiện thuộc ngành nghề không được phép hoạt động mà đang khai thác. Sở NN-PTNT cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và không cho phát sinh phương tiện mới, hướng đến chuyển đổi ngành nghề.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Cà Mau thực hiện là tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu ra, vào cảng, đồng thời giám sát sản lượng qua cảng; kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tàu cá cố tình đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở TT-TT, Sở Tài chính, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan rà soát Kế hoạch hành động của tỉnh Cà Mau đến năm 2025 "ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
Theo thống kê, năm 2018, Cà Mau có 19 trường hợp tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau, vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Đến năm 2019 giảm xuống còn 12 trường hợp. Từ đầu năm 2020 đến nay chỉ có 5 trường hợp.