| Hotline: 0983.970.780

Cá tra cao giá, nông dân hững hờ

Thứ Năm 04/11/2010 , 11:06 (GMT+7)

Đó là nghịch lý chưa từng xảy ra ở ĐBSCL. Nông dân ta có thói quen cây, con nào lên giá là nhắm mắt lao vào nuôi, trồng. Thế mà với cá tra thì không. Lạ nhỉ?

Đó là nghịch lý chưa từng xảy ra ở ĐBSCL. Nông dân ta có thói quen cây, con nào lên giá là nhắm mắt lao vào nuôi, trồng. Thế mà với cá tra thì không. Lạ nhỉ?

Giá cao nhất nhiều năm qua

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Cty CP Thuỷ sản Gò Đàng (Tiền Giang), giá cá tra đang liên tục tăng mạnh trong những ngày qua. Ở những nơi mà các DN còn nguyên liệu tự nuôi hay dự trữ trong kho thì giá cá tra nguyên liệu loại 1 vào khoảng 18.800 đ/kg. Còn ở những nơi DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá dân nuôi hoặc đã cạn nguồn cá dự trữ, giá đã lên tới 19.300 đ/kg. Đây là mức giá thu mua cá tra cao nhất trong nhiều năm qua.

Giá cá tra tăng mạnh, trước hết là do sản lượng cá tra năm nay giảm nhiều khi tính chung toàn khu vực ĐBSCL, có khoảng 30% diện tích đã không được thả nuôi. Trong khi đó, những tháng cuối năm này, nhu cầu nhập khẩu cá tra lại đang tăng mạnh ở nhiều thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng đang có tác động không nhỏ tới việc giá cá tra tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Đạo tổng kết, khi thấy giá cá tăng, nhiều hộ nuôi đã “ghìm” ao lại, không vội bán cá ra. Các DN, nhất là những DN chưa tổ chức tự nuôi cá tra, lại sợ thiếu hụt nguyên liệu, vội vã giành mua cá bằng cách nâng giá thu mua lên. Vì thế, giá cá tra cứ tăng liên tục.

Do thiếu hụt nguyên liệu, hiện nay, nhìn chung các DN chế biến cá tra ở ĐBSCL chỉ hoạt động được 40-50% công suất. Những DN đã chủ động nuôi cá tra thì còn đỡ. Chẳng hạn, ở Cty Gò Đàng năm nay đã tổ chức nuôi trên diện tích 80 ha, đạt tổng sản lượng 18.000 tấn, đáp ứng được 60% nhu cầu nguyên liệu cả năm. Vì thế, đến giờ này, Gò Đàng vẫn đang cầm cự được bằng nguồn nguyên liệu tự có.

 Còn những DN, nhất là DN nhỏ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cá nguyên liệu trên thị trường thì đang lâm vào tình cảnh phải đóng cửa sản xuất hàng loạt. Bởi với giá cá như hiện nay, DN phải xuất khẩu được bình quân với giá 2,9 USD/kg thì mới hoà vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Nhưng trên thực tế, giá xuất khẩu cá tra bình quân hiện nay, dù đã cao hơn nhiều so với đầu năm nay, nhưng cũng chỉ mới đạt mức khoảng 2,75 USD/kg. 

Dân ngại nuôi

Ở nước ta, lâu nay, thông thường mỗi khi một mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản nào đó đang trở thành hàng “nóng”, ngay lập tức nông dân sẽ đổ xô vào sản xuất mặt hàng đó. Thế nhưng điều đó lại đang không xảy ra với con cá tra, mặc dù vào thời điểm này, nếu bán được với giá khoảng 19.000 đ/kg, nông dân có khoản lời rất hấp dẫn từ 2.000-2.500 đ/kg.

Nguyên nhân trước hết là do sau nhiều lần thất bại, nhiều nông dân đã sợ hãi. Ông Võ Văn Đệ, một người từng là nông dân giỏi trong nghề nuôi cá tra ở Thới Bình B (Thuận An, Thốt Nốt, Cần Thơ), lý giải: “Nuôi cá tra kéo dài 7- 8 tháng trời. Ai biết đến lúc thu hoạch, giá có còn cao như thế này không, hay lại tụt xuống? Nông dân chúng tôi chưa bao giờ chủ động được giá bán cá tra. Đến lúc thu hoạch, DN đưa giá nào đành phải bán với giá đó, nhiều lần thua lỗ nặng nề”.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi chất lượng lại giảm, khiến cho chi phí sản xuất cá tra đã đội lên khá nhiều so với trước đây, cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nuôi ngại ngần. Anh Phạm Văn Ngọc, nông dân nuôi cá tra ở Lấp Vò (Đồng Tháp), than thở: “Trước đây, để đạt được 1kg cá tra, chỉ cần khoảng 1,5-1,6 kg thức ăn, nhưng nay phải dùng tới 1,8- 2 kg”.

Theo nhận định của VASEP, trong năm tới sản lượng cá tra có thể giảm tới 30%, và các NM sẽ còn chịu cảnh thiếu nguyên liệu ở mức trầm trọng kéo dài trong nhiều tháng tới. Tuy nhiên, việc giảm sản lượng như trên cũng là cơ hội để góp phần làm tăng giá xuất khẩu lên, tất nhiên là với sự đồng thuận cao của các DN cá tra.
Bà Nguyễn Thị Bình, nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) ngao ngán: “Giá thức ăn hiện nay khoảng 8.700 đ/kg. Tính ra giá thành khoảng 16.500 đ/kg, với giá bán 18.000-19.000 đ/kg, thì đúng là nông dân chúng tôi lời khá. Nhưng giá thức ăn có chịu nằm yên như vậy đâu, mà cứ tăng hoài. Bây giờ thả nuôi, 7- 8 tháng sau mới thu hoạch, chẳng biết trong thời gian ấy, giá thức ăn còn tăng đến cỡ nào. Không chừng đến lúc thu hoạch, cứ cho là giá bán cá vẫn vững như hiện giờ, nhưng nông dân cũng chẳng có lãi vì giá thức ăn đã cao hơn giờ nhiều”.

Hạn chế lớn nhất đối với người nuôi cá tra hiện nay là vốn liếng. Theo tính toán của những người nuôi cá tra lâu năm ở ĐBSCL, để nuôi được 100 tấn cá tra, phải có trong tay ít nhất 1,6- 1,8 tỷ đồng. Mấy năm trước, khi con cá tra đang ở vào thời điểm hoàng kim, thì khoản đầu tư như trên là chuyện nhỏ. Nếu trong nhà không đủ tiền, nông dân chỉ cần làm hồ sơ ra ngân hàng là được đáp ứng liền. Nhưng suốt từ năm 2008 đến giờ, người nuôi cá tra lỗ nhiều hơn lãi, nhiều hộ đang phải nợ nần ngân hàng, nợ đại lý thức ăn, vật tư thuỷ sản..., với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Vốn liếng trong nhà chẳng còn, cánh cửa ngân hàng thì gần như đã khép lại. Ông Võ Văn Năm, nông dân ấp Thới Bình 2 (phường Thuận An, Thốt Nốt, Cần Thơ), cho biết trong năm 2009, ông bị thua lỗ tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng, đến giờ dù đã bán đi những tài sản có giá trị trong nhà nhưng ông vẫn chưa trả được hết chỗ nợ đó cho ngân hàng. Do đó, suốt từ đầu năm đến giờ, ông Năm đã đi gõ cửa hàng chục ngân hàng nhưng chẳng vay được đồng nào để tái nuôi cá tra.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm