Thị trường tín chỉ carbon đang trở thành một lĩnh vực tiềm năng không chỉ trên thế giới mà còn tại Việt Nam, đặc biệt khi Chính phủ đang thúc đẩy kế hoạch thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 và chính thức triển khai vào năm 2028.
Trong bối cảnh này, việc thương mại hóa tín chỉ carbon từ rừng đang thu hút sự quan tâm lớn của các địa phương và người dân làm nghề rừng. Bởi lẽ, Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng quý giá với diện tích trên 14,86 triệu ha cùng 25 triệu người dân phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào rừng để sinh kế.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khai thác và tận dụng hiệu quả nguồn lợi từ tín chỉ carbon rừng để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ tài nguyên rừng và phát triển bền vững? Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
Thưa ông, với nguồn tài nguyên rừng phong phú, ông đánh giá như về tiềm năng thương mại hóa tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam, đặc biệt khi sàn giao dịch tín chỉ carbon dự kiến sẽ được vận hành thí điểm vào năm 2025?
Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 42,02%, tương ứng với tổng diện tích 14,8 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 10,1 triệu ha. Đây là diện tích có khả năng lưu giữ và hấp thụ carbon rất lớn.
Theo tính toán của các nhà khoa học, tổng lượng carbon mà Việt Nam có thể trao đổi thương mại, sau khi thực hiện các nghĩa vụ đóng góp quốc gia, dự kiến đạt hơn 165.000 tấn carbon từ nay đến năm 2030.
Hiện nay, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ tập trung vào 6 tỉnh gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là 6 tỉnh đầu tiên mà Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo Cục Lâm nghiệp triển khai thí điểm theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ bao gồm 11 tỉnh, được kỳ vọng sẽ hoàn thành đàm phán và chuyển nhượng tín chỉ carbon lần thứ hai vào năm 2025.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ thực hiện việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Tiềm năng tín chỉ carbon rừng chưa khai thác của Việt Nam còn rất lớn.
Ông có thể cho biết, việc thực hiện trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng có vai trò và ý nghĩa gì đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các cam kết giảm phát thải và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
Việc thực hiện trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng hiện nay mang đến nhiều tác động đáng chú ý. Trước hết, đối với các chủ rừng, việc thực hiện thỏa thuận này giúp nâng cao năng lực về quản trị rừng, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận với những phương pháp và cách tiếp cận mới, từ đó cải thiện công tác quản lý rừng ngày càng hiệu quả hơn.
Thứ hai, về mặt nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thỏa thuận này giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích mà rừng mang lại. Ngoài nguồn thu nhập từ lâm sản, người dân còn có thể tạo ra các nguồn thu nhập khác thông qua các hoạt động trao đổi và chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, hay còn gọi là thu nhập từ các hoạt động phi lâm sản.
Thứ ba, việc thực hiện thỏa thuận này cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý của các chủ rừng, giúp họ tiếp cận các công nghệ hiện đại trong việc theo dõi và giám sát diễn biến rừng. Những yếu tố này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thúc đẩy nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn. Tất cả những yếu tố trên sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong tương lai.
Ông nhận định như thế nào về những thách thức trong việc triển khai và vận hành thị trường tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam?
Luật Lâm nghiệp và Luật Bảo vệ Môi trường hiện nay là những bộ luật khung quan trọng, đưa ra các quy định cơ bản về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần có các Nghị định quy định chi tiết hơn, bao gồm những vấn đề quan trọng như: Quyền sở hữu carbon, các tiêu chuẩn áp dụng cho carbon, quy định về các tổ chức chứng nhận và thẩm định kết quả giảm phát thải.
Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng về quy trình đăng ký và xây dựng dự án, tổ chức thực hiện dự án tín chỉ carbon rừng, cũng như các quy trình giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Những quy định này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc triển khai hoạt động tín chỉ carbon rừng.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các quy định này, trên cơ sở thí điểm tại vùng Bắc Trung bộ. Sau khi tổng kết và đánh giá kết quả, các Nghị định sẽ được điều chỉnh và xây dựng chi tiết hơn, giúp tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam.
