| Hotline: 0983.970.780

'Cà phê Công' - Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ ở Bình Phước

Thứ Hai 11/06/2018 , 06:20 (GMT+7)

Năm 2017, dự án “Chiến binh cà phê” của Công đã chính thức khởi động, khẳng định thương hiệu cà phê nguyên chất Bình Phước. Rất nhiều tiệm “Cà phê Công di động” xuất hiện trên thị trường...

Mỗi năm thương hiệu “Cà phê Công” cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cà phê thành phẩm. Công đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ ở Bình Phước và các tỉnh phía Nam.

13-31-33_cong_e
Công pha chế cà phê bằng bí quyết riêng

Lê Hoàng Công (32 tuổi) sinh ra tại vùng quê nghèo Bình Phước. Đang là sinh viên ĐH Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh, Công đành bỏ học vì gia đình quá khó khăn. Anh về vùng đồi núi Bình Phước để lập nghiệp. Sau quãng thời gian đầy gian khổ, Công quyết định gắn bó với nghiệp kinh doanh cà phê sạch. "Cà phê Công" - một thương hiệu quen thuộc ở thị xã Đồng Xoài và Bình Phước được nhiều người tiêu dùng biết tới và ưa chuộng. Tại đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Công được Trung ương Đoàn tuyên dương, khen thưởng.

Trong chiếc áo đen “truyền thống” mang thương hiệu “Cà phê Công”, anh nở nụ cười đôn hậu, hiền lành. “Em luôn mặc áo công ty để tuyên truyền mọi người biết về thương hiệu cà phê Bình Phước. Đó cũng là niềm tự hào, động lực để em phấn đấu trong thời gian tới”, Công chia sẻ. Anh mới giao hàng cho khách nên trong nụ cười chào hỏi còn lấp ló niềm vui của công việc.

Sau khi về quê lập nghiệp, Công dồn vốn kinh doanh cà phê sạch với phương pháp tự rang, xay. "Em mua cà phê khô, lặn lội lên Sài Gòn tìm thầy học cách rang. Rang cà phê rất khó, khi đóng máy, tất cả tối hù, mình chỉ có thể rang cà phê bằng cảm giác và đam mê, hy vọng. Nói thì ngắn gọn nhưng thực chất đó là cả một quá trình phấn đấu miệt mài, bền bỉ”, Công nói.

Dường như có duyên với cà phê nên Công học khá nhanh, lại kiếm được thầy rất tận tâm, nhiệt tình. Sau một thời gian ngắn, Công quyết tâm đầu tư mở xưởng chế biến, đặc biệt là công thức tuyển chọn nguyên liệu, rang cà phê.

Mỗi năm Công đưa ra thị trường khoảng trên 40 tấn cà phê thành phẩm. "Cà phê Công" có mặt tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Bình Phước. Ngoài ra, Công còn tiếp thị sản phẩm đến khắp các tầng lớp khách hàng từ cao cấp đến bình dân thông qua dịch vụ cà phê di động, tạo việc làm và thu nhập cho những bạn trẻ ưa thích kinh doanh nhưng vốn ít.

Sau khi đã thạo nghề "rang, đảo", Công bắt đầu chú trọng việc tìm nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên. Việc tìm nguyên liệu sạch, ngon sẽ quyết định rất nhiều đến chất lượng sản phẩm của mình, vì vậy đây cũng là khâu đặc biệt cần chú trọng. Tuy nhiên sau nhiều lần tìm kiếm, thử nghiệm và so sánh, cuối cùng Công chọn nguyên liệu trên chính quê hương mình.

“Cà phê Bình Phước có hương vị riêng, rất riêng mà chỉ khi thưởng thức người dùng mới nhận ra. Tôi chọn Bình Phước để lập nghiệp nên hy vọng sẽ hình thành nên mặt hàng nông sản mang thương hiệu riêng nơi đây”, Công chia sẻ. Dự định của Công có thể quy hoạch vùng nguyên liệu tại huyện Bù Đăng trong thời gian tới.

Năm 2014, sản phẩm cà phê sạch của Công được tung ra thị trường với thương hiệu “Công cà phê”. Năm 2015, thương hiệu "Công cà phê" là đại diện của tỉnh Bình Phước tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 5 tại thành phố Buôn Mê Thuột.

13-31-33_cong_e_2
Công bên chiếc máy rang cà phê - công đoạn quan trọng để một mẻ cà phê ngon, chất lượng

Hiện tại thương hiệu "Công cà phê" đã có mặt rộng khắp ở Bình Phước và nhiều tỉnh phía Nam. Chia sẻ về thành công của mình, Công vui vẻ: “Mơ ước và khát vọng của mình cuối cùng cũng đã thành hiện thực, tôi sẽ phấn đấu đưa thương hiệu Bình Phước tiến sâu vào thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu”.

Sản phẩm “cà phê Công” gồm nguyên liệu chủ yếu là hạt cà phê Bình Phước. Bên cạnh đó có kết hợp với cà phê của Đăk Lăk, Lâm Đồng theo tỷ lệ nhất định. “Hạt cà phê tỉnh Bình Phước tuy nhỏ nhưng có hương vị đặc trưng riêng. Cà phê Lâm Đồng có mùi thơm và vị chua nhẹ. Cà phê Đăk Lăk đậm đặc. Ba hương vị cà phê hòa quyện vào nhau tạo nên vị riêng biệt lôi cuốn và hấp dẫn cả những khách hàng khó tính”, Công phân tích.

Năm 2017, dự án “Chiến binh cà phê” của Công đã chính thức khởi động, khẳng định thương hiệu cà phê nguyên chất Bình Phước. Rất nhiều tiệm “Cà phê Công di động” xuất hiện trên thị trường mà không cần vốn nhiều, không cần mướn mặt bằng và nhân viên. Công cho biết loại hình kinh doanh của anh sẽ xuất hiện ở phía Nam và nhân rộng ra toàn quốc.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm