Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VI (số 28, Trần Phú, TP Vinh, Nghệ An) có chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật. Đơn vị được giao quản lý địa bàn 4 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, diện tích rộng, khối lượng công việc nhiều nhưng nhân lực lại cực kỳ hạn chế.
Lúc này Chi cục chỉ có 13 biên chế, còn lại là hợp đồng. Theo quy định, lao động hợp đồng không được làm nhiệm vụ kiểm dịch, đồng nghĩa chỉ đóng vai trò hỗ trợ đơn thuần. Vì lẽ đó, việc áp dụng cải cách hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia thực chất đã giảm thiểu cả tấn áp lực đè nặng bấy lâu cho cơ quan chuyên ngành.
Trái ngược với các mặt hàng xuất khẩu, những năm qua hàng kiểm dịch thực vật nhập khẩu (gỗ, hoa quả…) 100% đã lên hệ thống Một cửa Quốc gia, điều này thực sự tạo thuận lợi lớn cho Doanh nghiệp. Trên thực tế, việc lưu thông hàng hóa diễn tiến nhanh chóng, tình trạng chậm trễ cơ bản được khắc phục. Quá trình thực hiện, những mặt hàng có “nguy cơ cao” đều được kiểm tra chặt chẽ, vừa đảm bảo tính chính xác lại rút ngắn đáng kể thời gian.
Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021 có 15.871 lô hàng nhập khẩu, quá cảnh được Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VI xử lý trên hệ thống một cửa Quốc gia, hàng hóa lưu thông rất đa dạng, từ gỗ, dăm gỗ cho đến tinh bột sắn, cói, gạo, hoa quả các loại…
Riêng tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tình hình chung có nhiều chuyển biến. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, Hải quan Nậm Cắn đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho 977 bộ tờ khai với kim ngạch đạt 25.621.694,24 USD. Ngoài ra, đơn vị còn làm thủ tục cho 7.853 lượt phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập cảnh.
Không riêng gì lĩnh vực kiểm dịch thực vật, trên thực tế việc triển khai cơ chế một cửa Quốc gia tại Cục Thú y cũng tức thì thổi một làn gió tươi mát, giúp quá trình cải cách hành chính đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận.
Tính đến tháng 8/2021, tổng cộng 15 phần mềm thủ tục hành chính đã được kết nối và thực hiện hiệu quả quá trình xử lý thông tin trực tiếp trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Điểm khác biệt là các Doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý Nhà nước nộp hồ sơ giấy, ngược lại có thể nộp và nhận kết quả mọi lúc mọi nơi, đồng nghĩa giảm thiểu tối đa công đoạn, tiết kiệm chi phí phát sinh, lại nâng cao hiệu quả rõ rệt so với trước.
Phụ trách, quản lý địa bàn Bắc Trung Bộ, vùng có khối lượng giao dịch các mặt hàng chăn nuôi lớn của cả nước, Chi cục thú y vùng III (số 51, đường Nguyễn Sinh Sắc, Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống một cửa Quốc gia hơn ai hết.
Trao đổi về nội dung trên, Phó Chi Cục trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Doanh nghiệp ở Lào, Thái Lan họ có thể đăng ký trực tuyến, gửi hồ sơ qua phần mềm để cơ quan quản lý có thể tiếp nhận và chấp nhận hồ sơ thể hiện sự thông thoáng trong cải cách hành chính. Khi Hiệp định triển khai mô hình “một lần dừng” giữa Việt Nam và Lào tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo – Đen Sả Vẳn có hiệu lực, lúc đó khác biệt càng được thể hiện rõ nét hơn.
Nhân đây xin được nêu diễn biến tại Cửa khẩu Lao Bảo trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) hàng hóa, phương tiện vẫn duy trì khá ổn định, thậm chí tăng hơn cả cùng kỳ 2020, cụ thể: Số lượng phương tiện vận tải tăng 34%; số lượng tờ khai XNK tăng 40%; kim ngạch XNK tăng 56%; trong lượng hàng hóa XNK tăng 103%...
Dễ thấy rằng công tác cải cách hành chính tại hệ thống một cửa Quốc gia ở khu vực Bắc Trung Bộ đang cụ thể hóa “mục tiêu kép”, vừa giảm thiểu áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước lại tạo động lực cho doanh nghiệp thêm phần vững tâm trong bối cảnh dịch bệnh leo thang. Đây là xu thế, là lựa chọn tất yếu trong thời đại mới.