| Hotline: 0983.970.780

Luật Việc làm năm 2013 còn nhiều hạn chế

Thứ Năm 06/04/2023 , 07:25 (GMT+7)

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách về việc làm quy định tại Luật Việc làm năm 2013 bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Luật Việc làm được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 16/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Luật Việc làm đã mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

IMG-1958

Sau 5 năm thực hiện, Luật Việc làm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cấp dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Luật Việc làm đã hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay tín dụng tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp...

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Luật Việc làm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), một số quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan.

Cụ thể, các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ luật Lao động 2019. Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.

Bên cạnh đó, Luật BHXH đang trong quá trình sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trong đó có một số nội dung về BHTN sẽ không được điều chỉnh trong Luật BHXH, do đó cần sửa đổi Luật Việc làm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Không còn phù hợp với cuộc cách mạng kỹ thuật số

Thế giới đang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông.

Công nghệ số

Luật Việc làm năm 2013 còn thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin thị trường lao động, hoạt động dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường mạng…

Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017), tuy nhiên, cũng chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm đối với thanh niên, lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi; chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.

Các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm: Chính sách về tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động... Tuy nhiên hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, do đó các chính sách đã không còn phù hợp và phát huy được hiệu quả.

Mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; năng lực của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông.

Đối tượng tham gia BHTN theo quy định của Luật Việc làm năm 2013 chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng BHTN không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.

1f12602e-cb3c-4583-87f9-a98a1fdd74a1

Luật Việc làm năm 2013 còn thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. 

Luật Việc làm 2013 còn thiếu cơ chế quản lý, điều tiết của nhà nước như: Thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là nhân lực trình độ cao; bộ máy quản lý nhà nước về hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa có cơ chế kiện toàn; chưa có kinh phí cho phát triển kỹ năng nghề và tổ chức thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia...

Chưa phù hợp với điều ước quốc tế

Theo đánh gia của Bộ LĐ-TB&XH, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 chưa đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, Luật Việc làm 2013 quy định về dịch vụ việc làm bao gồm các hoạt động tại Khoản 1 Điều 36, chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về dịch vụ việc làm mà Việt Nam đã tham gia. Công ước số 88 của ILO nhấn mạnh dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống quốc gia bao gồm một mạng lưới các cơ quan dịch vụ việc làm địa phương hoặc vùng.

Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động chưa có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoạt động giữa các trung tâm còn hạn chế và chưa thể hiện nguyên tắc thống nhất về hoạt động nghiệp vụ.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm năm 2013, trên cơ sở tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2024); trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2026.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất