Cam truy xuất nguồn gốc
Khoảng chục năm trước, nhắc đến cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh người ta nghĩ ngay đến bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hương Khê), cam bù (Hương Sơn). Đó là những địa danh nổi tiếng SX bưởi, cam quy mô lớn cả về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, độ dăm năm trở lại đây, khi phong trào xóa bỏ vườn tạp trong xây dựng NTM được đẩy lên cao trào thì nhà nhà trồng cam. Nhà ít trồng mươi lăm gốc, hộ nhiều lên đến vài chục ha. Hiện toàn tỉnh đã phát triển đạt 6.725ha cam (trong đó, cam chanh 5.533ha, cam bù 1.192ha); các địa phương SX diện tích lớn là Vũ Quang (2.350ha); Hương Sơn (1.473ha); Can Lộc (534ha); Hương Khê (1.812ha)… Tổng diện tích đã cho thu hoạch đạt 4.095ha.
SX cam truy xuất nguồn gốc không chỉ gia tăng năng suất lên 2 – 4 tấn/ha so với SX thông thường mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Việt Khánh) |
Nhìn vào con số thống kê diện tích trên, có thể thấy những địa phương có thương hiệu cam nổi tiếng như Hương Khê, Hương Sơn nay đã bị đánh bật bởi cam Vũ Quang. Đây là “đứa con” mới “khai sinh” nhưng thương hiệu của nó thì được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Tại lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp lần thứ nhất, tổ chức tại TP Hà Tĩnh vào năm 2017 thương hiệu cam Vũ Quang đã đạt được nhiều giải A, trong đó có 1 giải đặc biệt về chất lượng. Cũng tại lễ hội này hơn 5 tấn cam đã được bán ra chỉ trong 3 – 4 ngày, vượt hẳn các thương hiệu cam đã có tên tuổi khác.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết, hầu hết diện tích cam của huyện được trồng trên nền đất Feralit giàu chất dinh dưỡng, nguồn nước tưới đảm bảo; môi trường, khí hậu ôn hòa; đặc biệt, các tiến bộ KHKT được bà con áp dụng vào SX một cách bài bản, có đầu tư nên năng suất, chất lượng cam rất đảm bảo. “Ngoài những kinh nghiệm SX truyền thống, từ năm 2015 đến nay rất nhiều mô hình SX cam VietGAP, truy xuất nguồn gốc được các HTX, tổ hợp tác, hộ dân áp dụng thành công, góp phần đưa năng suất tăng 2 – 4 tấn/ha so với SX thông thường; quả cam to, vỏ mỏng, đẹp, ngọt đậm”, ông Sơn nhấn mạnh thêm.
Ảnh: Việt Khánh |
Toàn xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) có 1.500 hộ dân thì có đến gần 1.000 hộ trồng cam, với tổng diện tích hơn 490ha. Theo bà Nguyễn Thị Thắng, cán bộ NN – nông thôn mới xã, sở dĩ số hộ trồng cam tăng lên đột biến là vì đất ở Đức Lĩnh hơn 80% là đất đồi, phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng. Sau khi phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp, hầu hết các hộ dân phá hết những diện tích cam, chanh, keo, thông đã trồng trước đây nhưng không mang lại hiệu quả để chuyển sang SX một loại cây là cam chanh. Hộ ít trồng mươi lăm gốc để phục vụ nhu cầu trong gia đình và bán lấy lời mua mắm muối, thức ăn; hộ SX lớn từ 1ha trở lên, thu lãi tậu xe hơi, nhà lầu…
Cũng theo bà Thắng, SX cam ngày càng được nông dân chú trọng, đặc biệt là những hộ có diện tích lớn. Hiện 326 hộ đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm vào SX hơn 58ha cam. Đặc biệt, cách đây tầm 4 năm 14 hộ trên địa bàn xã thực hiện thành công mô hình SX cam VietGAP. Đến đầu năm 2017 các hộ này tiếp tục thực hiện SX cam truy xuất nguồn gốc với tổng diện tích hơn 20ha. Hiện toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng nhận “hàng sạch”. Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại smatphone là có thể biết được tất cả các thông số kỹ thuật như: diện tích; thời gian trồng, ra hoa, đậu quả; kỹ thuật, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV; thời gian thu hoạch, cách thức bảo quản; số điện thoại chủ hộ…thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc được dán trên quả cam.
Theo dõi, quản lý bằng nhật ký
Để tìm kiếm thị trường ổn định cho quả cam, huyện Vũ Quang thành lập Hội SX cam Vũ Quang. Nhiệm vụ chính của Hội này là hỗ trợ hội viên các thủ tục pháp lý trong việc tiếp cận chính sách của tỉnh, huyện; tiếp cận các dự án áp dụng tiến bộ KHKT vào SX; quảng bá thương hiệu cam Vũ Quang.
