Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, tính đến cuối tháng 8/2020, tỉnh đã xử phạt 27 vụ/47 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số tiền xử phạt hơn 19,4 tỷ đồng và tịch thu 30 tàu cá. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP là 19 vụ vụ/34 tàu cá, với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Biên phòng xử lý 8 vụ/13 tàu, với số tiền 665 triệu đồng.
Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vẫn còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, hiện Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất cả nước (chiếm hơn 50%), xảy ra nhiều năm liền và chưa có dấu hiệu giảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng số tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý lên đến 58 tàu. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) khẳng định sẽ không rút lại cảnh báo “thẻ vàng” đã áp dụng đối với thủy sản Việt Nam nếu còn tàu cá vi phạm, dù chỉ 1 tàu.
Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đánh dấu tàu cá là hai trong số những công cụ quan trọng để quản lý hoạt động khai thác trên biển của tàu cá. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đạt lộ trình đề ra theo quy định hiện hành. Tính đến hết tháng 8/2020, toàn tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.480/3.864 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, đạt 90%.
Trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên là 587/603 tàu, đạt 97%, còn lại là tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m. Về đánh dấu tàu cá, đã thực hiện được 4.903/9.871, đạt gần 50% tổng số tàu cá của tỉnh. Trong đó, riêng nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên là 603/603 tàu, đạt 100% tàu.
Qua công tác kiểm tra, giám sát hành trình tàu cá thời gian qua, đã phát hiện nhiều trường hợp tắt thiết bị, tháo thiết bị gửi sang tàu, phương tiện khác, việc niêm phong kẹp chì thiết bị của nhà cung cấp dịch vụ có vấn đề.
Kiên Giang cũng đã triển khai kế hoạch phối hợp kiểm tra liên ngành việc khai thác thủy sản ở vùng khơi với Chi cục Kiểm ngư vùng V và Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Cà Mau. Qua đó, đã phát hiện nổi lên hiện tượng tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác hoặc bỏ trôi nổi trên biển. Tàu cá không đủ điều kiện cập cảng chỉ định về cập cảng và lên hàng tại cảng Sông Đốc (Cà Mau). Đặc biệt là phát hiện 1 trường hợp “tàu ma”, không có bất cứ loại giấy tờ nào. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định.