| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 21/02/2021 , 19:55 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:55 - 21/02/2021

Cái đẹp không bị bỏ rơi giữa thời Covid-19

Ấn tượng đầu tiên và hình ảnh sau cùng của mỗi cái tết, là những chậu hoa trước hiên nhà. Đó cũng là hiện thân của cái đẹp không bị bỏ rơi giữa thời Covid-19.

Đường hoa Nguyễn Huệ vẫn được tổ chức dịp Tết Tân Sửu ở TP.HCM.

Đường hoa Nguyễn Huệ vẫn được tổ chức dịp Tết Tân Sửu ở TP.HCM.

Tết Tân Sửu là một cái tết đặc biệt đối với người Việt Nam. Năm ngoái, Tết Canh Tý, Covid-19 đã xuất hiện, nhưng chỉ râm ran như phần gia vị tăng thêm trong những câu chuyện chúc tụng mùa xuân. Còn Tết Tân Sửu, rất nhiều người Việt Nam phải đón đêm giao thừa thiêng liêng ở khu vực bị phong tỏa hoặc trong hoàn cảnh có người thân bị cách ly không thể sum họp. Thế nhưng, Tết Tân Sửu không khác Tết Canh Tý và những cái tết trước kia, vì một thứ rất quen thuộc - sắc hoa trước mỗi cánh cửa và sắc hoa giữa mỗi căn nhà.

Nhiều người thắc mắc: Tết Tân Sửu, đô thị lớn nhất phương Nam đã tạm ngừng các hoạt động cộng đồng, sao vẫn duy trì Đường hoa Nguyễn Huệ? Ban đầu, tôi cũng thoáng băn khoăn như vậy, nhưng khi nhìn thấy dòng người xếp hàng trật tự với khẩu trang chờ đo thân nhiệt để bước vào Đường hoa Nguyễn Huệ, thì tôi mới thấm thía rằng đó là một quyết định đáng trân trọng. Bởi lẽ, chính Đường hoa Nguyễn Huệ đã giữ lại nét đẹp ngày tết cho Sài Gòn - TP.HCM trước thử thách nghiệt ngã của Covid-19. Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút bao người tha hương ở lại đón tết với thành phố, như một sự vỗ về ấm áp, như một niềm an ủi bình yên, như một sự hy vọng bất tận.

Cái tết sẽ ra sao, nếu thiếu vắng sắc hoa? Tôi từng tự hỏi nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Tùy mỗi điều kiện kinh tế, nhà nọ nhà kia có thể thiếu món ngon vật lạ để ăn tết, nhưng không ai có ai quên chuẩn bị hoa để đón tết. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng thế. Ở vài địa phương, chính quyền đã phát đi văn bản kêu gọi dân chúng mua hoa để ủng hộ người làm vườn. Hành động ấy cần thiết và tích cực. Tuy nhiên, nếu không kêu gọi thì người Việt cũng sẽ tìm cách mua hoa như một cách gìn giữ không gian tết cho riêng mình giữa thời Covid-19.

Tôi có một người bạn cư ngụ ở phường Phú Hòa - Thủ Dầu Một, bị phong tỏa trước Tết Tân Sửu vì có bệnh nhân nhiễm virus corona. Ngay ngày đầu tiên chấp nhận chuỗi ngày cam go để vượt qua cơn bùng phát đại dịch, người bạn nhắn nhủ qua điện thoại: “Nếu có thể, ông tận dụng mối quan hệ quen biết mà gửi vào một chậu cúc, để gia đình tôi vẫn có tết nhé!”. Tôi xúc động trước mong muốn đơn giản ấy và không ngần ngại nhận lời giúp bạn. Thế nhưng, tôi chưa kịp thực hiện thì chiều 27 tháng chạp, người bạn đã gọi lại, thông báo: “Nhân viên phục vụ khu vực cách ly đã mua dùm nhà tôi một chậu cúc rồi, ông ạ!”. Thì ra, việc mua hoa cho những nơi bị phong tỏa cũng đã nằm trong kế hoạch của đội ngũ phòng chống Covid-19 ở mỗi địa phương.

Tôi không mấy hào hứng với những loại kiểng giá từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mà các đại gia trưng trổ ở biệt thự của họ ngày tết. Thế nhưng, tôi luôn xao xuyến trước những sắc hoa khiêm nhường ở những căn nhà cũ kỹ khi mùa xuân gõ cửa. Trước một mái tranh bần hàn, màu hoa vạn thọ như bừng lên thứ ánh sáng quyến rũ kỳ lạ. Chao ơi, màu hoa vạn thọ vượt lên sự nghèo nàn và sự túng bấn. Chao ơi, màu hoa vạn thọ như ánh mắt ân cần của chủ nhân hướng về năm mới, hướng về mơ ước, hướng về tương lai.

Sắc hoa giữ vẻ đẹp cho ngày tết thời Covid-19.

Sắc hoa giữ vẻ đẹp cho ngày tết thời Covid-19.

Tết Tân Sửu, tôi cũng thực hiện chuyến về quê ăn tết như mọi năm. Với ý thức đề phòng Covid-19, tôi ái ngại các cuộc thăm viếng xã giao đầy phập phồng. Thế nhưng, tôi vẫn háo hức được rong ruổi qua những cung đường và nhìn ngắm những sắc hoa ngày tết. Giữa âu lo Covid-19, tôi càng nhận ra giá trị của sắc hoa với ngày tết của người Việt.

