| Hotline: 0983.970.780

Nông hộ chăn nuôi không được hưởng lợi khi giá lợn hơi tăng cao

Thứ Sáu 28/02/2020 , 14:01 (GMT+7)

Đó là khẳng định của TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) khi trao đổi với NNVN.

 TS. Trần Công Thắng.

 TS. Trần Công Thắng.

Được biết, Viện Ipsard vừa hoàn thành một chuyên đề nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng hội nhập tới ngành chăn nuôi và các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững?

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Ipsard đã tiến hành một chuyên đề nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng hội nhập tới ngành chăn nuôi và các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững.

Chăn nuôi lợn hiện đang là sinh kế tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 26,9% trong tổng số 9,32 triệu hộ sản xuất nông lâm thủy sản. Năm 2018, tổng đàn lợn của Việt Nam đạt 28,12 triệu con, sản lượng thịt 3,8 triệu tấn, xếp thứ 5 thế giới về sản xuất thịt lợn, sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Brazil, Nga.

Ngành chăn nuôi lợn những năm qua liên tục lâm vào tình trạng bất ổn về cung cầu, khiến đầu ra luôn bấp bênh, giá lợn hơi xuất chuồng luôn biến động ngoài tầm kiểm soát. Đầu 2016, giá thịt lợn cao, người chăn nuôi và doanh nghiệp đẩy mạnh vào đàn. Từ cuối 2016 đến hết năm 2017, giá lợn giảm mạnh, quanh mức 25-30 nghìn đồng.

Đầu năm 2019, giá lợn giảm sâu khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu nổ ra, nhưng về cuối năm, do số lượng lợn tiêu hủy nhiều, quy mô đàn nuôi suy giảm, khiến giá thịt lợn tăng quá cao. Tính bình quân cả năm 2019, giá lợn hơi tăng khoảng 65% so với 2018. Hiệu ứng này kéo theo giá sản phẩm thay thế như gà, bò cũng tăng.

Nhập khẩu các sản phẩm thay thế tăng mạnh, để bù đắp tiêu dùng trong nước khi giá lợn nội địa liên tục tăng cao: nhập khẩu thịt lợn tăng 90% so với 2018, tương tự nhập khẩu bò, gà cũng tăng mạnh, bò trâu tăng 48%, gia cầm tăng 44% so với năm 2018.

 Nghiên cứu về tác động của dịch bệnh tới cung cầu ngành hàng lợn và sinh kế hộ chăn nuôi trong năm vừa qua cho thấy, khoảng cách về giá giữa người bán lẻ và người chăn nuôi lớn, khiến lợi nhuận của nông hộ chăn nuôi thấp.

Khi nông dân có lợn xuất bán thì giá lợn thấp, cộng với dịch bệnh khiến tiêu hủy nhiều, hàng trăm nghìn hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phá sản. Đến cuối năm 2019, khi giá thịt lợn xuất chuồng tăng cao thì nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ hầu như không có lợn xuất bán, nên họ không được hưởng lợi lúc giá lợn cao.

Thực thi các Hiệp định thương mại tự do, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi sẽ như thế nào, thưa ông?

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay lập tức 21,64% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; 76,39% số dòng thuế sẽ giảm về 0% sau 2-16 năm, còn lại chỉ một số ít sản phẩm gia cầm sẽ giữ nguyên mức thuế ở mức 80%.

Các nước trong CPTPP đều cam kết về lộ trình xóa bỏ, thuế đối với sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, Úc, New Zealand sẽ xó bỏ đến 99% số dòng thuế. Canada sẽ xóa bỏ 69,4% số dòng thuế sản phẩm chăn nuôi ngay từ năm đầu thực thi CPTPP; 86 dòng thuế sẽ áp mức hạn ngạch tùy thuộc vào sản phẩm. Như vậy, dư địa giảm thuế ở thị trường Canada lên tới 24,5%.

Tại Chile, 70% số dòng thuế sản phẩm chăn nuôi sẽ được xóa bỏ ngay lập tức; 5% số dòng thuế sẽ không được hưởng ưu đãi. Với Mexico, 74,2% dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ xóa bỏ ngay lập tức, các sản phẩm sữa sẽ bị áp hạn ngạch tùy thuộc vào loại sản phẩm. Peru sẽ xóa bỏ ngay lập tức 64,42% thuế sản phẩm chăn nuôi, khiến dư địa giảm thuế ở thị trường này lên tới 45%.

