| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên

[Bài 3] Điểm nóng Đắk Song

Thứ Năm 22/04/2021 , 10:00 (GMT+7)

Chủ trương cho phép doanh nghiệp mua bán đất với người dân ở các dự án điện gió tại Tây Nguyên khiến người dân mất đất sản xuất, bức xúc xẩy ra ở nhiều nơi.

Người dân xã Thuận Hà tụ tập phản đối Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân xã Thuận Hà tụ tập phản đối Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3. Ảnh: Minh Hậu.

Dân tố dự án làm trái Thông tư của Bộ Công thương

Cũng giống như Ea H'leo ở Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông có tham vọng biến huyện Đắk Song trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của địa phương.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án điện gió ở Đắk Song với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc có khoảng gần 300 ha đất, trong đó chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp ở Đắk Song phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án năng lượng.

Chiếm công suất và diện tích đất lớn nhất là các dự án đứng tên ông Đỗ Lê Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội với công suất thiết kế 300 MW và khoảng gần 200 ha đất.

Chỉ trong một ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc gồm Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 tương ứng với các chủ đầu tư Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1,2,3 với tổng mức vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.

Mặc dù theo Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương về vấn đề quản lý sử dụng đất trong các dự án điện gió quy định rõ ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống… nhưng thực tế diễn ra ở Đắk Song với các dự án của ông Đỗ Lê Quân lại không phải như vậy.

Từ chính quyền các cấp đến người dân ở đây đều thừa nhận, với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi Đắk Song là vùng sản xuất nông nghiệp tươi tốt hàng đầu không chỉ đối với tỉnh Đắk Nông mà còn với cả khu vực Tây Nguyên.

Có lẽ chính vì vậy, khi các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 đã liên tiếp xẩy ra những cuộc xung đột giữa những người nông dân mất đất với đơn vị thi công. Người dân liên tục tụ tập đông người phản đối dự án, ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc, thiết bị vào khu vực thực hiện dự án, thậm chí còn xẩy ra xô xát. Họ cho rằng đã bị chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án điện gió “đánh úp” khi trước đó không hề có bất cứ thông tin gì.

Có nhiều hộ dân cảm giác bị lừa vào thời điểm dự án gần triển khai có nhiều người đến mua đất nói là để thực hiện dự án trồng cây dược liệu nhưng sau đó lại trở thành các trụ tuabin của điện gió.

Người dân cho rằng chủ đầu tư cố tình làm trái quy định của Bộ Công thương. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân cho rằng chủ đầu tư cố tình làm trái quy định của Bộ Công thương. Ảnh: Minh Hậu.

Xã biên giới Thuận Hà vốn là vùng kinh tế mới của những người dân từ Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình) cùng một số địa phương khai hoang từ những năm 1986. Sau mấy mươi năm khai phá, đến nay, đây có thể xem là vùng đất trù phú bậc nhất huyện Đắk Song.

Ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà, người gốc Thái Bình nói, ngày trước vận động dân lên đây khai hoang một phần là để sản xuất, một phần là để gìn giữ biên cương biên giới. Nếu hồ tiêu không bị bệnh, rớt giá thì Thuận Hà đã là xã tỷ phú khó có nơi nào bì kịp.

Bên các xã Thuận Hạnh, đặc biệt là Nâm N’Jang cũng vậy, đều là những nơi từ lâu nổi tiếng với rất nhiều đại gia giàu có từ sản xuất nông nghiệp, trồng tiêu, cà phê…

Chính Chủ tịch UBND xã Thuận Hà thừa nhận những bất cập của chủ trương cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người dân để mua bán đất thực hiện dự án. Bất cập của chủ trương vừa thi công vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý khiến chính quyền sở tại hoàn toàn không có cơ sở để giám sát, tạo nên những bức xúc trong nhân dân.

Dù xã chưa nắm đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, chưa biết sẽ phải thu hồi bao nhiêu đất, tại những vị trí nào nhưng chủ đầu tư đã triển khai hàng loạt hạng mục công trình. Nghe nói trong số 81 trụ tuabin gió có khoảng 42 trụ năm trên địa bàn xã Thuận Hà. Đất đai ở đây chủ yếu thuộc đất nông lâm trường thời trước, theo quy định thẩm quyền chuyển đổi phải thuộc tầm Trung ương, bây giờ tỉnh, huyện quyết tâm thực hiện dự án thì xã phải theo thôi.

Đang dang dở câu chuyện với chúng tôi, ông Nhất xin phép phải vào thôn 8, một điểm nóng mới khi người dân đang tụ tập phản đối chủ đầu tư đưa máy móc vào xây dựng dự án điện gió.

Tại hiện trường, có khoảng 100 người dân xã Thuận Hà đang vây ráp chiếc xe trọng tải lớn chở trụ điện của chủ đầu tư. Mặc dù doanh nghiệp đã thuê lực lượng an ninh đến để bảo vệ nhưng đông đảo nhân dân Thuận Hà nhất quyết không cho xây dựng.

Theo người dân, từ nhiều tháng trước chủ đầu tư đã kéo máy móc vào đào núi, bạt đồi để xây dựng trụ điện gió. Đến nay, nhiều đoạn đường trong vùng đã được khơi thông, rải đá cấp phối hoặc láng nhựa để xe tải trọng lớn vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng điện gió ra vào. Ở nhiều vị trí trước đây vốn là ruộng vườn của người dân bây giờ đã bị doanh nghiệp dùng máy san ủi, đào bới và đóng các ống bê tông cốt thép loại lớn sâu xuống lòng đất hàng mấy chục mét để làm móng trụ cho tuabin điện gió.

Ngăn cản không cho chủ đầu tư thực hiện dự án vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ảnh: Minh Hậu.

Ngăn cản không cho chủ đầu tư thực hiện dự án vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi có biết gì về dự án điện gió đâu. Nhiều người đến hỏi mua đất để thực hiện dự án trồng thảo dược, dân tình đang điêu đứng vì tiêu xuống giá, khi nghe họ thuyết phục đã bán đất với giá mức giá gần 500 triệu đồng/ha. Nếu biết làm dự án điện gió khiến người dân khổ thế này thì chúng tôi chắc chắn đã không bán rồi”, bà Nguyễn Thị Đậm, người bán 3,4 ha với giá 1,5 tỷ đồng do nhầm lẫn dự án điện gió và dự án trồng thảo dược nói.

Chỗ đất của nhà bà Đậm bây giờ là trụ điện gió số 9, nơi hôm trước vừa mới xẩy ra vụ xô xát giữa người dân và nhiều người lạ mặt khiến một số người bị thương. Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết, người dân xã Thuận Hà viết: Dự án đi qua đất chúng tôi nhưng dân chúng tôi không nhận được bất cứ thỏa thuận bồi thường nào.

Không chỉ bức xúc về vấn đề đất đai, người dân xã Thuận Hà còn cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 còn trái với quy định của Bộ Công thương tại Thông tư ngày 6/3/2020 rằng: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m. Thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét.

Bà Lại Thị Lành, người dân xã Thuận Hà nói: Thuận Hà là nơi có đất đai màu mỡ, người dân canh tác nhiều loại cây trồng và cho thu nhập ổn định. Cuộc sống đang bình yên thì dự án kéo nhau về đào bới, xây dựng điện gió. Các vị trí trụ tuabin đều nằm trong vùng đất trồng trọt của người dân, nhiều trụ nằm ngay sát nhà dân, mỗi lần thi công khiến nhà cửa chúng tôi hư hỏng, thử hỏi dân không bức xúc sao được.

Nhiều người dân cho rằng họ bị lừa bán đất để thực hiện dự án điện gió. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều người dân cho rằng họ bị lừa bán đất để thực hiện dự án điện gió. Ảnh: Minh Hậu.

Chúng tôi không biết việc mua gom đất của dân rồi thi công dự án là đúng hay sai

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, giải đáp các thắc mắc, bức xúc của người dân, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Lê Trọng Yên đã chủ trì cuộc đối thoại giữa các bên ngay tại trụ sở UBND huyện Đăk Song.

Tại buổi đối thoại ngày hôm đó, có hai vấn đề chính người dân yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư làm rõ là phương án bồi thường thu hồi đất thế nào và khoảng cách xây dựng trụ điện gió có đảm bảo theo quy định của Bộ Công thương hay không? Tuy nhiên, theo ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một ngày sau cuộc đối thoại, người dân Thuận Hà tiếp tục tụ tập đông người để cản trở nhà đầu tư thi công. Xe tải hạng nặng chở vật liệu vào vùng dự án bị chặn trong khi công nhân và các máy móc khác ở công trình buộc phải dừng hoàn toàn.

Những người dân xã Thuận Hà cho rằng, cuộc đối thoại của chính quyền đã không giải quyết được triệt để vấn đề người dân bức xúc: “Người dân yêu cầu cơ quan chức năng công khai thông tin về dự án, yêu cầu công tác thi công phải bảo đảm về môi trường, an toàn khu dân cư và đền bù giá đất hợp lý. Đặc biệt phải bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân nằm trong phạm vi 300m tính từ chân trụ tuabin. Tuy nhiên, cuộc đối thoại chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề nên người dân không đồng thuận”.

Yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện đúng pháp luật. Ảnh: Minh Hậu.

Yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện đúng pháp luật. Ảnh: Minh Hậu.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thừa nhận, do sức ép tiến độ dự án nên doanh nghiệp đã tự thỏa thuận, mua bán đất với dân sau đó Nhà nước mới thực hiện thu hồi và cho thuê đất. Còn ông Đồng Văn Giáp, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đăk Song, cơ quan chuyên môn lĩnh vực đất đai cũng không thể khẳng định việc mua bán, thi công của chủ đầu tư là đúng hay sai.

“Các dự án điện khi đầu tư vào địa phương sẽ dẫn đến sự thay đổi về quy hoạch sử dụng đất. Trên thực tế, các vị trí công trình, tuabin điện phải có kế hoạch sử dụng đất và khi khi đưa vào kế hoạch thì UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng thẩm định để xem xét, đánh giá sau đó mới phê duyệt kế hoạch. Trong năm 2020, các vị trí xây dựng công trình điện chưa nằm trong quy hoạch nhưng đến nay đã được điều chỉnh.

Về quy trình thu hồi đất, sau khi có quyết định đầu tư của tỉnh thì chủ đầu tư phải thông tin về diện tích, thửa đất, chủ sở hữu đất, hiện trạng đất, sau đó trên cơ sở đó thì huyện sẽ ban hành thông báo thu hồi. Việc mua bán đất sau đó thi công xây dựng thì chức năng của phòng không thể khẳng định là đúng hay sai được. Trong thời gian tới UBND tỉnh Đắk Nông sẽ có kết luận cụ thể về việc này”.

Trong quá trình lấy ý kiến thực hiện các dự án điện gió ở Đắk Song, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra vị trí nghiên cứu đề xuất các dự án, đa số diện tích đất thu hồi có thời hạn để thực hiện các dự án điện gió nêu trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của các hộ dân, vì vậy có hai hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu đấu thầu sẽ đảm bảo công khai minh bạch nhưng sẽ rất mất thời gian và cả 6 dự án ở Đắk Song đều được thực hiện theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Cần chuyển đổi tư duy quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị

TP.HCM Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới, để chất lượng nông sản thật sự xanh, an toàn và trách nhiệm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.