Chỉ cần một chiếc điện thoại smatphone người tiêu dùng có thể biết được quy trình SX của sản phẩm có đảm bảo an toàn hay không, thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Việt Khánh) |
Ông Nguyễn Thiều Quang, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang: “Hiện nay diện tích cam của huyện đã chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh. Cho nên, để đảm bảo phát triển bền vững, sắp tới chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, huyện đã giao phòng chuyên môn phối hợp các cơ quan chuyên ngành của tỉnh tổ chức rà soát, soạn thảo một quy trình chuẩn về SX cam sạch để tập huấn chuyển giao cho các hộ dân. Đồng thời, củng cố và thành lập mới thêm một số tổ hợp tác giúp nhau SX cam theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc". |
Sau khi các hộ dân thực hiện mô hình SX cam sạch theo VietGAP và truy xuất nguồn gốc, một số doanh nghiệp, đầu mối lớn như Tân Thanh Phong (huyện Hương Khê); Tuyết Hùng (TP Hà Tĩnh) đã thu mua cam cho bà con với giá cao hơn thị trường 3.000 – 4.000đ/kg, thậm chí thời điểm đầu mùa còn thu mua cao hơn 5.000 – 6.000đ/kg.
Đặc biệt, mới đây, Cty đầu tư phát triển SXNN Vineco (Tập đoàn VinGroup) cũng đã đến khảo sát, nghiên cứu lựa chọn một số vườn cam truy xuất nguồn gốc ở xã Đức Lĩnh để tiến tới hợp tác đưa cam Vũ Quang vào hệ thống siêu thị Vinmart.
Hộ anh Nguyễn Trọng Hào, thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, bắt đầu SX cam từ năm 2014. Trước đây diện tích 2ha của gia đình anh trồng thông, keo nhưng hiệu quả kinh tế mỗi năm chỉ đạt 60 – 70 triệu đồng/ha.
Sau khi chuyển sang trồng cam (1,5ha đã cho thu hoạch) bình quân năng suất ước đạt gần 15 tấn/ha, bán giá bình quân 30.000đ/kg, tổng doanh thu đạt 450 triệu đồng/ha.
Riêng năm 2017, cam vừa được giá vừa được mùa nên doanh thu toàn vườn đạt gần 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư anh thu 300 triệu đồng.
Dự kiến sản lượng năm nay cũng tương đương năm 2017, do giá cam thấp hơn nên doanh thu sụt giảm so với năm ngoái khoảng 100 triệu đồng nhưng vẫn lãi khá vì chi phí đầu tư ban đầu cơ bản đã được khấu trừ từ những vụ trước.
“Dù giá cam có rẻ đi chăng nữa nhưng tôi vẫn khẳng định, SX cam hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần trồng keo, thông”, anh Hào nói.
Mô hình SX cam truy xuất nguồn gốc của hộ anh Hào được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao. (Ảnh: Thanh Nga) |
Trả lời câu hỏi của PV về SX cam truy xuất nguồn gốc, anh Hào cho biết phải làm đúng quy trình hướng dẫn, đồng thời ghi nhật ký và dán tem. Hiệu quả của việc ghi nhật ký cực kỳ lớn. “Buổi ngày chúng tôi ra vườn chăm sóc cây, tối về đem sổ ra ghi chép lại công việc mình làm ngày hôm đó. Cuối vụ thu hoạch, cuốn sổ trở thành cẩm nang kỹ thuật giúp chúng tôi rút kinh nghiệm cho vụ sau”, anh Hào nói.
Chủ vườn cam chia sẻ, muốn kéo dài tuổi thọ cho cây và gia tăng độ ngọt cho quả người SX cần bổ sung phân chuồng ủ hoai mục và các dưỡng chất. Ngoài ra, hệ thống đường đồng mức, khoảng cách giữa các cây với nhau cũng phải đảm bảo; đặt biệt là thời gian cách ly khi phun thuốc BVTV. Nếu không ghi nhật ký, hộ dân không thể nhớ hết quy trình bón phân từng giai đoạn để điều chỉnh cho phù hợp hay lựa chọn thuốc BVTV phun đúng bệnh, đúng thời điểm.
Đối với hoạt động tiêu thụ sản phẩm, ngoài các đầu mối lớn đến thu mua trực tiếp tại vườn, khi đã có thương hiệu riêng, tạo được độ tin cậy cho khách hàng, chủ vườn có thể bán cam qua facebook, zalo. Khách hàng chuyển tiền vào tài khoản, chủ vườn đóng hàng gửi qua xe khách. Với cách làm này, thương hiệu cam Vũ Quang đã thâm nhập được các thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP Vinh…
Hộ vi phạm sẽ bị xử phạt Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang khẳng định, toàn bộ quy trình SX cam truy xuất nguồn gốc đều có sự giám sát của ngành chuyên môn. Trong đó, có 2 công đoạn đặc biệt chú ý là quản lý dư lượng thuốc BVTV và giám sát việc sử dụng thương hiệu. “Cam Vũ Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu tập thể nên tất cả các chủ vườn ký cam kết tham gia mô hình đều phải thực hiện tỉ mỉ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến mẫu mã sản phẩm. Nếu hộ nào vi phạm huyện sẽ xử phạt theo quy định pháp luật”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh. |