| Hotline: 0983.970.780

Những quả mít ngon bậc nhất Hà Nội

Thứ Tư 10/07/2024 , 16:46 (GMT+7)

Thị xã Sơn Tây đêm chung kết hội thi mít đặc sản Hà Nội (5/7) rực rỡ đèn hoa, mùi quả chín thơm như níu bước chân người khiến ai cũng muốn nán lại thử.

Đêm của thăng hoa cảm xúc

Có những quả mít dai nặng tới 37kg, gai góc đầy mình như một con nhím khổng lồ nhưng cũng có những quả mít na chỉ nặng có 2-3 kg, vỏ nhẵn thín, sờ vào cảm giác cứ trơn tuột đi. Những múi mít mới thật là hấp dẫn, múi tròn lẳn, múi thon dài, múi màu mỡ gà, múi màu vàng đỏ tựa như cắn vào sẽ tươm ra đầy mật vậy. Các quầy hàng của 17 đội thi đến từ 7 huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội đều trang hoàng lộng lẫy, phô diễn nhiều món ăn từ mít.

Từng múi mít được bày rất hấp dẫn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từng múi mít được bày rất hấp dẫn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dù không phải là người thực sự thích mít nhưng sau khi đi một lượt các quầy, bụng tôi cũng đã lưng lửng no. Chưa bao giờ tôi được ăn nhiều loại mít ngon đến thế mà đặc biệt là quả từ cây mít 79 năm, gắn với năm thành lập lữ đoàn 45 pháo binh. Nó thơm, ngon, giòn, ngọt khiến cho đã đưa vào miệng một múi rồi chỉ muốn ăn thêm, khó mà dừng lại được.

Trong gian hàng đậm màu sắc của bộ đội, thiếu tá Đỗ Thị Thùy vừa cười duyên dáng, vừa giới thiệu với tôi rằng ngoài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lữ đoàn còn thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của binh chủng là bắn pháo lễ để đón các đoàn khách quốc tế hay những sự kiện quan trọng khác. Những sản phẩm tăng gia của lữ đoàn khá đa dạng, riêng mít có trên 2ha và hôm nay mang đến đây là những quả của cây mít 79 năm tuổi.

Dù cao tuổi là thế nhưng mỗi vụ cây vẫn cho 50-60 quả, mỗi quả nặng từ 10-15 kg, múi có chất lượng ngon đặc biệt. Mít hái về ngoài cho bộ đội ăn tươi còn dùng để chế biến các món như bánh “gato” thạch mít chuyên dùng cho dịp sinh nhật, xôi mít, sữa chua mít, bánh su sê mít. Còn gỗ mít thì được dùng để làm các vật dụng huấn luyện.

Cũng ấn tượng không kém là mít sấy của Công ty TNHH Phương Huyền Foods ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Từng múi, từng múi ăn xốp, thơm, giòn, ngọt khác hẳn với những loại mít sấy vốn bán đầy rẫy ở các siêu thị, cửa hàng, bao bì rất đẹp, slogan rất hấp dẫn nhưng ăn chỗ xốp, chỗ dai, thậm chí còn lượng sượng.

Ban Giám khảo chấm điểm gian hàng của lữ đoàn 45 pháo binh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ban Giám khảo chấm điểm gian hàng của lữ đoàn 45 pháo binh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Tạ Thị Huyền, chủ đơn vị cho biết, hiện công ty đang có 2 nhà máy rộng hơn 5.000m². Đầu vào là những quả mít loại một được chọn lựa một cách kỹ lưỡng, thiên về chất lượng chứ không phải giá cả. Bởi thế mà tuy chỉ là công ty khá non trẻ trong nghề mít sấy nhưng đơn vị vẫn cạnh tranh sòng phẳng với những “ông lớn” trong ngành, được nhiều người đặt mua cho gia đình mình ăn hay biếu chỗ ân tình. 

Hồi hộp nhất của mọi cuộc thi luôn là phần công bố kết quả. Giải cây mít có quả ngon gồm 3 giải Ba của chủ hộ Nguyễn Thị Loan, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây; Nguyễn Mạnh Tiến, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai và Nguyễn Thị Tân, phường Trung Sơn Trầm thị xã Sơn Tây; 2 giải Nhì của chủ hộ Trịnh Thị Hương, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; Lữ đoàn 45 binh chủng pháo binh; 1 giải Nhất của chủ hộ Bùi Thị Mùi xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ.

Giải chung cuộc gồm 3 giải Ba của lữ đoàn 45, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai và phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây; 2 giải Nhì gồm xã Tiên Phương huyện Chương Mỹ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; 1 giải Nhất thuộc về xã Vân Nam huyện Phúc Thọ; 1 giải Đặc biệt thuộc về xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.

Dù là “tay mơ” trong nghề thử mít nhưng trực giác đã không đánh lừa tôi khi quả từ cây mít 79 năm tuổi của lữ đoàn 45 pháo binh đã lên ngôi Á quân của hội thi. Một Á quân khác là quả từ cây mít cũng khoảng 70-80 năm tuổi của chị Trịnh Thị Hương, ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.

