| Hotline: 0983.970.780

Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh

Thứ Bảy 01/10/2022 , 16:14 (GMT+7)

Ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa có một cái chợ tên chợ Nồn. Nghe các cụ trong vùng nói thì chợ và tên chợ ấy đã có lịch sử lâu đời.

123

Chợ Nồn nay đã được đổi tên thành chợ Trường Sơn.

Điều đáng kể là cách đây vài năm người ta đã đổi tên chợ, thành chợ Trường Sơn.

Hỏi lý do thì được biết là cái chữ “nồn” đó không hay, dễ bị liên tưởng linh tinh, nên chính quyền quyết định đổi tên chợ!

“Nồn”, tiếng địa phương Thanh Hóa, là từ dùng để chỉ những con vật nuôi thuộc giống cái, dù đã đến tuổi sinh sản nhưng lại không thể đẻ được, vì bị quá béo (ví dụ, Con lợn nái này bị nồn rồi, bán thịt đi thôi, nuôi làm gì tốn cám). Tôi tra từ điển tiếng Việt thì thấy từ này chưa được ghi nhận, có nghĩa rằng nó chỉ là một từ địa phương.

Tìm hiểu thêm thì được biết, cùng nghĩa với chữ “nồn” Thanh Hóa, dân Bình - Trị - Thiên dùng chữ “nân”/ “ninh”. Có nơi ở phía Bắc gọi là “sổi”. Đặc biệt, có những vùng thuộc Hà Tây cũ gọi là “chươn”; ở Nam Định, cây cối tốt lá quá mà không ra được trái thì nói bị "bỡi", riêng cây lúa thì nói bị "lốp", con nái/cái béo quá mà không chửa đẻ được thì gọi là bị "rĩ" (hay "dĩ")...

Như thế, tương ứng với từ “nồn” (Thanh Hóa), rất nhiều địa phương khác trên cả nước đều có từ ngữ tương ứng để mô tả một hiện tượng vốn gần gũi, gắn bó chặt chẽ và được sử dụng phổ biến trong đời sống của người dân. Điều này chứng tỏ, nồn/nân/ninh/chươn/rĩ là những từ phản ánh một thực tế quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất của dân Việt, và nó đã có một lịch sử rất lâu dài, chứ không phải một từ ngữ tầm thường.

Trở lại, “nồn” mà đọc lên thấy ngại, thấy xấu hổ là vì tiếng của một số tỉnh miền Bắc bị lẫn lộn /n/ và /l/ (gọi là nói ngọng), trong khi Thanh Hóa thì không. Nghĩa là họ phát âm sai, còn Thanh Hóa đúng. Nay vì cái sai của người khác mà mình phải sửa cái đúng của mình đi thì thật bi hài. Rốt cuộc chính quyền nơi đây đã dựa trên tiêu chuẩn nào, cả về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, để làm cái việc ngược đời đó?

DSC_1970

Cảnh thôn quê xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi tên chợ, tên làng, tên đường..., đều có lịch sử và ý nghĩa nhiều mặt của nó. Những cái tên như Phố Lố, Đồng Bàn, áp Loi, Tào Sơn (nay thuộc xã Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa)... đã có lịch sử hơn 400 năm kể từ khi làng tôi được khai sinh do một vị quan triều đình họ Lương về lập làng. Thời hợp tác xã, người ta đã thay những tên cũ vốn chứa đựng cả một quá khứ thiêng liêng và ăm ắp truyền thống thành những Đội 1, Đội 2, thành những Thôn 7, Thôn 8.

Nhiều nơi xóa tên cũ để đặt tên mới là những từ ngữ mang phong cách khẩu hiệu, nào là Vinh Quang, là Chiến Thắng, là Bình Minh, là Phú Cường..., rất vô hồn và không gợi lên được chút gì trong tâm thức người dân bản địa. Tai hại hơn, những cái tên “đời mới” này đã chia cắt con người với quá khứ của họ, tạo ra một sự đứt gãy trầm trọng về mặt lịch sử, văn hóa và hồn cốt nòi giống.

Vì thế, những người làm văn hóa hay có chút hiểu biết về văn hóa sẽ không thể dễ dãi, tùy tiện mà thay đổi tên các địa danh, đó là chưa nói đến việc nực cười khi vì thiếu hiểu biết mà thay đổi một cái đúng dựa trên cái sai bởi tính cả thẹn của mình.

Những việc đổi tên như thế, dù là phạm vi rộng hay hẹp, nhỏ như tên làng hay lớn như tên tỉnh, đều phải được nghiêm túc nhìn lại, phải bảo tồn đến mức cao nhất có thể, chứ tuyệt nhiên không thể tùy tiện.

Xem thêm
Câu chuyện thứ chín: Cái hộp nước 'biết nói'

Hộp nước uống thì chắc chắn không có gì lạ, chúng ta vẫn trông thấy đâu đó hằng ngày. Nhưng có một cái hộp bằng giấy thân thiện môi trường khá lạ và ấn tượng, nhãn hiệu Elix.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Doanh nghiệp vì cộng đồng 2024: Dấu ấn tự hào của Syngenta Việt Nam

Syngenta Việt Nam vừa được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” tại sự kiện Saigon Times CSR 2024 vì những đóng góp tích cực trên hành trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.