Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL cho biết, có tình trạng nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng nhiều, gây tốn kém, lãng phí hoặc cũng có nơi tổ chức quá đơn giản, thiếu trang trọng.
“Do đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nói.
Nghị định 111 năm 2018 của Chính phủ được ban hành mới đây nêu rõ: Điều kiện công nhận ngày truyền thống khi có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với Bộ, ngành, địa phương. Việc công nhận phải qua bước thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền công nhận quy định cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm năm tròn vào một trong các ngày: ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Đối với việc kỷ niệm năm khác thì không tổ chức lễ kỷ niệm, chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua.