| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên

[Kỳ 1] Gần 500 lá đơn ở dự án 16.500 tỷ của Tập đoàn Trung Nam

Thứ Hai 19/04/2021 , 08:50 (GMT+7)

Dự án điện gió lớn nhất tỉnh Đăk Lăk đang có những dấu hiệu vi phạm khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam đè lên đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam đè lên đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Minh Hậu.

Chưa chuyển đổi mục đích sử đụng đất đã ào ào xây dựng

Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Đăk Lăk có Quyết định số 3282/QĐ-UBND cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam. Kể từ thời điểm đó đến nay, cả một vùng cao nguyên gồm các xã trong khu vực dự án gồm Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang thuộc huyện Ea H'leo vốn là vùng sản xuất nông nghiệp lâm vào cảnh xáo trộn.

Theo tài liệu Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, Nhà máy Điện gió Ea Nam có công suất thiết kế khoảng 400MW, tổng diện tích sử dụng đất có thời hạn khoảng 140ha, tổng mức đầu tư được công bố 16.500 tỷ đồng.

Quyết định chủ trương đầu tư dự án do ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk ký thể hiện, tiến độ thực hiện dự án phải hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan như đất đai, xây dựng, môi trường… để đủ điều kiện khởi công vào quý I/2021, hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động tháng 10/2021.

Không biết có phải do sức ép từ tiến độ thực hiện dự án hay không mà phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã có những biểu hiện vi phạm ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Ea Nam, nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của dự án của Tập đoàn Trung Nam chia sẻ: Quả là kỷ lục các anh ạ. Chưa khi nào UBND xã Ea Nam lại nhận nhiều đơn thư khiếu nại của bà con, cũng chưa khi nào ban hành nhiều văn bản gửi lên cấp trên để phản ánh tình hình thực tiễn như dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam. Bình quân mỗi ngày xã nhận được hàng chục lá đơn, đến thời điểm này đã có gần 500 lá đơn của người dân phản ánh liên quan đến dự án của Trung Nam.

Xã Ea Nam có khoảng 13.000 dân, sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng cà phê, điều và tiêu. Từ cuối năm ngoái, thời điểm Tập đoàn Trung Nam kéo máy móc về để thực hiện dự án cũng là lúc Ea Nam trở thành điểm nóng. Người dân liên tục tụ tập ngăn cản chủ đầu tư thi công và gửi hàng loạt đơn thư đến các cấp có thẩm quyền.

Căn cứ các quy định của pháp luật, đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất sau đó thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù các thủ tục thuê đất vẫn chưa được thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng phía Tập đoàn Trung Nam đã tiến hành xây dựng rất nhiều hạng mục.

Thống kê sơ bộ chủ đầu tư đã triển khai xây dựng xong nhà điều hành và giải phóng mặt bằng được 58/84 vị trí trụ tuabin, thi công phần cọc dưới móng trụ được 30/84 trụ, móng trụ tuabin được 20/84 trụ…

Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã ào ào xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã ào ào xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Báo cáo của UBND xã Ea Nam cho biết, từ thời điểm dự án chưa được quy hoạch và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Ea H'leo giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư đã đứng ra thỏa thuận mua đất của người dân và tiến hành thi công một số hạng mục công trình như nhà điều hành, trạm biến áp, đường giao thông và trụ tuabin…

Trong quá trình thực hiện dự án, vị trí nhà điều hành dự án và các vị trí trụ tuabin chưa được bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, chưa nằm trong danh mục kế hoạch sử dụng đất của xã Ea Nam. Đặc biệt, các vị trí đều do cá nhân, hộ gia đình phần lớn là nhân viên của công ty đứng ra thỏa thuận mua lại đất của người dân và đứng tên chủ sử dụng đất chứ không phải là công ty đứng tên.

Thậm chí Công ty Trung Nam còn thi công xây dựng trụ tuabin trên diện tích đất lâm nghiệp của xã Ea Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã tự ý thỏa thuận với các hộ dân nhận khoán để san ủi, làm móng trụ số 61 tại thôn 4 với với diện tích 4.378,7m2 đồng thời mở đường qua đất lâm nghiệp vào trụ số 24 thuộc lô rừng tại thôn Ea Đen.

Về lĩnh vực xây dựng, theo chính quyền xã Ea Nam, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công xây dựng công trình của Tập đoàn Trung Nam chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng doanh nghiệp này đã triển khai thi công ồ ạt để đảm bảo tiến độ dự án.

Đặc biệt là vấn đề môi trường. Phải đến ngày 18/3/2021, Tập đoàn Trung Nam mới được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) nhưng từ trước đó chủ đầu tư đã triển khai xây dựng ồ ạt, gây bức xúc trong nhân dân.

Đa số đơn thư phản ánh của người dân xã Ea Nam và kết luận của chính quyền xã thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án Công ty Trung Nam chưa đảm bảo các biện pháp về bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng bụi bẩn, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Việc thực hiện tưới nước làm ẩm đường, ẩm bề mặt khu vực thi công chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó trong quá trình thực hiện dự án công ty không bố trí bãi đổ thải, hiện nay trên địa bàn xã cũng chưa quy hoạch bãi đổ thải. Do đó toàn bộ phần đất dư thừa từ các vị trí tuabin móng của dự án do công ty tự thỏa thuận với các hộ dân trong khu vực có vị trí thấp trũng để đổ thải.

“Việc triển khai thực hiện dự án của Công ty Trung Nam chưa đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và môi trường”, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Ea Nam khẳng định.

Chính quyền tỏ ra bị động, doanh nghiệp làm ào ào, còn hậu quả người dân Ea Nam đang phải gánh chịu.

Một trong những người làm đơn ở xã Ea Nam, ông Nguyễn Tăng Danh ở thôn 2 nói, gia đình ông có 1,5ha trồng cà phê, tiêu, điều đang vào giai đoạn trổ, quá trình Tập đoàn Trung Nam xây dựng dự án, khói bụi bám vào khiến cà phê có nguy cơ mất mùa. Chưa kể mỗi lần chủ đầu tư đóng trụ thì nhà cửa người dân rung lắc dữ dội, bụi bay vào tận từng bữa cơm của người dân.

Còn ông Võ Ngọc Sanh, người bán đất cho chủ đầu tư với đơn giá 100 triệu đồng trên mỗi sào 1.000m2 cũng lo ngại, họ tự thỏa thuận với người dân để mua bán, gặp thời điểm dân sản xuất khó khăn do mất mùa, rớt giá nên dân tưởng bán cho họ làm dự án nông nghiệp mà không biết là bán đất cho công ty xây dựng dự án điện gió.

Người dân xã Ea Nam bức xúc với dự án của Tập đoàn Trung Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân xã Ea Nam bức xúc với dự án của Tập đoàn Trung Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Đi sang các xã Ea Khal, Dliê Yang, những địa phương chịu tác động của dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam cũng chung thực trạng như vậy. Ksor Y Thông, Chủ tịch UBND xã Dliê Yang, nơi Tập đoàn Trung Nam dựng 8 trụ tuabin điện gió nói, người dân ở đây cũng đang phản đối dự án vì giá đền bù thấp.

Theo Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương, về vấn đề quản lý sử dụng đất trong các dự án điện gió thì đất sử dụng có thời hạn của dự án điện gió phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không chồng lấn với các quy hoạch khác đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống… 

Tuy nhiên, khảo sát tại Ea H'leo, nơi Tập đoàn Trung Nam đang triển khai dự án thì dự án không những chồng lấn quy hoạch trước đó mà còn đè lên diện tích đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ của người dân đang canh tác.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời, những năm qua huyện Ea H'leo được xác định phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của tỉnh Đăk Lăk.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế hạ tầng Ea H'leo, thống kê sơ bộ địa phương này hiện đang có 29 doanh nghiệp đầu tư vào phát triển điện gió, trong đó có một dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động là dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE, một dự án đang triển khai của Tập đoàn Trung Nam, số còn lại đang khảo sát và lập hồ sơ. Hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sẽ phải chuyển đổi sang đất năng lượng.

Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng Ea H'leo cho biết, hầu như tất cả các hồ sơ phê duyệt dự án đều ở cấp tỉnh, quá trình thực hiện dự án tỉnh chỉ hỏi huyện đánh giá tác động kinh tế xã hội có phù hợp với địa phương không. Khi thực hiện dự án tỉnh giao, nếu chưa thực hiện quy hoạch thì phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Trở lại với dự án của Tập đoàn Trung Nam, doanh nghiệp này được cấp chủ trương đầu tư vào cuối năm 2020 khi chưa được quy hoạch và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Ea H'leo giai đoạn 2021-2025, chưa điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt… nhưng vẫn cứ ào ào triển khai. Mãi đến nửa cuối tháng 2/2021, UBND huyện Ea H'leo mới có thể ra thông báo điều chỉnh bổ sung 4 dự án nhà máy điện gió vào quy hoạch sử dụng đất.

Ông Bùi Công Lăng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea H'leo gọi cách làm của UBND tỉnh Đăk Lăk và Tập đoàn Trung Nam là vừa chạy vừa xếp hàng, tức là cứ triển khai thực hiện dự án trước còn hồ sơ thủ tục pháp lý hoàn thiện sau.

Thậm chí khi cấp quyết định chủ trương đầu tư UBND tỉnh Đăk Lăk mới yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ Dự án gửi Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để xin thỏa thuận độ cao của các tuabin gió và tuyến đường dây điện theo quy định tại Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Gần 500 hộ dân ở Ea Nam gửi đơn khiếu nại dự án của Tập đoàn Trung Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Gần 500 hộ dân ở Ea Nam gửi đơn khiếu nại dự án của Tập đoàn Trung Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Đăk Lăk, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Trong tổng số vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng thì doanh nghiệp này có vốn góp hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, vốn huy động hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Ngoài dự án Ea Nam, Tập đoàn Trung Nam còn được biết đến là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 (70MW) với tổng vốn đầu tư 3.665 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (30MW), nhà máy thủy điện Krông Nô 3 (18MW), nhà máy điện gió Trung Nam (151,95MW) tại Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh (165MWp).

Tháng 4/2019, Tập đoàn Trung Nam thành lập tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.