| Hotline: 0983.970.780

Cần bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm

Thứ Hai 08/05/2023 , 16:15 (GMT+7)

Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm đã được quy định tại Luật Việc làm năm 2013, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm

Theo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Việc làm của Bộ LĐ-TB&XH, các quy định về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác tương đối đầy đủ và chặt chẽ, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về việc làm, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.

Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm.

Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm.

Trước đây, nguồn vốn vay chủ yếu từ nguồn vốn cho vay quay vòng của Quỹ, tuy nhiên, trên cơ sở Luật Việc làm và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, lần đầu tiên đã quy định về việc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huy động, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý; bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường ủy thác cho vay qua NHCSXH, góp phần tăng cường bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cụ thể:

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, Chính phủ đã bố trí tối đa 10.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của NHCSXH để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP.

Tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt khoảng 53.600 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.611 tỷ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động khoảng 27.000 tỷ đồng và nguồn vốn của địa phương ủy thác khoảng 22.000 tỷ đồng. Với trên 1.180 nghìn khách hàng còn dư nợ, đây là chương trình vay vốn có dư nợ lớn nhất thực hiện tại NHCSXH.

Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm (tính riêng từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của NHCSXH) cho 728.939 lao động. Năm 2021, doanh số cho vay đạt 10.043,824 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 308.410 người lao động. 3 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay đạt 1.893,215 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 57.922 người lao động.

Năm 2021, chính sách cho vay giải quyết việc làm góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 308.410 người lao động. Ảnh tư liệu.

Năm 2021, chính sách cho vay giải quyết việc làm góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 308.410 người lao động. Ảnh tư liệu.

Thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều lao động nông thôn, lao động nữ, lao động yếu thế đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng, trong đó, lao động nông thôn khoảng 90%, lao động nữ chiếm khoảng 55%, lao động là người dân tộc thiểu số khoảng 10%, lao động là người khuyết tật khoảng 5%.

Tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giảm đều qua các năm. Tại thời điểm nhận bàn giao năm 2003, nợ quá hạn là 143 tỷ đồng (chiếm 7,28% trên tổng dư nợ). Đến ngày 30/4/2022, nợ quá hạn chỉ còn 52 tỷ đồng (chiếm 0,11% trên tổng dư nợ của chương trình).

Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách

Bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Nguồn vốn cho vay từ Quỹ còn hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, từ năm 2016 đến nay, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay hàng năm. Đến tháng 7/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP cho phép NHCSXH huy động nguồn vốn để cho vay. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của chương trình là rất lớn nên nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang ngày một tăng cao.

Hiện nay chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chủ yếu được thực hiện từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do NHCSXH huy động và nguồn địa phương uỷ thác qua NHCSXH. 3 nguồn vốn này do NHCSXH tổ chức thực hiện cho vay.

Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chủ yếu đến từ nguồn huy động của NHCSXH, chiếm tỷ trọng lớn nhất, có xu hướng ngày càng tăng (thông qua cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất) nhưng mới được quy định ở văn bản dưới Luật.

Ngoài ra, nguồn ủy thác của địa phương qua NHCSXH không quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 nên Chính phủ đã ban hành Công văn số 730/TTg-KTTH ngày 06/5/2016 giao UBND cấp tỉnh giải thể Quỹ giải quyết việc làm địa phương và chuyển nguồn vốn còn lại theo hình thức ủy thác qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm… Do đó, chưa được luật hóa trong Luật Việc làm để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở thuận lợi cho quản lý, điều hành và hoạt động.

Mặt khác, tại Điều 12 Luật Việc làm quy định đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) và người lao động. Như vậy, đối tượng vay rộng, đòi hỏi nhu cầu vốn lớn trong khi nguồn lực thực hiện còn hạn chế (thực tế trong giai đoạn qua, đối tượng vay giải quyết việc làm là cơ sở sản xuất kinh doanh rất thấp, chỉ chiếm 0,1%).

Trong bối cảnh già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu tiên trong vay vốn giải quyết việc làm, góp phần hỗ trợ đối với người cao tuổi đảm bảo, duy trì sinh kế và tận dụng nguồn lao động có tri thức, kinh nghiệm.

Về điều kiện vay vốn, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật việc làm thì điều kiện vay vốn đối với người lao động là “cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án”. Tuy nhiên trên mẫu giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mẫu số 1a) ban hành kèm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP quy định phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi khách hàng hiện đang cư trú hợp pháp tại địa phương.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động phải thuộc trên cùng một địa bàn cấp xã (xã, phường, thị trấn). Điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác thì việc vay vốn từ chương trình này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện.

Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bố trí một khoản chi đầu tư phát triển để chuyển cho NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bố trí một khoản chi đầu tư phát triển để chuyển cho NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Bổ sung chính sách trong Luật Việc làm (Sửa đổi)

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bố trí một khoản chi đầu tư phát triển để chuyển cho NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Việc làm theo hướng quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; Nguồn huy động của NHCSXH được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất; Nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Nguồn hợp pháp khác.

Cùng với đó, sửa đổi quy định để được vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho các hộ kinh doanh và người lao động. Đồng thời,  bổ sung quy định ưu tiên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn cho người cao tuổi. Sửa đổi điều kiện vay vốn đối với người lao động theo hướng bỏ quy định liên quan về cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm năm 2013, trên cơ sở tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2024); trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2026.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.