| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/10/2022 , 10:59 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:59 - 20/10/2022

Cán bộ nêu gương bảo vệ thiên nhiên

Trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk rời khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, có thể lấy làm ví dụ cán bộ nêu gương bảo vệ thiên nhiên.

Sau khi có thông tin phản ánh trên công luận về việc ông Y Luyên (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk) có trại chăn nuôi nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thuộc huyện Ea Kar của tỉnh Đăk Lăk, nhiều người đã hồi hộp theo dõi diễn biến tiếp theo. Rất nhanh chóng, ông Y Luyện đã tháo dỡ công trình và bàn giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, mà không cần chính quyền địa phương phải nhắc nhở hay can thiệp.

Thái độ tự trọng của ông Y Luyện, thực sự đáng trân trọng. Ông Y Luyện năm nay bước vào tuổi 80, là một trong những người dân tộc thiểu số có uy tín tại Tây Nguyên. Năm 1999, chính ông Y Luyện với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, đã ký quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Theo giải thích của ông Y Luyện, quê gốc của ông ở mảnh đất này, ông cũng từng trải qua tuổi thơ gian khó và tuổi trẻ chiến đấu ở mảnh đất này nên có cảm tình đặc biệt.

Từ năm 2005, ông Y Luyện nghỉ hưu đã về đây xây nhà tạm để chăn nuôi bò. Ông Y Luyện không có ý định chiếm đất cũng như xâm hại tài nguyên rừng. Khi có ý kiến thắc mắc, ông Y Luyện lập tức phục hồi nguyên trạng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và trở về sinh sống tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.

Không phải cán bộ nào, dù nghỉ hưu hay đương chức, cũng có cách ứng xử chân thành và thiện chí như ông Y Luyện. Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có tổng diện tích 27.800 ha không hoàn toàn biệt lập với cư dân. Có một con đường được nối từ quốc lộ 26 thuộc huyện Ea Kar, Đăk Lăk sang huyện Sông Hinh (Phú Yên), đi xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, vẫn được người dân sử dụng giao thông khá thuận tiện. Nếu cho phép cư dân làm nhà và chăn nuôi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thì sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm lâm.

Trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk rời khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, có thể lấy làm ví dụ cho câu chuyện cán bộ nêu gương bảo vệ thiên nhiên. Bởi lẽ, nhiều năm qua, đã có không ít vụ xâm hại đất rừng mà đối tượng vi phạm là cán bộ địa phương. Họ đã cậy chức vụ của mình và sự nể nang của lực lượng chức năng để làm càn, làm quấy thách thức dư luận và quy định pháp luật.

Tài nguyên rừng nói riêng và môi trường sinh thái nói chung ở Việt Nam đang gặp nhiều mối đe dọa từ sự tham lam và sự ích kỷ. Trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên không phải của riêng ai. Thế nhưng, cán bộ cần phải tiên phong “gương sáng treo cao” trong cộng đồng. Ngoài việc hạn chế hành vi lấn chiếm đất rừng để làm biệt thự nghỉ dưỡng hay trang trại hữu cơ, cán bộ còn phải nâng cao ý thức tiêu dùng lành mạnh.

Làm sao bảo vệ thiên nhiên, khi cán bộ đua đòi mua sắm vật dụng chế tác từ các loại gỗ quý hiếm? Làm sao bảo vệ thiên nhiên, khi cán bộ mưu cầu những bữa ăn với nguyên liệu có được nhờ săn bắn động vật hoang dã? Không thể bảo vệ thiên nhiên bằng khẩu hiệu chót lưỡi đầu môi.