Theo ông Tan Phannara, Tổng cục trưởng Thú y và Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản), hiện Campuchia chỉ cấp phép cho sáu công ty được phép nhập khẩu lợn sống từ các nước láng giềng, chủ yếu từ Thái Lan.
Ông Tan cho biết, như vậy tính trung bình mỗi ngày nước này chỉ nhập khẩu khoảng 1.800 đến 2.100 con lợn sống, chia đều cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Chính sách cắt giảm nhập khẩu lợn sống từ các nước láng giềng của Campuchia, theo ngành nông nghiệp là do nông dân nước này có thể sản xuất đủ cho thị trường nội địa. Điều này cũng sẽ ổn định giá lợn hơi và giúp đỡ nông dân.
Trước đó, vào ngày 18 tháng 2, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi nông dân tăng cường sản xuất chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ước tính, vào thời điểm này nguồn cung lợn thịt nội địa đã đạt khoảng 82%, và chỉ có 18% là lợn nhập khẩu.
Theo Tổng cục Thú y và Chăn nuôi, giá lợn hơi ở Campuchia hiện nay dao động từ 11.000 riel (khoảng 2,7 USD) đến 12.000 riel/kg, trong khi giá lợn hơi ở Việt Nam vẫn neo ở mức 17.000 riels/kg và 8.000 riel/kg ở Thái Lan.
Theo ông Tan, hiện nhu cầu lợn thịt nội địa của vương quốc này là 2,3 triệu mỗi năm, tương đương khoảng 8.000 mỗi ngày. Và hiện nông dân đã có thể cung cấp tới 6.000 con lợn thịt hằng ngày.
Quan chức nước này cũng cho biết, Campuchia cũng sẽ không cho phép hoạt động quá cảnh đối với bất kỳ con lợn sống nhập khẩu nào từ Thái Lan về Việt Nam cũng như tỉnh Sihanouk theo yêu cầu của Hiệp hội chăn nuôi bởi vì các trang trại ở đây hoàn toàn có đủ năng lực.
Ông Srun Pov, chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Campuchia hoan nghênh động thái của chính phủ. Ông Srun nói rằng, việc cắt giảm nhập khẩu lợn sống từ các nước láng giềng sẽ khuyến khích nông dân địa phương tăng thêm đàn lợn để cung cấp cho thị trường địa phương, đồng thời nó cũng đang giúp tạo việc làm cho người dân lúc này.