| Hotline: 0983.970.780

Cách giữ rừng của Nam Tây Nguyên

Thứ Hai 31/07/2023 , 15:31 (GMT+7)

Rừng Nam Tây Nguyên vốn là 'điểm nóng' nhức nhối về nạn phá rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình đã tạm nguôi.

Rừng Nam Tây Nguyên có tổng diện tích hơn 27.000ha, nằm trên địa bàn 3 xã Quảng Trực,Quảng Tâm và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Trong đó có gần 24.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng, còn lại khoảng 3.000ha đất rừng bị người dân xâm chiếm.

Từ năm 2017 đến nay, nhờ thay đổi cách quản lý, vận hành, đồng thời vận dụng cùng lúc nhiều giải pháp, nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã chuyển biến tích cực, đi vào ổn định, kiểm soát được tình trạng phá rừng; các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, diện tích rừng bị phá năm sau giảm hơn so với năm trước cả về số vụ và số diện tích; mô hình trồng rừng theo hình thức nông lâm kết hợp gắn với giao khoán theo nghị định 168/NĐ-CP và liên doanh, liên kết đã phát huy hiệu quả, bước đầu thu hút sự tham gia của người dân, nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng từng bước được nâng cao...

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên trong một chuyến đi tuần. Ảnh: Hồng Thủy.

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên trong một chuyến đi tuần. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp đồng lao động và các hình thức thuê lao động thời vụ trong giao khoán quản lý bảo vệ rừng; chuyển giao kỹ thuật đến người dân; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; phát triển cơ sở hạ tầng góp phần ổn định cuộc sống, an ninh trật tự - xã hội và bảo vệ môi trường, giữ đất, giữ nước, bảo tồn đa dạng sinh học… Từ những kết quả khả quan này, từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giao thêm gần 3.700ha rừng và đất rừng thu hồi từ các đơn vị hoạt động không hiệu quả cho công ty quản lý.

Doanh nghiệp có mục tiêu “tập trung mọi nguồn lực để tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích được giao, giảm thiểu đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đồng thời liên kết các hộ dân tham gia trồng rừng nông lâm kết hợp, liên doanh liên kết; kêu gọi các tổ chức có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư sản xuất kinh doanh trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có một cách bền vững gắn với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương như trồng, khai thác dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm; chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao”. Trong đó du lịch sinh thái là một hướng đi có triển vọng nhằm gắn kết bảo tồn với phát triển và nâng cao giá trị của các hệ sinh thái.

Vì vậy, công ty đã tiến hành rà soát và bổ sung một số vị trí có tiềm năng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương đối với các tài sản vô giá về du lịch cảnh quan - văn hóa - lịch sử và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững; tạo ra nguồn thu để tái sản xuất cho công tác bảo vệ rừng, góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Một trong những giải pháp khả thi trong công tác bảo vệ rừng hiệu quả là giao khoán rừng cho người dân địa phương chăm sóc, bảo vệ. Trong ảnh là một buổi họp của Công ty Nam Tây Nguyên với các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thủy.

Một trong những giải pháp khả thi trong công tác bảo vệ rừng hiệu quả là giao khoán rừng cho người dân địa phương chăm sóc, bảo vệ. Trong ảnh là một buổi họp của Công ty Nam Tây Nguyên với các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thủy.

“Từ năm 2018 đến nay đơn vị đã xây dựng và thực hiện được 12 phương án phát triển rừng bằng hình thức liên kết và khoán theo Nghị định 168 với tổng diện tích 682,29ha, ký hợp đồng với 263 hộ dân và 1 tổ chức, trong đó có 7 phương án theo hướng khoán và 5 phương án theo hướng liên kết”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, do là Công ty TNHH, hoạt động kinh tế như một doanh nghiệp nên ngoài chức năng chính là quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, Công ty Nam Tây Nguyên còn có chức năng làm kinh tế rừng, kinh doanh các dịch vụ từ rừng. Công ty được phép lập kế hoạch và tiến hành tất cả các hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ công ty, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện các biện pháp thích hợp để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.

“Theo mục tiêu, định hướng phát triển công ty đã xây dựng, thì sắp tới, rừng Nam Tây Nguyên sẽ là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, bởi có hệ thống thác, suối phong phú, nhiều cánh rừng nguyên sinh với nhiều cảnh quan đẹp. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động kinh tế khác như xưởng sản xuất, trồng cây kinh tế dưới tán rừng, trồng rừng… vừa tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên công ty, vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân bảo địa. Đây chính là chìa khóa để giúp công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, vì khi người dân có công việc, thu nhập ổn định rồi thì họ không vào phá rừng, cũng không lấn chiếm, xâm canh đất rừng nữa”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.