| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ những cánh rừng ngập mặn

Thứ Bảy 29/07/2023 , 08:10 (GMT+7)

Những cánh rừng ngập mặn tại Quảng Ninh được phục hồi, quản lý, bảo vệ đã tạo môi trường phát triển các nguồn lợi thủy sản, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Người dân xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) thường khai thác các loài thủy, hải sản trong rừng ngập mặn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) thường khai thác các loài thủy, hải sản trong rừng ngập mặn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Món quà từ lá phổi xanh

Khu rừng ngập mặn quanh xã đảo Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) được đánh giá là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc, với diện tích trên 2.000ha. Đặc biệt, với người dân xã đảo Đồng Rui, rừng ngập mặn còn là nguồn sống của nhiều thế hệ, với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú.

Buổi sáng, khi nước còn ngập ngang thân những cây sú, cây vẹt mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thủy triều đã rút cạn lộ ra những bãi sình lầy trù phú dưới tán rừng. Từ trên đê nhìn xuống, bóng những người phụ nữ cần mẫn đào ngao nối thành hàng dài trên mặt bùn.

Vừa khom người bắt ngao, bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hạ, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) vừa tâm sự, ngoài trồng lúa, bà cùng người dân trong xóm thường tranh thủ đào ngao trong những ngày nhàn rỗi. Dụng cụ “hành nghề” thật giản đơn, chỉ cần một chiếc cuốc nhỏ và một thùng sơn cũ để đựng ngao. Ngao giá 10.000 đồng/kg, mỗi ngày bà đào được khoảng 10kg cũng kiếm thêm một phần thu nhập. Nhìn đôi tay bà Tuyết liến thoắng đào, chẳng mấy chốc đã đầy một xô ngao mang ra chợ bán.

Còn bà Vũ Thị Én (thôn 4 xã Đồng Rui) chia sẻ, sau nhiều năm trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở địa phương, bây giờ bên trong những cánh rừng sú, vẹt có hải sản như ngao, vạng, cáy, bông thùa. Trung bình mỗi ngày đi biển cho thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/người nên từ người già đến các cháu học sinh đều có thể tham gia. Chính những tán rừng ngập mặn đã tạo sinh kế, có thêm thu nhập, giúp cho nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo. Có thể nói, rừng ngập mặn Đồng Rui mang đến những "món quà của biển" để nuôi sống người dân nơi đây.

Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn

Từ những bài học thực tiễn về tác động tiêu cực khi những cánh rừng ngập mặn bị tàn phá, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chung tay bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng ngập mặn. Những cánh rừng ngập mặn đã xanh trở lại, không chỉ có ích cho môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu mà còn đem lại nguồn thủy hải sản phong phú, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Ông Kiều Văn Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện tuyên truyền người dân không xâm hại rừng ngập mặn, thành lập các tổ bảo vệ rừng tại các thôn, giữ gìn môi trường sinh thái, khai thác theo hướng bền vững. Đồng thời hàng năm, xã còn phối hợp các đơn vị liên quan và người dân trồng xen hàng chục ha sú vẹt để duy trì bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ổn định.

Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết, có nhiều cách để bảo vệ rừng ngập mặn, bên cạnh những biện pháp truyền thống như tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời xử phạt thật nghiêm minh những người có hành vi cố ý vi phạm phá rừng như đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản, chặt củi, đẽo vỏ cây hoặc khai thác hải sản làm chết cây.

Cùng với đó, không phát triển các khu công nghiệp, nhà máy trên diện tích rừng ngập mặn. Ngoài ra, bà Hạnh cũng chia sẻ những dự định còn dang dở của địa phương, về dự án phát triển khu du lịch sinh thái tại Đồng Rui đã nhiều năm chưa được triển khai.

Những cánh rừng ngập mặn tại Quảng Ninh đang được bảo tồn, trồng mới trong nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những cánh rừng ngập mặn tại Quảng Ninh đang được bảo tồn, trồng mới trong nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, 100% diện tích rừng ngập mặn tự nhiên hiện có và mới trồng trên địa bàn xã Đồng Rui được phục hồi quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, môi trường được cải thiện, các nguồn lợi thuỷ sản trước đây bị cạn kiệt thì nay đã được hồi sinh, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho cộng đồng; môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Được biết, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đồng Rui đã tăng lên gần 2.200ha. Đây là vành đai xanh, cũng là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ thống đê biển cũng như tính mạng, tài sản của người dân xã đảo Đồng Rui.

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có tổng số 19.300 ha rừng ngập mặn, trong đó rừng ngập mặn phòng hộ 15.274 ha, rừng ngập mặn sản xuất gần 4.000 ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26 ha.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có các hoạt động trồng mới rừng ngập mặn mỗi năm, tạo được vành đai rừng ven biển bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản ổn định, nâng cao chất lượng sản xuất của nông dân. Nhờ đó tiết kiệm được kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai hàng năm và kinh phí tu bổ đê điều trên địa bàn. Bên cạnh đó còn giúp cải tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nước ven bờ; gìn giữ và mở rộng môi trường sống cho các loài sinh vật biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ven bờ của vùng biển Quảng Ninh.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.