| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn trên bãi thải mỏ

Chủ Nhật 30/07/2023 , 12:34 (GMT+7)

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng 2.000ha rừng gỗ lớn. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh đã tiến hành trồng cây gỗ lớn trên diện tích bãi thải mỏ đã qua khai thác.

Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 bãi thải trong khai trường vỉa 14. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 bãi thải trong khai trường vỉa 14. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng. Hiện diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 435.000ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.000ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%.  

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn là 5.000ha. Đến nay, diện tích trồng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 2.400ha.

Được biết, mục tiêu trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh trồng mới 2.000ha cây gỗ lớn. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm mới trồng được trên 600ha, đạt khoảng hơn 30%. Đa số diện tích đất rừng sản xuất phù hợp với loài cây lim, giổi, lát đã được các hộ gia đình trồng rừng keo, bạch đàn..., hiện nay chưa đến chu kỳ khai thác để chuyển đổi trồng lim, giổi, lát. Một số diện tích đất trống chủ yếu ở những vị trí cao, xa, núi đá, có độ dốc cao, đi lại khó khăn.

Ngày 27/7, Sở NN-PTNT Quảng Ninh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm. Xuyên suốt hội nghị là sự trao đổi, đánh giá, nhìn nhận một cách thẳng thắn những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Ninh. Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp được Sở NN-PTNT Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. 

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, hiện nay, tiến độ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, do quỹ đất phát triển trồng mới rừng sản xuất trên địa bàn hạn chế. 

"Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng, do đó, một số địa phương chưa có cơ sở triển khai thực hiện thanh lý để trồng lại rừng (tổng diện tích 943,3 ha). Việc thực hiện khai thác rừng trồng phòng hộ của các đơn vị còn chậm nên chưa triển khai trồng lại rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát theo kế hoạch của địa phương", ông Nguyễn Minh Sơn cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, việc tận dụng các bãi thải mỏ đã qua khai thác để trồng rừng gỗ lớn là một giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế trong công tác trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều năm trước đây, các bãi thải mỏ than lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có dạng cao, đổ thải từ trên đỉnh; chiều cao một số bãi thải lên tới 250 - 300m, không được cắt phân tầng, có góc dốc sườn bãi thải từ 30 - 40 độ. Ngoài ra, đi cùng với bãi thải là hàng loạt vấn đề như nước thải mỏ, bụi, khí nổ, tiếng ồn...

Trước thực trạng trên, để khai thác tài nguyên bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã yêu cầu các đơn vị chấm dứt đổ thải bằng công nghệ bãi thải cao, thay thế bằng công nghệ đổ thải phân tầng và tổ chức trồng cây phục hồi môi trường. Đồng thời, với các dự án khai thác mỏ đã kết thúc thời gian hoạt động, TKV chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp hoàn nguyên môi trường trong thời gian sớm nhất.

Đối với công tác hoàn nguyên môi trường, hoạt động trồng cây phủ xanh các bãi thải mỏ đã kết thúc đổ thải, khai trường sản xuất, khuôn viên các công trường, phân xưởng mang lại hiệu quả cải tạo, phục hồi môi trường rõ rệt nhất.

Năm 2023, thực hiện đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, cũng như chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, TKV đã phát động phong trào trồng cây ngay từ đầu năm.

Các đơn vị thành viên cũng tổ chức trồng cây tại các khu vực bãi thải đã kết thúc đổ thải, xung quanh khai trường, khuôn viên mặt bằng điều hành sản xuất, đường lên bãi thải, các khu vực ranh giới mỏ tiếp giáp dân cư. Ngoài các loại cây truyền thống đã sống và sinh trưởng tốt trên môi trường đất đá thải mỏ như cây keo, năm nay, một số đơn vị cũng đã bắt đầu trồng các loại cây gỗ lớn theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh.

Đơn cử như Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đã trồng được hơn 4.000 cây lát hoa tại khu vực mức +300 bãi thải Nam Khe Tam; Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 bãi thải trong khai trường vỉa 14. Đại diện TKV cho biết, năm 2023, tập đoàn sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh trên diện tích 225ha. 

Thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với TKV để thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn trên các bãi thải đã qua khai thác, giúp hoàn nguyên môi trường, tiến tới hoàn thành mục tiêu trồng 5.000ha cây gỗ lớn trong năm 2025.

Sau 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt 516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,15% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 505.000 m3, tăng 22,3% so với cùng kỳ. 

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.