Thông tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện tại cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của đơn vị chủ đầu tư dự án điện gió ở Đắk Song liên quan tới vấn đề giao đất, cho thuê đất. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp lý liên quan, chỉ sau khi có quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp này là UBND tỉnh Đắk Nông, cơ quan tham mưu là Sở Tài nguyên và Môi trường) và được bàn giao ranh giới trên thực địa, thì đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công mới đủ điều kiện về đất đai để khởi công xây dựng công trình.
Chính vì vậy, việc các dự án điện gió của đại gia Đỗ Lê Quân thi công công trình trong trường hợp này là vi phạm Luật Đất đai và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan. Cụ thể là tại các Điều 57, Luật Đất đai năm 2013; Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo quy định, hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất đai trước khi vi phạm và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Mặt khác, Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện gió, dự án điện gió chỉ được khởi công và thi công xây dựng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, yêu cầu về bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện bao gồm: thứ nhất, hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành; thứ hai, có hợp đồng mua bán điện đã ký với bên mua điện và thứ ba, có hợp đồng cung cấp tài chính, cam kết về nguồn vốn để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình đúng với tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình (điều 7, về Điều kiện khởi công và thi công xây dựng công trình dự án điện gió, Thông tư 02).
Tất cả những quy định này đều bị chủ đầu tư là các doanh nghiệp đứng tên đại gia Đỗ Lê Quân phớt lờ.
Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, chỉ trong một ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc (ông Đỗ Lê Quân được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội) gồm các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung: 1, 2, 3 . Tổng mức vốn đầu tư các dự án này là hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.
Dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, chưa biết sẽ phải thu hồi bao nhiêu đất, tại những vị trí nào nhưng chủ đầu tư đã triển khai hàng loạt hạng mục công trình, tiến hành thực hiện dự án bất chấp phản đối của người dân địa phương.
Ngoài việc tố cáo chính quyền đồng ý cho doanh nghiệp cắm nhà máy xuống đất sản xuất nông nghiệp tươi tốt của bà con, những người dân địa phương trong vùng dự án còn cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 trái với quy định của Bộ Công thương tại Thông tư ngày 6/3/2020: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m.
Thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét.
Trong quá trình lấy ý kiến thực hiện các dự án điện gió ở Đắk Song, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra vị trí nghiên cứu đề xuất các dự án, đa số diện tích đất thu hồi có thời hạn để thực hiện các dự án điện gió nêu trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của các hộ dân, vì vậy có hai hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu đấu thầu sẽ đảm bảo công khai minh bạch nhưng sẽ rất mất thời gian và thế là cả 6 dự án ở Đắk Song đều được thực hiện theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư.