Mặc dù các nhà khoa học đã bác bỏ nhiều tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội về cách siêu thực phẩm có thể chống lại virus, nhưng vai trò tích cực của chúng như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh vẫn được thừa nhận rộng rãi.
Trong chiếc khăn trùm đầu màu kem chảy, Karima M. Imam đi qua cánh đồng của cô tại vùng đất nhiều bụi rậm ở miền bắc Nigeria khi các công nhân đang thu hoạch gừng.
"Nếu tôi có vốn, tôi sẽ trồng nhiều gừng hơn. Mọi người đang tìm kiếm gừng, nhưng không có đủ", cô nói tại trang trại rộng 5 ha của mình ở ngoại ô Kaduna.
Khi nhu cầu đối với thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch tăng cao, giá gừng ở Nigeria và quả acai ở Brazil đã tăng vọt trong khi xuất khẩu nghệ của Ấn Độ và tỏi của Trung Quốc cũng nhảy vọt trong năm qua.
Imam cho biết: “Nhu cầu về gừng tăng cao vì họ đang sử dụng nó làm thuốc chữa bệnh”. Imam cũng nói thêm rằng trong thời gian bị phong tỏa, cô đã đun sôi gừng với nghệ và tỏi để làm thuốc chữa bệnh.
Người tiêu dùng ngày càng có ý thức về sức khỏe đã tạo ra một thị trường gia vị toàn cầu vốn đang sôi động, thúc đẩy hơn nữa trong thời kỳ đại dịch, làm tăng sự quan tâm của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.
Hãng Olam International (OLAM.SI) của Singapore đã hoàn tất việc mua nhà sản xuất gia vị lớn của Mỹ là Olde Thompson vào tháng trước trong khi hãng Orkla (ORK.OL) của Na Uy nắm cổ phần kiểm soát trong hãng xuất khẩu gia vị của Ấn Độ là Eastern Condices vào tháng 3.
Ở Nigeria, một bao gừng 50 kg, có thể giúp cơ thể xua đuổi vi trùng và được sử dụng như một phương thuốc chữa cảm lạnh, hiện được bán với giá 15.000 naira (39 USD), tăng thêm 4.000-6.000 naira so với hai năm trước.
Nhờ có gừng, Imam đã có thể bắt đầu xây một ngôi nhà mới ở Thành phố Millennium gần đó, với một nhà kho nhỏ đi kèm để có thể lưu trữ và bán gừng tươi, loại gừng này sẽ để được lâu hơn so với khi được cắt và sấy khô.
Florence Edwards, chủ tịch quốc gia của Hiệp hội những người trồng, chế biến và tiếp thị gừng của Nigeria, cho biết giá gừng bắt đầu tăng từ năm ngoái nhưng kể từ tháng 1, giá đã tăng mạnh do nhu cầu tăng liên quan đến đại dịch.
Bà cho biết đã có nhu cầu từ khắp nơi trên thế giới, và Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu nằm trong số các thị trường phổ biến.
Nhu cầu tăng "điên rồ"
Nhu cầu cũng tăng vọt với trái acai, một loại trái cây giàu chất chống oxy hóa được quảng cáo như một loại siêu thực phẩm. Bang Para của vùng Amazonian ở Brazil là khu vực sản xuất acai lớn nhất thế giới.
Paulo Lobato, một nhà sản xuất và buôn bán acai 52 tuổi ở Para, đã phải giữ lại một phần vụ mùa của mình cho các khách hàng lâu năm, với nguồn cung không thể theo kịp với nhu cầu tăng vọt.
Giá trong tháng 4 cao hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,14 reais (78 cent)/kg, theo Liên đoàn xuất khẩu CIN/Fiepa của bang.
“Tôi đã kinh doanh acai trong 32 năm qua và tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này,” Lobato nói. "Trong đại dịch, mọi người giống như phát điên".
Para chịu trách nhiệm sản xuất hơn 90% sản lượng acai của Brazil, loại cây này phát triển mạnh ở vùng đất ẩm ướt và nhiệt độ không đổi.
Loại quả tròn màu tím này hầu hết do các gia đình sản xuất, có hợp tác xã tổ chức thu hoạch. Lobato có 20 gia đình làm việc trong trang trại của mình và ông được hưởng một nửa số tiền thu được.
Acai là một phần của truyền thống ẩm thực Amazonian, được sử dụng như một món ăn kèm với cá chiên và thường là một phần của bữa trưa và bữa tối. Tuy nhiên, khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao, trái cây trở nên khó tìm hơn tại các thị trường địa phương.
"Người tiêu dùng địa phương là những người đầu tiên bị ảnh hưởng", Florence Serra, từ cơ quan thống kê và cung cấp thực phẩm của Brazil, Conab, cho biết. "Một số người sẽ tới mua tại hội chợ đường phố nhưng không tìm thấy chúng nữa."
Tăng cường miễn dịch
Giống như gừng, tỏi có các thành phần có thể giúp cơ thể chống lại côn trùng và cũng đang tăng cầu. Dữ liệu hải quan cho thấy, Trung Quốc đã xuất khẩu 2,18 triệu tấn tỏi vào năm 2020, tăng 30% so với năm trước, với các khách hàng chính bao gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Pakistan và Bangladesh.
Nhu cầu đối với nghệ, có thể giúp điều trị các tình trạng liên quan đến đau và viêm, cũng gia tăng do đại dịch.
Xuất khẩu nghệ của Ấn Độ đã tăng 36% trong năm 2020 lên mức kỷ lục 181.664 tấn và các lô hàng tiếp tục tăng vào năm 2021, tăng 10% trong hai tháng đầu năm lên 24.813 tấn, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ.
“Khái niệm về chất tăng cường miễn dịch ngày nay có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Ấn Độ mà trên toàn cầu và nghệ là chất tăng cường miễn dịch tự nhiên”, Abhijeet Banerjee, một nhà phân tích gia vị tại công ty dịch vụ tài chính Ấn Độ Religare (RELG.NS) cho biết .
“Chính phủ và những người theo hệ thống y học Ayurveda khuyên bạn nên tiêu thụ một lượng nghệ hàng ngày để quản lý COVID sau điều trị tốt hơn", ông nói.
Tới nay giá nghệ kỳ hạn đã tăng hơn 30% và đạt mức cao nhất trong 5 năm là 9.522 rupee Ấn Độ (130 USD)/100 kg vào tháng 3/2021.
Những nông dân như Ravindra Dere, người trồng nghệ trên diện tích hai mẫu Anh ở bang Maharashtra, miền Tây, rất vui.
"Sau nhiều năm, chúng tôi đang kiếm được lợi nhuận kha khá. Tôi hy vọng giá sẽ vẫn ổn định", Ravindra vui vẻ.
Trở lại Kaduna ở Nigeria, Hebile Abu cho rằng việc đổ xô mua gừng vẫn chưa kết thúc. Ông là Giám đốc thương mại của một công ty cung cấp các khoản vay, phân bón và máy kéo cho một hợp tác xã gồm khoảng 1.500 trang trại nhỏ - và sau đó tiếp thị cây trồng của họ.
" Cho dù bạn có nhiều gừng tới mức nào, họ cũng sẽ mua nó," ông nói. "Mọi người đến để mua và họ không có để mà mua."
(1 USD = 381.0000 naira Nigeria); (1 USD = 73,3090 rupee Ấn Độ); ( 1 USD = 5.3157 reais Brazil)