Gian hàng mít sấy của Công ty TNHH Phương Huyền Foods. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gian hàng mít sấy của Công ty TNHH Phương Huyền Foods. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những tưởng cứ theo logic mít càng già quả càng ngon, ấy nhưng không, Quán quân của cuộc thi lại thuộc về quả của cây mít hơn 30 năm tuổi của bà Bùi Thị Mùi ở xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Trái với mong ngóng của nhiều người, khi lên bục nhận giải lại là ông Trần Văn Minh - trưởng thôn 6 - chứ không phải bà Mùi. Về sau ông giải thích với tôi, rằng mình chỉ là người đại diện bởi bà Mùi bị đau chân, không đi được.

Khi đoàn của Sở NN-PTNT Hà Nội mà trực tiếp là những cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - đơn vị tổ chức hội thi mít - về khảo sát, trong thôn có những cây mít tuổi đời tới 200 năm vẫn cho quả, tuy nhiên do cỗi nên quả không đều, không đẹp.

Còn hai cây mít của bà Mùi, một khoảng 25 năm, một khoảng 35 năm mỗi vụ cho khoảng 70 quả kích cỡ rất đều, trọng lượng chỉ lệch nhau 1-2 kg, trung bình đạt khoảng 8-9 kg, vừa ngọt thơm, vừa múi màu vàng đỏ rất đẹp ăn lại giòn.

Xã Vân Nam ngoài bãi chủ yếu trồng bưởi và chuối, còn trong vườn thì trồng mít, nhà nhiều 40-50 cây, nhà ít 5-10 cây, riêng bà Mùi vì mảnh đất quá nhỏ chỉ đủ chỗ cho hai cây mít.

Trong khi các quả từ cây mít khác chỉ trên 10.000đ/kg thì mít của bà luôn bán trên 20.000đ/kg mà còn không tranh mua được bởi đã có người đặt hết, hôm nào có mít chín thì chỉ việc gọi đến lấy, không phải mang ra chợ. Trung bình mỗi vụ mít đem lại cho bà khoảng 6 triệu đồng.

Từ “nhà ngói cây mít” đến “biệt thự cây mít”

Hà Nội có 1.135ha mít cho tổng sản lượng 14.075 tấn/năm, được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh… Thành phố có 28 cây mít đầu dòng, nhiều cây mít có tuổi đời từ 80 đến trên 100 năm, đặc biệt có cây mít cổ thụ tại xã Cổ Loa huyện Đông Anh đã được công nhận là cây di sản quốc gia với trên 500 năm.

Xưa hình ảnh “nhà ngói cây mít” là nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng châu thổ sông Hồng thì nay là “biệt thự cây mít” nhất là ở thị xã Sơn Tây - mảnh đất gắn với bề dày lịch sử của văn hóa xứ Đoài với tầng đá ong dày, cung cấp dồi dào các loại vi lượng để tạo nên quả mít có hương vị thơm ngon, giòn ngọt đặc trưng.

Giải chung cuộc, đặc biệt thuộc về xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giải chung cuộc, đặc biệt thuộc về xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, ngoài giá trị về quả, về cảnh quan sinh thái, gỗ mít còn được làm đồ thờ, tượng phật ở nhiều nơi như làng nghề Sơn Đồng huyện Hoài Đức, nếp nhà cổ của làng nghề Canh Nậu huyện Thạch Thất; gỗ mít còn là đề tài được các nghệ nhân chế tác thành các tác phẩm quả mít có giá trị vượt trội. Bên cạnh quả mít sử dụng cho ăn tươi thì quả mít cũng được chế biến thành rất nhiều sản phẩm chất lượng đã đạt chứng nhận OCOP như mít khô, mít sấy, làm nguyên liệu các món chè, xôi mít, nhút…

Được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của UBND các huyện, thị xã, Sở NN-PTTN Hà Nội lần đầu tiên tổ chức hội thi mít cấp thành phố nhằm tôn vinh, bảo tồn các giống mít địa phương; kết nối giao thương; tạo vùng nguyên liệu cho chế biến; phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn gắn với làng nghề.

Các hoạt động bên lề hội thi có hội thảo bảo tồn và phát triển giống mít dai trên địa bàn Hà Nội; có 2 đoàn tham quan các điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh và làng nghề cùng với những cây mít cổ thụ và cây mít được tôn vinh trong hội thi tại xã Cổ Đông, Sơn Đông, Kim Sơn, Đường Lâm của thị xã Sơn Tây.

Các tiêu chí chấm điểm:

- Đối với cây mít dự thi: cây sinh trưởng khoẻ, xanh tốt, tán cây phát triển đồng đều, độ đồng đều về hình dạng, kích thước quả ≥ 70%, năng suất bình quân 3 năm gần nhất: ≥ 150 kg/cây.

- Đối với quả mít dự thi: gai quả đều, màu vỏ quả đẹp tự nhiên, không bị vẹo, không bị khuyết lõm, không bị sâu, không bị nứt, tỷ lệ phần ăn được > 48%, màu sắc thịt quả: màu vàng, độ dai vách múi: giòn, dễ tách, hương vị: thơm tự nhiên, ngọt, độ Brix ≥ 22%.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.