Trong khi, tại thị trường Malaysia sẽ có dư địa giảm thuế lên tới 40%, khi nước này cam kết sẽ xóa bỏ tới 95,39% số dòng thuế chăn nuôi; các sản phẩm còn lại áp hạn ngạch. Nhật Bản sẽ xóa bỏ 37,52% dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian từ 3-22 năm, để lại 61 (9%) dòng thuế áp hạn ngạch và 90 (14,68%) dòng thuế không giảm – như vậy tạo dư địa giảm  thuế lên tới 50%.

Đối với EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch (các sản phẩm gia cầm); số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 – 9 năm. Thị trường Việt Nam tạo ra dư địa giảm thuế 34%.

Về phía các nước EU, họ cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam khi thực thi EVFTA; 27% số dòng thuế về 0% sau 3 – 7 năm.

Xin ông cho biết những nét vắn tắt về thương mại các sản phẩm chăn nuôi giữa Việt Nam với các nước trong khối CPTPP và  EVFTA. Việc cắt giảm thuế sẽ tác động đến ngành chăn nuôi nước ta như thế nào?

 Hiện Việt Nam không nhập khẩu bò sống từ khối EVFTA, chỉ nhập rất ít thịt bò từ nước Áo. Trong khi với khối CPTPP, Việt Nam nhập khẩu bò sống nhiều nhất từ Úc vừa làm giống vừa vỗ béo lấy thịt; nhập khẩu thịt cấp đông, thịt lọc không xương từ Úc, Mỹ.

Thuế nhập khẩu thịt bò sẽ giảm trong 3-8 năm, khiến áp lực cạnh tranh đối với ngành chăn nuôi bò thịt nước ta sẽ đến rất sớm. Hiện Việt Nam nhập khẩu nhiều sữa bột từ Úc, New Zealand, nhập khẩu sữa, pho mát tươi từ Pháp.

Khi thực thi CPTPP và EVFTA, việc thuế nhập khẩu từ khối CPTPP và thuế nhập khẩu EU giảm trong lộ trình 3 năm sẽ khiến sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh.

Đối với chăn nuôi gia cầm, lượng gà sống và thịt gà nhập khẩu tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong khối CPTPP, Việt Nam nhập khẩu gà sống và thịt, phụ phẩm từ 3 nước Malaysia, Úc, New Zealand với sản phẩm chủ yếu là phụ phẩm gà đông lạnh sau giết mổ (thuế nhập khẩu hiện hành 20%).

Đối với khối EU, Việt Nam nhập khẩu gà sống từ Pháp, Anh, Hà Lan; nhập khẩu thịt gà từ Ba Lan, Pháp, Ý. Tuy nhiên, lộ trình giảm thuế đối với nhóm sản phẩm thịt gà lên tới 10-11 năm, nên ít tác động ngay.

Đối với ngành lợn, khả năng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Năm 2018, giao thương thịt lợn của thế giới lên tới 28,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam chỉ 44,866 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu lợn sống từ khối CPTPP và EU chủ yếu chỉ để làm giống. Việt Nam có nhập thịt lợn từ Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan với những sản phẩm chủ yếu gồm thịt mông, thịt vai, đông lạnh.

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh,  thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm.

Cam kết EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm, thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% về 0% sau 9 năm. Dư địa giảm thuế nhập khẩu sản phẩm thịt lợn cao, nhưng lộ trình kéo dài 8-10 năm, khiến ngành hàng chăn nuôi lợn nước ta chịu thách thức trong dài hạn.

Ông có những khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp và Nhà nước về các giải pháp nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực do 2 Hiệp định trên đem đến?

Các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta cần xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành HTX và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, cần tăng đầu tư vào công nghệ cao, vùng chuyên canh nguyên liệu, cải thiện chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành. Các doanh nghiệp chăn nuôi cần tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hữu cơ.

Về phía Nhà nước, cần cập nhật tốt các thông tin về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu của các nước. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu.

Các chính sách về chăn nuôi cần hướng đến ưu tiên và phân bổ nguồn lực triển khai Nghị định 57, Nghị định 98 về liên kết, phát triển HTX; Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định 135 về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân.

Xin cám ơn ông!

Hiện nay chăn nuôi lợn trong nông hộ chịu rất nhiều rủi ro, những hộ nào năng lực kém thì không nên tiếp tục tham gia chăn nuôi. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề khác.

Trong ngắn hạn, cần hướng các hộ nông dân tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước.

Trong dài hạn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh xã hội.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.