Để thực hiện thương mại hóa tín chỉ carbon rừng hiệu quả, theo ông, các địa phương cần tập trung vào những giải pháp cụ thể nào?
Một trong những nguyên tắc quan trọng để thực hiện việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hay đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng là phải thể hiện được nỗ lực gia tăng. Điều này có nghĩa là trong điều kiện tự nhiên bình thường, nếu không có bất kỳ tác động nào, khả năng lưu giữ và hấp thụ carbon của rừng sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, khi có thêm các nỗ lực và nguồn lực đầu tư để phát triển rừng tốt hơn, quản lý rừng bền vững hơn, thì chính phần gia tăng lượng hấp thụ carbon này sẽ được các tổ chức thẩm định và công nhận, và chỉ khi đó mới được coi là tín chỉ carbon. Điều này nhấn mạnh rằng không thể hiểu một cách đơn giản rằng cứ có rừng là sẽ có tín chỉ carbon. Thay vào đó, các nỗ lực bổ sung để gia tăng hiệu quả quản lý và phát triển rừng là điều kiện cần thiết.
Ngoài ra, để có thể tiến hành trao đổi tín chỉ carbon, các chủ rừng phải lập dự án đầu tư tín chỉ carbon rừng. Đây là điều kiện tiên quyết để các chủ rừng có thể thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình chuyển nhượng hoặc kinh doanh tín chỉ carbon.
Vậy làm thế nào để có thể thu hút nhiều hơn nữa các tổ chức, đơn vị và chủ rừng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường còn mới mẻ và tiềm năng chưa được khai thác hết, thưa ông?
Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng, tôi cho rằng Nhà nước cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ, các chính sách ưu đãi như giảm thuế, các chương trình tín dụng xanh và các hỗ trợ khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Về phía các chủ rừng, đây là lĩnh vực duy nhất trong ngành lâm nghiệp có khả năng hấp thụ carbon và có thể phát triển kinh doanh, bao gồm việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để có thể thực hiện các giao dịch này, yếu tố căn cốt chính là việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Nếu rừng được bảo vệ và phát triển tốt, chúng ta mới có thể đo lường được kết quả gia tăng lượng carbon hấp thụ và từ đó thực hiện tín chỉ hóa.
Trong lâm nghiệp, để đạt được mục tiêu giảm phát thải, có tới 7 biện pháp quan trọng như: Bảo vệ rừng tự nhiên, phục hồi rừng, phát triển rừng và thực hiện các biện pháp nông lâm kết hợp. Các biện pháp này không chỉ giúp gia tăng khả năng hấp thụ carbon mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững trong dài hạn.
Theo ông, chúng ta cần phải có những chính sách cụ thể nào để xây dựng và nhanh chóng hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng, nhằm đảm bảo việc thương mại hóa tín chỉ carbon được thuận lợi và hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về mặt kỹ thuật. Thực tế, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư hướng dẫn về đo đạc và kiểm kê trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, các quy định ở cấp cao hơn, như các Nghị định của Chính phủ là rất cần thiết.
Một tín hiệu đáng mừng là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 về bảo vệ tầng ozon và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng đề án thành lập và phát triển thị trường carbon.
Đây là những chủ trương và định hướng lớn, giúp tạo điều kiện cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy định hướng dẫn về mặt kỹ thuật.
Chúng tôi hy vọng với các quy định từ Luật, Nghị định, Thông tư và hướng dẫn kỹ thuật sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện. Điều này sẽ giúp các chủ rừng, người dân có rừng có cơ hội thực hiện và gia tăng thu nhập thông qua việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và mua bán tín chỉ carbon rừng. Đây thực sự là những tín hiệu rất tích cực trong thời điểm hiện tại.
Xin cảm ơn ông!