Nông dân sẵn sàng cho mùa vụ mới |
Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.500 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, bình quân năng suất đạt 350 tấn/ha. Diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Giá cá tra đang ở mức 28 - 30 nghìn đồng/kg, tăng 5 - 7 nghìn đồng/kg so với vài tháng trước, người nuôi có thể thu lợi nhuận từ 3 - 5 nghìn đồng/kg.
Tân Hồng là địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với tổng diện tích hơn 580ha, trong đó, cá tra thương phẩm hơn 179 ha và cá tra giống hơn 236 ha... Trong 9 tháng đầu năm huyện đã thả nuôi và thu hoạch 38.029/36.000 ha, đạt 106% kế hoạch, gồm: cá tra 35.923 tấn, các loại khác 999 tấn.
Ông Phan Thanh Xuân - Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho biết, để phát triển ngành cá tra cần làm tốt công tác sản xuất đến tiêu thụ phải đạt chuẩn có chứng nhận mới là hướng đi bền vững. Huyện đã hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi không sử dung kháng sinh, ao nuôi sạch có xử lý môi trường và phải ghi sổ tay để quản lý. Nhiều hộ đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo người nuôi có lãi.
Cá tra tăng giá mạnh nông dân phấn khởi |
Thị trường cá tra giống cũng nhộn nhịp hẳn lên. Toàn huyện Hồng Ngự có 53 cơ sở sản xuất cá tra bột (giảm trên 20 cơ sở so với năm 2015), trong đó có 31 cơ sở nuôi cá bố mẹ được chuyển giao công nghệ chất lượng di truyền cao. Hàng năm cung ứng ra thị trường gần 500 triệu con giống và 10 tỷ con cá tra bột phục vụ cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trong, ngoài tỉnh. Hiện giá cá tra giống loại 30 - 40 con/kg, được thu mua khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này người nuôi có lãi trên 10.000 đồng/kg.