Hành trình từ Phú Yên lên Đăk Lăk, tôi cảm giác thụ hưởng trọn vẹn hương vị tết khi đi ngang những địa danh Ea Trol, Ea Ly, Ea Toh, Cư Klong, Krong Năng, Buôn Tơ Lơ… Rất ít cảnh tụ tập chúc tụng, nhưng mỗi nhà đều lung linh sắc hoa. Những cánh hồng kiêu hãnh, những nụ lan trìu mến, những bông thược dược nồng thắm… đều thắp lên những đốm lửa ấm áp trong tiết trời se lạnh. Những sắc hoa không nói gì, mà vẫn ngân nga giai điệu tết xôn xao. Tôi hiểu ra, có những ngôi nhà khép cổng không đón khách vì Covid-19, nhưng sắc hoa đã thay cho tiếng chào thân thiện của chủ nhân với láng giềng gần lẫn bà con xa.

Thỉnh thoảng, dư luận lại ồn ào trước hiện tượng cò kè giá mua hoa kiểu chèn ép người làm vườn, hoặc có kẻ kém tự trọng đã cướp hoa nơi công cộng để mang về nhà mình. Thế nhưng, đó chỉ là cá biệt. Trong ngày tết, ai cũng mở lòng ra với cảnh vật xung quanh, mà sắc hoa luôn được nâng niu. Tôi tin rằng, không có người Việt nào ngày tết lại thờ ơ với hoa. Có những người rất khốn khó, quanh năm chạy ngược chạy xuôi để đắp đổi cơm canh, vậy mà buổi chợ cuối năm thì bó hoa lại thay bó rau trên tay họ thanh thản trở về nhà trong khói bếp tất niên.

Trong cái tết thời Covid-19, màu hoa càng có ý nghĩa hơn. Màu hoa giúp người Việt giảm bớt những tin tức căng thẳng của dịch bệnh, và màu hoa giúp người Việt củng cố sức mạnh tinh thần sớm ổn định cuộc sống bình thường mới. Màu hoa lấp bớt khoảng trống mà người thân không có cơ hội đoàn viên, và màu hoa cũng chở che những số phận lấm láp hẩm hiu.

Ngày tết, ai cũng có một màu hoa bên cạnh. Còn sau tết thì sao? Tết hết hoa héo, người đi hoa tàn. Những chậu hoa hiên nhà sẽ dời đi chỗ khác, hoặc khô úa góc sân hoặc vứt ra vỉa hè. Đó là quy luật tất yếu, dù không ai muốn, dù không ai nỡ. Mỗi lần trông thấy những màu hoa dần dần biến mất khi ba ngày tết trôi xa, tôi luôn nhớ câu chuyện của ông ngoại mình.

Là một người Hà Nội trôi dạt vào miền Trung, ông ngoại của tôi rất vui khi tết năm đó được tặng một cành đào. Năm đó, ông ngoại đã ngoài 70 nhưng vui vẻ như gặp lại thời thanh xuân. Mấy ngày tết, ông ngoại cứ ngồi ngắm cành đào, như gặp gỡ một tình nhân, như hạnh ngộ một tri âm. Hết tết, cành đào cũng rụng hết hoa. Lúc đem cành đào bỏ lên xe rác, đôi mắt của ông ngoại cứ thẩn thờ như đánh mất một báu vật. Năm đó, thằng em của tôi khoảng 10 tuổi, chẳng biết đọc được gì trong đôi mắt ông ngoại, mà vội vàng chạy theo xe rác để đòi lại cành đào. Chiếc xe rác khuất dần, thằng em không đuổi kịp đã bật khóc. Sự hồn nhiên đến mức tội nghiệp của thằng em, giống như những thước phim quay chậm cứ ám ảnh ký ức tôi, mỗi khi nghĩ về sự gắn kết giữa người và hoa, giữa hoa và tết. Có chút nôn nao, có chút nghẹn ngào đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Mỗi sắc hoa gửi một tin yêu cho ngày xuân.

Mỗi sắc hoa gửi một tin yêu cho ngày xuân.

Tết Tân Sửu, người Việt thưa vắng lễ hội, thưa vắng tiệc tùng. Chỉ có màu hoa vẫn rộn ràng và dan díu mỗi xóm làng, mỗi miền quê. Không có mâm cao cỗ đầy, cũng chưa hẳn không có tết. Không có chen lấn son phấn, cũng chưa hẳn không có tết. Thế nhưng, nếu không có màu hoa thì người Việt sẽ không có tết. Tôi dám chắc như vậy. Bởi lẽ, tôi đã chứng kiến cái Tết Tân Sửu thời Covid-19 với những màu hoa không bị virus corona đe dọa. Đó cũng chính là cái đẹp không bị bỏ rơi giữa ngột ngạt cách ly và bẽ bàng phong tỏa. Không thể nào phủ nhận, màu hoa đã giữ lại sự lạc quan của người Việt trước mùa xuân nhiều cam go và thách thức. Không thể nào phủ nhận, màu hoa ngày tết cùng người Việt tiếp tục chờ đợi tương lai phía trước.

Mãn Giác thiền sư (1052 - 1096) trong bài thơ “Cáo tật thị chúng” viết cách đây gần nghìn năm, đã có hai câu bất hủ “mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, tiền đình tạc dạ nhất chi mai”. Đức tin “đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm trước một nhành mai” trong cái Tết Tân Sửu lại càng thấm thía biết bao. Sau Tết Tân Sửu, màu hoa lại dẫn dắt người Việt vào mùa xuân mới lương thiện và an lành. 

Bình luận mới nhất